Ông Trump đe doạ 27 nước châu Âu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa đưa 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào danh sách đối tác thương mại mà ông đe dọa áp thuế, nếu các nước này không thực hiện những giải pháp để nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn.

ap24351604996746-5241-6403-8788.jpg
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

"Tôi đã nói với Liên minh châu Âu là phải bù đắp khoản thâm hụt khổng lồ của họ với Mỹ bằng cách mua dầu và khí đốt của chúng tôi với số lượng lớn. Nếu không, sẽ là THUẾ QUAN!!!", ông Trump viết trong đoạn đăng trên mạng xã hội lúc nửa đêm 20/12.

Theo Cục Thống kê, năm 2023 thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với EU là 209 tỷ USD. Mỹ chi 576 tỷ USD nhập khẩu hàng hoá từ châu Âu và thu về 367 tỷ USD từ xuất khẩu sang châu lục này.

Nhóm chuyển giao của Trump chưa trả lời đề nghị làm rõ hơn thông điệp mới nhất.

Khi ông Trump đe dọa áp thuế 25% lên Canada và Mexico vào tháng 11, lãnh đạo của cả hai nước đã tìm gặp ông để cố gắng giải quyết căng thẳng. Tuy nhiên, EU không có người đại diện cho 27 quốc gia thành viên có thể đưa ra cam kết về việc mua khí đốt tự nhiên và dầu mỏ như ông Trump muốn.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Olof Gill khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Tổng thống đắc cử Trump về cách chúng tôi có thể củng cố thêm mối quan hệ vốn đã bền chặt, bao gồm cả việc thảo luận về lợi ích chung trong lĩnh vực năng lượng".

Ông Gill nhấn mạnh rằng EU đã "cam kết loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng từ Nga và đa dạng hóa nguồn cung cấp. Chúng tôi sẽ không đi sâu vào bất kỳ chi tiết nào về những gì có thể xảy ra trong tương lai, vì chính quyền mới thậm chí còn chưa chính thức thành lập".

Scott Lincicome, phó chủ tịch của Viện Cato, cho rằng thật khó để phân tích những gì ông Trump đang cố gắng nói về thương mại với châu Âu, vì xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang lục địa này đã tăng lên sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra năm 2022.

“Ông Trump đang đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Dù tốt hay xấu, đây cũng là phần lớn những gì chúng ta sẽ thấy trong 4 năm tới", ông Lincicome nhận định.

Dù Mỹ - EU có tình trạng mất cân bằng thương mại, nhưng hai bên có mối quan hệ phức tạp hơn những con số đó. Một công ty như hãng sản xuất ô tô Đức BMW có thể nhập khẩu linh kiện để lắp ráp xe tại nhà máy của họ ở bang Nam Carolina của Mỹ.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng mà EU và Anh nhập khẩu trong năm 2023 đến từ Mỹ, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Đòi hỏi của ông Trump với châu Âu về việc mua thêm dầu và khí tự nhiên không phải điều mới. Ông từng đưa ra yêu cầu này trong nhiệm kỳ đầu tiên và đạt được thoả thuận với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker hồi đó để bán thêm khí hoá lỏng cho châu Âu.

Theo Bình Giang (TPO)

Có thể bạn quan tâm