Sân chơi bổ ích cho công nhân, viên chức, lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hướng đến chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Gia Lai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2023-2028, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức các hội thi, hội thao, tạo sân chơi bổ ích, mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi giữa công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ).

Nâng cao ý thức tham gia giao thông

Ngày 25-8 vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). 14 đội với 70 tuyên truyền viên là đoàn viên Công đoàn đến từ các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành và tương đương đã tham gia tranh tài sôi nổi 3 phần thi: chào hỏi, thi kiến thức theo hình thức “rung chuông vàng” và thực hành kỹ năng lái xe an toàn.

Ở phần thi chào hỏi, bằng các hình thức: thơ, ca, hò, vè… thời gian tối đa 10 phút, các đội đã mang đến hội thi không khí sôi nổi, hấp dẫn. Với sự chuẩn bị chu đáo và có nhiều sáng tạo trong quá trình thể hiện, đội Công đoàn Viên chức tỉnh được Ban tổ chức trao giải phần thi chào hỏi ấn tượng nhất.

Chị Dương Thị Nga-chuyên viên Công đoàn Viên chức tỉnh-cho hay: “Các thành viên của đội đã tập luyện tích cực để hoàn thành tốt phần thi. Thông qua hội thi, đội gửi đến cán bộ, CNVC-LĐ các thông điệp là đã uống rượu, bia không được lái xe; đội mũ bảo hiểm cho bản thân và trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông; không sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông và đảm bảo trật tự ATGT là trách nhiệm của mọi người”.

Phần thi chào hỏi của Công đoàn Viên chức tỉnh được Ban tổ chức trao giải ấn tượng nhất Hội thi. Ảnh: Đinh Yến

Phần thi chào hỏi của Công đoàn Viên chức tỉnh được Ban tổ chức trao giải ấn tượng nhất Hội thi. Ảnh: Đinh Yến

Trong phần thi kiến thức, các đội đã thể hiện sự hiểu biết của mình về các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các văn bản quy phạm pháp luật trong việc bảo đảm trật tự ATGT và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Mỗi đội có 5 thí sinh tham gia thi trả lời 35 câu hỏi. Kết quả, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh và LĐLĐ huyện Krông Pa là 2 đội có thành tích xuất sắc nhất tại phần thi này.

Đặc biệt, các thí sinh còn tham gia thi thực hành kỹ năng lái xe an toàn. Trong thời gian tối đa 7 phút, mỗi thành viên của từng đội thi điều khiển xe mô tô hoàn thành bài kỹ năng như: luồn cọc và lái xe thăng bằng trên ván hẹp... Kết thúc, đội thi Công đoàn ngành Y tế giành giải phần thi kỹ năng lái an toàn xuất sắc nhất.

Các Đội tham gia phần thi kiến thức của Hội thi. Ảnh: Đinh Yến

Các Đội tham gia phần thi kiến thức của Hội thi. Ảnh: Đinh Yến

Thể hiện xuất sắc ở cả 3 phần thi, Đội LĐLĐ huyện Krông Pa giành giải nhất hội thi. Bà Thân Thị Quỳnh Trúc-Đội trưởng Đội LĐLĐ huyện Krông Pa-bộc bạch: “Đội đã lựa chọn chủ đề màn chào hỏi phản ánh vấn đề nhân viên giao hàng bị áp lực thời gian thực hiện công việc, nôn nóng giao hàng cho khách thật nhanh nên lái xe không đảm bảo an toàn. Bằng hình thức sân khấu hóa, chúng tôi muốn chuyển tải đến người xem thông điệp hãy lái xe an toàn, bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Hội thi là sân chơi bổ ích để đoàn viên, người lao động được học hỏi, trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng liên quan đến ATGT”.

Thiếu tá Trần Nam Phương-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), thành viên Ban giám khảo hội thi-cho hay: “Tại hội thi, các đội thi đã có sự đầu tư bài bản, nhiệt tình. Qua các phần thi, các thí sinh đã thể hiện được sự am hiểu pháp luật về giao thông, trả lời nhanh chóng, chính xác các câu hỏi về kiến thức; xử lý nhanh, phù hợp trong các tình huống, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật giao thông và thực hành chuẩn xác kỹ năng lái xe an toàn”.

Ban tổ chức trao giải cho các đội thi xuất sắc. Ảnh: Đinh Yến

Ban tổ chức trao giải cho các đội thi xuất sắc. Ảnh: Đinh Yến

Kết thúc, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội thi LĐLĐ huyện Krông Pa; giải nhì thuộc về đội thi LĐLĐ huyện Phú Thiện và LĐLĐ huyện Đức Cơ; giải ba được trao cho các đội thi: Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh và LĐLĐ huyện Chư Prông; các đội thi còn lại giành giải khuyến khích.

Rèn luyện sức khỏe

Các vận động viên tham gia Giải bóng bàn truyền thống tranh tài ở các nội dung. Ảnh: Đinh Yến

Các vận động viên tham gia Giải bóng bàn truyền thống tranh tài ở các nội dung. Ảnh: Đinh Yến

Sau 5 mùa giải thành công, năm nay, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tổ chức Giải bóng bàn truyền thống toàn tỉnh lần thứ VI-2023, đem đến một sân chơi lành mạnh để CNVC-LĐ rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống tinh thần.

Ông Nguyễn Ngọc Minh-Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, Trưởng ban tổ chức giải-cho biết: Giải năm nay thu hút hơn 170 vận động viên đến từ 17 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố; 5 Công đoàn ngành và tương đương (gồm: Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp và PTNT, Khu Kinh tế tỉnh, Công đoàn Viên chức tỉnh) và 5 đơn vị khách mời: BIDV Nam Gia Lai, Agribank chi nhánh Gia Lai, Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh, Câu lạc bộ Bóng bàn Tín Phát thuộc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Các tay vợt tham gia thi đấu ở 2 bảng là phong trào và nâng cao. Ở phần thi phong trào, các tay vợt tranh tài ở 3 nội dung: đôi nam, đôi nữ, đôi nam-nữ. Còn ở phần thi nâng cao, các tay vợt thi đấu với nội dung đôi nam-nữ. Các vận động viên đã thi đấu hết mình, xử lý điêu luyện với chuyên môn kỹ thuật cao, cống hiến cho khán giải nhiều pha bóng đẹp mắt.

Bên cạnh khả năng chuyên môn vượt trội so với những năm trước, tinh thần thi đấu nhiệt tình của các đội cũng góp phần vào thành công của giải. Ông Từ Văn Thắng-Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn tỉnh-nhận xét: Số lượng vận động viên tham gia giải đấu tăng hơn so với năm trước. Giải lần này chia 2 phần thi phong trào và nâng cao để các tay vợt cọ sát và nâng cao trình độ, học hỏi lẫn nhau. Hơn nữa, trước kia, các câu lạc bộ bóng bàn chủ yếu tập trung ở TP. Pleiku thì nay tại các huyện, thị xã, phong trào chơi bóng bàn cũng nở rộ và ngày càng chất lượng.

Với màn thể hiện xuất sắc, 2 tay vợt Trần Thị Hồng Hoa và Trần Thị Bích Nguyệt-giáo viên Trường THCS Kpă Klơng (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) đã đạt giải nhất đôi nữ ở nội dung phong trào. Không giấu được niềm vui, vận động viên Trần Thị Hồng Hoa bày tỏ: “Với niềm đam mê bóng bàn, khi có thông tin tổ chức giải, chúng tôi háo hức đăng ký ngay. Đây không chỉ là cơ hội để giao lưu về kỹ thuật chơi bóng bàn mà còn là dịp để chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với nhau về công việc chuyên môn và cuộc sống”. Bà Võ Thị Đan Trinh-Chủ tịch LĐLĐ huyện Krông Pa-chia sẻ: “Tham gia giải bóng bàn lần này, đoàn vận động viên của LĐLĐ huyện giành giải nhì toàn đoàn. Niềm vinh dự này là động lực để các vận động viên, cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ tiếp tục rèn luyện để đạt thành tích cao trong các năm tới.

Ở phần thi nâng cao, cặp đôi vận động viên Nguyễn Thị Hình và Nguyễn Ngọc Thạch (Đội LĐLD TP. Pleiku) đã xuất sắc đạt giải nhất nội dung đôi nam-nữ. Ông Thạch bày tỏ: “Giải đã thực sự đem lại một không khí tranh tài sôi nổi, tạo động lực để các đoàn viên Công đoàn tích cực tham gia rèn luyện bóng bàn nói riêng, các môn thể thao khác nói chung".

Đồng chí Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao giải cho các đội xuất sắc tại Giải Bóng bàn truyền thống. Ảnh: Đinh Yến

Đồng chí Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao giải cho các đội xuất sắc tại Giải Bóng bàn truyền thống. Ảnh: Đinh Yến

Kết thúc giải, Ban tổ chức đã trao 5 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba và 32 giải khuyến khích. Ở giải toàn đoàn, LĐLĐ TP. Pleiku giành giải nhất; huyện Krông Pa giành giải nhì; huyện Đak Đoa và Công đoàn Viên chức tỉnh đồng giải ba. Ban tổ chức cũng trao 19 giải khuyến khích cho LĐLĐ huyện, thị xã, Công đoàn ngành và Câu lạc bộ bóng bàn Nhà Văn hóa Lao động tỉnh.

Giải bóng bàn truyền thống tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh của phong trào thể dục thể thao trong đội ngũ CNVC-LĐ toàn tỉnh, trở thành hoạt động bổ ích, ý nghĩa khơi gợi tinh thần “thể thao để nâng cao sức khỏe-thể thao để hăng say lao động” tại mỗi cơ quan, đơn vị.

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.