Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) với Tây Nguyên về triển khai các CTMTQG và Nghị quyết 111/2024/QH15, các tỉnh đã đề xuất tháo gỡ một số vướng mắc để nâng cao hiệu quả trong triển khai các chương trình.

Tỷ lệ giải ngân cao hơn mặt bằng chung

Theo báo cáo tại hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ngân sách trung ương năm 2024 hỗ trợ thực hiện 3 CTMTQG vùng Tây Nguyên là 5.542.965 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển là 3.423.983 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 2.118.982 tỷ đồng). Đến nay, các địa phương trong vùng đã giao 3.227.695 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt tỷ lệ 99% kế hoạch, phân bổ chi tiết dự toán vốn sự nghiệp đạt tỷ lệ 100% dự toán cho các đơn vị cấp trực thuộc. Ngoài ra, các địa phương trong vùng đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương thực hiện 3 CTMTQG với tổng số vốn khoảng 1.574.255 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Internet
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Internet

Lũy kế giải ngân đầu tư công đến 30-6-2024 (bao gồm cả vốn các năm trước kéo dài sang năm 2024) tại các vùng Tây Nguyên ước đạt 1.532.610 tỷ đồng, đạt 36,45% kế hoạch. Đối với nguồn vốn của năm 2024, giải ngân toàn vùng ước đạt khoảng 1.196.881 tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch giao. Đến nay, khu vực Tây Nguyên có khoảng 373 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt khoảng 16 tiêu chí/xã; có 10 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 tại các tỉnh trong vùng giảm 3-4% so với năm 2023.

Đối với 7 nhóm mục tiêu thuộc CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN), hiện mới chỉ có 4 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành, gồm: tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 3,4%; công tác giáo dục; lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Quá trình thực hiện 3 CTMTQG trong 7 tháng năm 2024 tại vùng Tây Nguyên đã có nhiều thuận lợi thông qua việc triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15, qua đó kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2024 đạt tỷ lệ cao hơn mặt bằng chung giải ngân vốn đầu tư công của cả nước và so với các kết quả giải ngân các CTMTQG cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc một số nội dung chưa được pháp luật quy định nay đã được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 111/2024/QH15. Đồng thời, Nghị quyết số 111/2024/QH15 cũng phân cấp cho địa phương chủ động điều chỉnh vốn đầu tư và dự toán ngân sách Nhà nước giúp cho các địa phương giảm thiểu khó khăn, vướng mắc.

Từ nguồn vốn hỗ trợ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào sản xuất, từng bước cải thiện đời sống. Ảnh: Hà Duy
Từ nguồn vốn hỗ trợ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào sản xuất, từng bước cải thiện đời sống. Ảnh: Hà Duy

Nhận định về công tác triển khai các CTMTQG các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang-Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện 3 CTMTQG nhấn mạnh: “CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) đã giải quyết 8 vấn đề vướng mắc của các địa phương. Tuy nhiên, 7 tháng qua vốn sự nghiệp tại khu vực Tây Nguyên mới giải ngân 5%, số tuyệt đối mới hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu không tích cực thúc đẩy giải ngân thì sẽ không hoàn thành chỉ tiêu. Đồng thời, theo Nghị quyết 111/2024/QH15, ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho phép thực hiện phân cấp địa phương để điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách, nhưng các địa phương thực hiện chưa tốt”.

Nhiều vướng mắc liên quan cơ chế đặc thù

Đối với Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18-1-2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực triển khai. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai đã ban hành văn bản điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư ngân sách nhà nước; báo cáo cấp có thẩm quyền để chủ động bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng chính sách thuộc các CTMTQG; các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng đã ban hành nghị quyết lựa chọn huyện thí điểm phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện CTMTQG giai đoạn 2024-2025. Nhờ đó, kết quả triển khai Nghị quyết 111/2024/QH15 đạt tỷ lệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu: “Lâm Đồng đã thực hiện phân cấp đến các địa phương. Song, Quốc hội cho phép HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ hoặc phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm của từng CTMTQG chi tiết đến dự án thành phần. Do đó, Lâm Đồng phải chờ họp HĐND mới quyết định được vấn đề này”.

Tương tự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười-cho biết, tỉnh cũng gặp một số khó khăn trong triển khai 3 CTMTQG. Đáng chú ý nhất là một số công trình, dự án vướng quy hoạch bô xít nên không thể triển khai, buộc tỉnh phải đề xuất xin chuyển nguồn qua các dự án khác; việc thống kê hộ nghèo thụ hưởng có thay đổi so với thời điểm thống kê năm 2021 nên Đắk Nông đề xuất cơ chế chuyển nguồn thụ hưởng cho hộ cận nghèo.

Nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai đã mạnh dạn vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hà Duy
Nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai đã mạnh dạn vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hà Duy

Đối với Gia Lai, Phó Chủ tịch pụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch kiến nghị: “Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm cho ý kiến về dự án xây dựng Trung tâm thu mua-cung ứng nông sản an toàn cấp huyện thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Đề nghị Bộ Tài chính cho phép địa phương sử dụng kinh phí xóa mù chữ từ CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS-MN để chi trả tiền công cho người tham gia dạy các lớp xóa mù chữ (do ngân sách địa phương khó khăn) và sửa đổi Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15-8-2023 về mức hỗ trợ chi phí xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất thuộc tiểu dự án 1, dự án 3, CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS-MN”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh là 1.337,5 tỷ đồng; hiện đã thực hiện giải ngân 294,2 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch; tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2024 của tỉnh là 1.191,9 tỷ đồng (trong đó, kế hoạch giao năm 2024 là 463,3 tỷ đồng; vốn năm 2022, năm 2023 chuyển sang là 728,6 tỷ đồng), đến nay tỉnh đã thực hiện giải ngân 139 tỷ đồng, đạt 11,66% kế hoạch.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai còn đề nghị Ủy ban Dân tộc báo cáo Chính phủ hỗ trợ bổ sung nguồn kinh phí theo Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung như nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS-MN”.

Sau khi nghe các kiến nghị từ các tỉnh vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo: “Từ nay đến cuối năm, phải giải ngân hết vốn sự nghiệp còn lại. Tôi đề nghị các tỉnh tích cực hơn để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là cố gắng giải ngân. Các vấn đề đang xung đột, vướng mắc chỗ nào thì các tỉnh nên đề nghị các cơ quan có liên quan xử lý ngay. Các địa phương sớm tập hợp các ý kiến, đề xuất gửi các bộ, ngành, và các bộ, ngành phải trả lời cho các địa phương sau 5 ngày nhận được những kiến nghị, đề xuất này.

Nguồn vốn cho các CTMTQG có thể không lớn bằng vốn đầu tư công, nhưng đây là nguồn vô cùng quan trọng, vì tác động đến đời sống người dân, đến từng buôn làng. Vì vậy, từ nay đến cuối tháng 8 phải cố gắng giải quyết hết những khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu Ban Chỉ đạo các địa phương phải báo cáo cho tôi hàng tuần về việc triển khai thực hiện các CTMTQG”.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.