Cây lên xanh tốt, đã cho hoa, kết trái. Thấy cây là tôi rất mừng. Bởi khi trồng, điều tôi lo nhất là cây di thực đã khá lớn, lại nghe các nhà chuyên môn nói cây lớn mà vận chuyển từ xa về thì rất khó sống.
Mới đây, có dịp về thăm làng Hà Nừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang), một người già nhớ ra tôi liền hỏi thăm cây trắc do bà con ở Sơn Lang tặng bây giờ ra sao. Tôi cười và nói với ông rằng, cây đã lên xanh tốt. Ông mừng lắm. Trò chuyện cùng ông, tôi lại nhớ về hành trình đưa cây trắc về với Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Cây trắc ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: B.H |
Khi thực hiện kế hoạch di thực, một trong những gốc cây trắc mà quân dân Gia Lai khai thác để gửi ra miền Bắc xây dựng Lăng Bác Hồ hồi đầu năm 1974 đã đẻ nhánh, đâm cành. Trước đó, chúng tôi nhiều lần về Sơn Lang tìm lại những người từng lội suối, băng rừng để tìm cây trắc khai thác, đưa ra nơi tập kết cho xe vận chuyển ra Bắc. Nhiều người ở Hà Nừng chưa quên sự kiện ấy, nhưng họ rất ngại. Bởi khi đó, những năm 2015-2016, giá gỗ trắc còn khá cao. Cả gốc, rễ, cành... lâm tặc vẫn không tha. Họ khai thác và cân ký để bán. Vì vậy, bà con giữ “bí mật”, tinh thần cảnh giác rất cao.
Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi trình bày ý tưởng sẽ đem cây trắc về trồng trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, với ý nghĩa ghi nhớ một sự kiện của Gia Lai trong thời kỳ kháng chiến, bà con liền đưa chúng tôi vào rừng, chỉ cho hàng chục gốc trắc sau khai thác còn lại đã cho những cành cây con mọc lên vươn cao, có cây đường kính 40-50 cm.
Cùng thực hiện nhiệm vụ khai thác, vận chuyển gỗ trắc ra miền Bắc xây Lăng Bác của người dân Hà Nừng còn có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, quân dân chính. Những người thực hiện nhiệm vụ này phải có sức khỏe, trẻ trung và đặc biệt là có thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu.
Nhiều chị em phụ nữ tham gia “chiến dịch” làm nhiệm vụ hậu cần, chăm sóc sức khỏe, các cô văn công phục vụ hàng đêm, những ca khúc, điệu múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương, đất nước, chống giặc xâm lăng... đã góp phần động viên đồng bào và cán bộ, chiến sĩ thêm hăng hái làm việc, để rồi sau này nước nhà thống nhất, có dịp ra Thủ đô viếng Bác, nhìn Bác một lần cho thỏa lòng mong ước.
Cây trắc chúng tôi trồng trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết giờ đã vươn lên tươi tốt, mong sao nó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, biết ơn các thế hệ cha ông đi trước đã làm một việc ý nghĩa để lại cho hậu thế hiểu được tấm lòng son sắt của người dân Gia Lai đối với Bác Hồ, với cách mạng.
Tôi cũng mong rằng, các cơ quan chức năng sớm có bộ tài liệu hoàn chỉnh về nguồn gốc cây trắc, về ý nghĩa của nó trong việc xây dựng Lăng Bác Hồ... như kỳ vọng của chúng tôi khi di dời cây trắc là “con đẻ” của gốc trắc “mẹ” năm xưa đã cống hiến cho công trình xây dựng Lăng Bác từ núi rừng Sơn Lang về TP. Pleiku.
Lăng Bác là một công trình văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. “Công lao của Hồ Chủ tịch đối với dân tộc ta, Tổ quốc ta như trời như biển (...). Cuộc đời của Hồ Chủ tịch là một tấm gương mãi mãi sáng ngời ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu Nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong gần gũi quần chúng, khiêm tốn và giản dị. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người. Kiên quyết thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người và tiếp tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người” (Trường Chinh).
Lăng Bác sẽ mãi mãi là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của người dân cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Công trình này góp phần ghi lại công lao và sự nghiệp của Bác, động viên, nhắc nhở mọi người dân Việt Nam đoàn kết, ra sức phấn đấu làm tròn nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới; là niềm tự hào và vinh dự của dân tộc Việt Nam ngày nay và muôn đời sau. Và, người Gia Lai chúng ta tự hào khi có sự đóng góp một phần công sức cho công trình.