Về nơi kéo gỗ xây Lăng Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1974, người dân vùng kháng chiến Hà Nừng (nay là xã Sơn Lang, huyện Kbang) theo lời kêu gọi của Tỉnh ủy đã vào rừng tìm gỗ quý gửi ra Hà Nội để xây Lăng Bác Hồ. Bao khó khăn, trở ngại không khuất phục được tinh thần của người dân mà càng khiến họ quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao. Phát huy truyền thống cách mạng, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, Sơn Lang ngày nay đổi thay đến ngỡ ngàng.  
Ngủ rừng tìm gỗ
Giữa tháng 5, chúng tôi theo đường Trường Sơn Đông về vùng kháng chiến Hà Nừng, nay là xã Sơn Lang, huyện Kbang. Đường bê tông rộng rãi trải dài suốt 30 km uốn lượn dưới tán rừng xanh mát. Hai bên đường, những bông lau trắng dập dìu trong gió. Trên sườn núi, thấp thoáng bóng cây chò nở hoa trắng xóa, tán ô môi khoe sắc hồng rực nổi bật giữa màu xanh đại ngàn. Cách đây hơn 45 năm, nơi này từng là cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, tài nguyên vô cùng phong phú, đặc biệt có nhiều loài cây quý hiếm. Vì vậy, năm 1974, khi được phát động, đồng bào xã Sơn Lang đã đồng lòng vào rừng tìm gỗ quý gửi ra Hà Nội để xây Lăng Bác Hồ. Một tháng ròng “nếm mật nằm gai” giữa rừng sâu, san sẻ từng nắm gạo, hạt muối, củ mì, vượt qua mưa bom, bão đạn là kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức của những người từng tham gia nhiệm vụ đặc biệt này năm xưa.
Dù đã có ngôi nhà xây kiên cố nhưng mọi sinh hoạt hàng ngày của gia đình ông Đinh Văn Đoàn (72 tuổi, làng Hà Nừng) vẫn diễn ra trong ngôi nhà sàn lên nước gỗ láng bóng nằm nép phía sau. Trên vách nhà, tấm bằng khen do đồng chí Đỗ Mười-Trưởng ban Xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng được ông Đoàn treo ở vị trí trang trọng nhất. Sau 45 năm, màu giấy đã ngả vàng, vài chỗ phai màu mực in, song ông luôn nâng niu, coi đó như báu vật. Nhắc đến chuyện kéo gỗ năm xưa, ông lại càng hồ hởi. Khẽ khàng lấy tấm bằng khen xuống ngắm nhìn hồi lâu, ông Đoàn xúc động nhớ lại: “Khi đó tôi là Bí thư Đoàn xã Hà Nừng. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Ksor Ní lúc bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy, tôi vận động đàn ông, thanh niên trong làng vào rừng tìm gỗ để gửi ra Hà Nội xây Lăng Bác. Chỉ người nào khỏe mạnh, nhanh nhẹn mới được đi. Ai cũng hăng hái lên đường”. Trong hành trình này, bà con còn được lực lượng bộ đội về giúp.
Một góc xã Sơn Lang (huyện Kbang) hôm nay. Ảnh: P.L
Một góc xã Sơn Lang (huyện Kbang) hôm nay. Ảnh: P.L
Ngày lên đường tìm gỗ, hành trang mỗi người chỉ có ít gạo, củ mì, nhúm muối, chiếc nồi nhỏ và một chiếc rìu. Tất cả đều phải tự túc. Khi ấy, bao quanh Hà Nừng đều là rừng song để tìm được cây trắc lâu năm thì phải đi vào tận rừng sâu. Các già làng có nhiều kinh nghiệm đi trước, cẩn thận chọn từng thân cây đủ tuổi rồi mới báo cho thanh niên đến đốn hạ. Ông Đoàn hồi nhớ: “Thân cây trắc cứng vô cùng. Vậy mà ngày ấy chúng tôi chỉ có công cụ duy nhất là rìu, rựa để chặt thôi. Có những cây phải đến 5-6 thanh niên khỏe mạnh chặt cả ngày mới xong. Ngày nào làm cật lực cũng chỉ hạ được 2 cây. Chúng tôi đẽo thành từng súc gỗ vuông 30 cm, dài 3,5 m, sau đó kéo gỗ đến nơi tập kết rồi bàn giao cho lực lượng vận chuyển để đưa ra Hà Nội”. Nơi tập kết gỗ ở bìa rừng bên kia sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi), khi đưa gỗ ra khỏi rừng chỉ có thể dùng sức người mà kéo. Để làm việc này, mọi người chia thành từng tổ 30-40 người. Dây rừng bện chặt quấn quanh thân cây gỗ. Đoạn lên dốc thì người kéo, người chèn đá để gỗ không tuột xuống. Tiếng hò dô vang dậy cả khu rừng. Khi xuống dốc, vượt suối lại càng gian nan. Những đôi tay phồng rộp, đôi chân trần trầy xước bởi đá núi, gai rừng. Ngày đi, đêm nghỉ, dừng chỗ nào thì nổi lửa ở chỗ đó để nấu nướng, sưởi ấm, đợi trời sáng lại tiếp tục kéo. Suốt một tháng ròng rã, bà con cùng bộ đội kiên trì kéo thành công 60 khúc gỗ vượt rừng sâu, đưa lên xe về Hà Nội xây Lăng Bác Hồ.
Ra thăm Lăng Bác
Giờ đây, những già làng từng tham gia hành trình tìm gỗ năm xưa ở Sơn Lang đều đã khuất núi. Những thanh niên khỏe mạnh nay cũng đã trên dưới 70 tuổi. Thời gian dần đưa họ qua bên kia con dốc của cuộc đời cùng kỷ niệm về những ngày tháng đáng nhớ. Hầu hết những người tham gia kéo gỗ đều chưa một lần được gặp Bác, chỉ biết về Người qua từng câu chuyện kể. Bác gần gũi, thân thương, bình dị, hết lòng vì dân, vì nước. Vì thế, dù chưa gặp nhưng ai cũng cảm thấy như ruột thịt. Nghe tin Bác mất, mọi người rất đau buồn. Được kêu gọi kéo gỗ xây lăng, người người đều hăng hái, xung phong dù biết sẽ rất khó khăn, vất vả. Gửi gỗ đi rồi, mọi người lại mong ngóng ngày được đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi có một phần công sức mình đóng góp xây nên. Thế nhưng, chỉ rất ít người trong số đó thực hiện được ước nguyện ấy.
 Ông Đinh Văn Đoàn (làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang) bên tấm bằng khen vì có thành tích đóng góp xây Lăng Bác. Ảnh: P.L
Ông Đinh Văn Đoàn (làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang) bên tấm bằng khen vì có thành tích đóng góp xây Lăng Bác. Ảnh: P.L
Nâng niu tấm ảnh chụp trước Lăng Bác trong chuyến đi nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019), ông Đinh Lực (làng Đak A Sêl) không giấu được niềm xúc động xen lẫn tự hào. Từ khi đặt nhát rìu đầu tiên đẽo gỗ, ông đã ao ước một ngày được đến nơi này. Đó cũng là động lực để ông cùng mọi người động viên nhau vượt qua mọi trở ngại, khó khăn suốt một tháng ròng rã ở rừng. Ông Lực kể: “Được đi thăm Lăng Bác, tôi vui lắm. Nơi Bác nằm được đặt trên những trụ gỗ trắc mà tôi đoán là do người dân Sơn Lang gửi ra. Bây giờ, tôi chỉ ước mình được đi thăm Bác lần nữa”. Chuyến đi ấy, ông Lực còn được đi thăm Phủ Chủ tịch, Nhà sàn Bác Hồ, về quê hương của Người ở huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình). Đã 1 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhắc lại, ông Lực đều bồi hồi như vừa mới hôm qua. Rồi ông nhớ lại: “Khi đi đẽo gỗ, mọi người đoàn kết lắm, cùng nhau san sẻ từ hạt gạo, củ khoai. Nghĩ đến việc mình góp sức làm nơi an nghỉ cho Bác nên ai cũng không thấy mệt. Kéo gỗ nặng và khó lắm chứ, nhưng trong tim có Bác nên khó khăn nào mọi người cũng đều vượt qua hết”. Tinh thần vượt khó ấy còn được ông Lực chứng minh trong quá trình xây dựng cuộc sống mới sau khi đất nước thống nhất. Ông là tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Sơn Lang trong nhiều năm liền. Ông cũng luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi việc của làng, xã, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.
Ông Đinh Lực trò chuyện về những ngày gian khổ trong rừng tìm gỗ xây lăng Bác. Ảnh: P.L
Ông Đinh Lực trò chuyện về những ngày gian khổ trong rừng tìm gỗ xây lăng Bác. Ảnh: P.L
Cũng như ông Lực, sau thời gian đợi chờ hơn 40 năm, năm 2017, ông Đoàn mới có dịp ra thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bây giờ nhắc lại, ông vẫn không thể nào tả hết nỗi xúc động của mình khi tận mắt nhìn thấy Người. “Bác nằm đó như đang ngủ, nhìn hiền lắm. Tiếc là Bác mất sớm, không kịp vào thăm đồng bào Tây Nguyên. Bây giờ, tôi chỉ muốn năm nào cũng được đi thăm Bác”-ông Đoàn nói, đôi mắt ngân ngấn nước.
Là lớp cháu con, chị Đinh Thị Nhất Duy (làng Hà Nừng) khó có thể hình dung được những khó khăn mà cha ông mình đã phải trải qua nếu không được nghe kể lại tường tận. “Được nghe chuyện chính ông, cha mình đi tìm gỗ xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mình rất tự hào. Mình cũng mong một ngày nào đó được đi Hà Nội để viếng Bác, nơi mà bà con Sơn Lang góp phần bé nhỏ làm nơi an nghỉ của Người”-chị Duy tâm sự.
Giờ đây, Sơn Lang đã đổi khác. Giữa màu xanh núi rừng bạt ngàn là sự hiện diện của các công trình điện-đường-trường-trạm khang trang, hiện đại. Cuộc sống của bà con khởi sắc từng ngày, cái đói nghèo đã lùi dần. Trong những ngày cả nước sôi nổi kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Sơn Lang vô cùng vui mừng khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Nừng cũng được công nhận là làng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Đảng bộ xã Sơn Lang vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025). Những thành tựu ấy là món quà ý nghĩa mà cán bộ, nhân dân xã Sơn Lang dâng lên báo công với Bác sau 45 năm nước nhà thống nhất.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.