Tháng 5 ra thăm Lăng Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hà Nội với tôi không chỉ có mặt Hồ Gươm màu ngọc bích, thấp thoáng bóng Tháp Rùa in dưới nền trời thu trong xanh; Hà Nội với tôi cũng không chỉ ngát hương hoa sữa và cốm mới thơm từng cơn gió khi mùa về... Trong những khoảng thời gian ngắn ngủi, Hà Nội đã kịp neo vào lòng tôi những ngày chớm hạ tháng 5, khi nắng cùng tôi vào thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi mượn chữ “thăm” của nhà thơ Viễn Phương khi lần đầu tiên ông từ miền Nam xa xôi được ra Hà Nội viếng Lăng Bác. Chữ “thăm” ấy đã khẳng định một điều giản dị thôi, nhưng nói lên tất cả tình cảm của con dân đất Việt dành cho Bác, rằng trong lòng tất cả mọi người, Bác chưa hề đi xa, Người vẫn hiện diện trong tình cảm, trong sự kính yêu, trong suy nghĩ và những hồi ức đẹp của dân tộc. Để rồi, chắc chắn một điều, không chỉ riêng tôi, mà bất cứ ai ở mọi miền Tổ quốc, hễ có dịp đến thủ đô, lại muốn hòa vào dòng người vào “thăm” Bác.

 

Dòng người xếp hàng vào thăm Lăng Bác. Ảnh: internet
Dòng người xếp hàng vào thăm Lăng Bác. Ảnh: internet

Lần đầu tiên tôi được đến Lăng Bác là một ngày tháng 5, đúng vào dịp sinh nhật Người. Từ các ngả đường, bằng đủ mọi loại phương tiện, người người đổ về Quảng trường Ba Đình rất đông ngay từ sáng sớm, khi còn chưa đến giờ mở cửa đón khách tham quan. Mọi người ăn mặc chỉnh tề, xếp hàng nghiêm ngắn, thứ tự trước sau, nói năng nhỏ nhẹ. Tôi hòa vào dòng người ấy, cảm thấy không khí trang nghiêm tỏa vào cả nắng hè.

Một vòng quanh Lăng Bác, mọi thứ hiện ra trước mắt tôi thật thân thuộc. Có lẽ vì cảnh ấy, người ấy đã hiện diện trên những trang sách tôi học từ thuở vỡ lòng. Tôi chợt nhớ những câu thơ của Tố Hữu trong bài “Thăm cõi Bác xưa”. Đúng là “cõi xưa” thật, khi mà ngay giữa lòng thủ đô hiện đại, cuộc sống ngoài kia chỉ cách một hàng rào chắn, tấp nập, hối hả ngược xuôi. Thì bên trong rào chắn, bước qua hàng tre đằng ngà vàng óng phía cổng lăng, một thế giới khác hiện ra. “Cõi xưa” ấy có một con người vĩ đại mà bình dị nằm thanh thản như chỉ vừa chợp mắt. Quanh Người, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn như lúc sinh thời. Ngôi nhà sàn đơn sơ vừa là nơi làm việc, vừa là chốn nghỉ ngơi. Bộ bàn ghế xưa là chỗ ngồi để họp Bộ Chính trị vẫn nguyên đấy. Chiếc giường đơn vẫn còn chiếc gối và tấm chăn Bác đắp, đôi dép cao su trứ danh và bộ quần áo ka ki quen thuộc vẫn như còn ấm hơi người.

Xung quanh ngôi nhà sàn là hàng trăm loài cây trái, cỏ hoa xưa được Bác đem về trồng. “Vườn xoài hoa trắng nắng đu đưa” trong thơ Tố Hữu nay thành những cây xoài cổ thụ cao lớn tỏa bóng mát xuống khu vườn. Cạnh đó, ao cá Bác Hồ nước trong xanh, hàng đàn cá vẫn bơi về phía có tiếng vỗ tay như khi xưa còn Bác. Tôi gặp cả cây vú sữa miền Nam trong một câu chuyện từng đọc, luống hoa huệ trong vườn đang vào độ đơm bông, hương thơm nhẹ loang trong không gian ngan ngát, những cây bụt mọc có những chiếc rễ lớn nổi trên mặt đất trông như những ông bụt, ông tiên trong truyện cổ... Tất cả vẹn nguyên như chưa từng phải trải qua phôi pha thời gian. Giữa chốn ấy, tôi như thấy Bác trong bộ đồ bà ba màu nâu đất vỗ tay gọi cá về ăn, rồi thoăn thoắt cầm cuốc xới cỏ vun gốc cho cây cối trong vườn sau những bộn bề lo toan việc nước. Để mọi thứ còn vẹn nguyên như thế, tôi hiểu, không chỉ nhờ bàn tay nâng niu chăm sóc của bao người, mà còn là tình cảm của hàng triệu trái tim người dân đất Việt luôn hướng về.

Trở về từ chốn ấy, sau này, trong rất nhiều bài giảng của mình khi dạy những bài liên quan đến Bác, tôi đã kể lại cho học trò nghe về những gì tôi đã tận mắt nhìn thấy, về cảm xúc của tôi. Không chỉ trong lần đầu tiên được vào thăm Lăng Bác, mà tất cả những lần sau này, mỗi khi được ra thủ đô, tôi đều sắp xếp công việc, đưa con cái đến đó. Tôi hiểu rằng, chẳng sách vở nào có thể kể hết về Bác, về con người “kỳ lạ” nhất thế gian mà tôi được biết, cuộc đời của Người đem đến những cảm hứng sống thật tốt đẹp cho bao nhiêu thế hệ người Việt chúng ta. Không có một bài học nào cụ thể, sinh động bằng việc được tận mắt nhìn thấy cuộc sống của một lãnh tụ thiên tài, một nguyên thủ quốc gia, một con người rất đỗi Việt Nam.

Tháng 5, tôi dắt các con tôi ra thăm Lăng Bác. Dưới cái nắng đã bắt đầu gay gắt, bọn trẻ nhẫn nại và nghiêm ngắn xếp hàng theo dòng người nối dài vô tận, thành kính và nghiêm trang nhẹ đặt bước chân lên bậc thềm đá hoa cương. Chúng thì thầm reo lên thật khẽ khi nhìn thấy Bác: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Và những khoảnh khắc ấy, tôi biết, Hà Nội đã neo vào lòng chúng những dịu mát ngọt lành giữa tháng 5 chớm hạ. Để rồi mai này, chúng sẽ ao ước được trở lại, giống như tôi.

Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.