Người dân cần tham gia BHYT theo hộ gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7, Gia Lai sẽ có khoảng 271 ngàn người dân tộc thiểu số tạm đưa ra khỏi danh sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh xung quanh vấn đề này.
*P.V: Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh gặp những trở ngại nào, thưa ông?
Ông Đoàn Ngô. Ảnh: Như Nguyện
Ông Đoàn Ngô. Ảnh: Như Nguyện
- Ông ĐOÀN NGÔ: Tính đến cuối tháng 6-2021, toàn tỉnh có trên 1,37 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,17% dân số. Năm nay, tỉnh phấn đấu thực hiện chỉ tiêu bao phủ về BHYT đạt trên 91% dân số. Tuy nhiên, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc tham gia BHYT của người dân. Mặt khác, trình độ dân trí còn hạn chế, một bộ phận người dân còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước để được cấp miễn phí thẻ BHYT.
Mặc dù công tác tuyên truyền về BHYT đã được quan tâm, song vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Cũng do dịch bệnh nên việc tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hết sức khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc còn chưa quan tâm đến việc thực hiện chính sách BHYT, dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Đây là những trở ngại ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.
*P.V: Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng thẻ BHYT một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ, kéo theo tỷ lệ tham gia BHYT cũng sẽ giảm. Vậy, ông có thể cho biết, cơ quan BHXH tỉnh đã vào cuộc như thế nào?
- Ông ĐOÀN NGÔ: Theo Quyết định số 861, Gia Lai có 104 xã khu vực I, 29 xã khu vực II và 43 xã khu vực III. Như vậy, khu vực III giảm 18 xã, khu vực II giảm 78 xã so với trước đây; tương ứng giảm khoảng 271 ngàn người dân tộc thiểu số được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT. 
Nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh xem xét cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thoát khỏi danh sách phê duyệt theo Quyết định số 861 được tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đến hết ngày 30-6. Từ ngày 1-7-2021 sẽ thực hiện cắt giảm thẻ BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn thống kê danh sách đối tượng không được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT theo Quyết định số 861; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn những người này tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát số người tham gia BHYT thoát khỏi danh sách, điều chỉnh giảm số người không còn trong danh sách phê duyệt theo Quyết định số 861 nhưng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội… để đề nghị cấp thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, ngành BHXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Quyết định số 861 để cấp ủy, chính quyền và người dân biết, đồng lòng cùng cơ quan BHXH tổ chức thực hiện chính sách BHYT cho người dân.
Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh là giải pháp để thu hút người dân tham gia BHYT. Ảnh: Như Nguyện
Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh là giải pháp để thu hút người dân tham gia BHYT. Ảnh: Như Nguyện
*P.V: Để tiến tới lộ trình BHYT toàn dân, BHXH tỉnh triển khai những giải pháp nào nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong thời gian tới, thưa ông?
- Ông ĐOÀN NGÔ: Để tiếp tục duy trì và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, đặc biệt là chỉ tiêu bao phủ về BHYT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mọi người dân đều có thẻ BHYT để được chăm sóc sức khỏe, thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện chính sách BHYT, đặc biệt trong triển khai Quyết định số 861.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách về BHYT, phấn đấu đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2021 trên 91% dân số toàn tỉnh; đến năm 2025 đạt độ bao phủ về BHYT trên 94% theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra và đạt chỉ tiêu 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giao chỉ tiêu thực hiện BHYT đến từng xã, phường, gắn với chỉ tiêu phát triển nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT bằng nhiều hình thức; tăng cường củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đại lý thu để trở thành những tuyên truyền viên tích cực đưa chính sách BHYT đến gần với người dân. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đối với cơ quan BHXH và các cơ sở khám-chữa bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành chính sách phù hợp để bảo đảm quyền, lợi ích của người bệnh. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hướng tới phục vụ tốt nhất người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT. Đưa vào sử dụng có hiệu quả ứng dụng VssID-BHXH số của ngành BHXH trong khám-chữa bệnh BHYT.
*P.V: Xin cảm ơn ông!
NHƯ NGUYỆN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.