Pleiku đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân TP. Pleiku đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm giúp các gia đình chính sách, người có công ổn định cuộc sống. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cũng được địa phương ghi nhớ, khắc sâu.    

Pa nô tuyên truyền kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ trên các tuyến đường chính của TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà
Pa nô tuyên truyền kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ trên các tuyến đường chính của TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà

Hướng về tháng tri ân

Những ngày này, TP. Pleiku đang đẩy mạnh các hoạt động hướng đến kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021). Theo ông Trần Minh Thông-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND thành phố đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân ngày 27-7 nhằm tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; qua đó, giáo dục và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

 Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế đến thăm, tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: Mộc Trà
Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế đến thăm, tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: Mộc Trà


Công tác tuyên truyền được chỉ đạo triển khai dưới nhiều hình thức như: trang trí, cổ động trực quan trên các trục đường chính và khu vực đông dân cư; mở các chuyên mục về công tác chăm lo gia đình thương binh-liệt sĩ, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, gương người có công tiêu biểu, một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên sóng phát thanh-truyền hình, trang thông tin điện tử của thành phố và các xã, phường. Đồng thời, tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động về nguồn; chăm sóc, trùng tu, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo khang trang, sạch đẹp; vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của thành phố và các xã, phường.

Ngoài ra, thành phố dự kiến tổ chức 11 đoàn công tác đến thăm, tặng quà 100 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu, mỗi phần quà trị giá 1,2 triệu đồng; tổ chức dâng hoa, dâng hương và viếng liệt sĩ tại các công trình ghi công trên địa bàn vào sáng 27-7.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tuổi trẻ thành phố cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tri ân một cách phù hợp và thiết thực. Anh Thái Giang Nam-Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Pleiku-thông tin: Khác với mọi năm, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi được đẩy mạnh thực hiện qua fanpage, mạng xã hội với đa dạng hình thức như: bài viết, các ấn phẩm, infographic... Tuần lễ cao điểm “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của tuổi trẻ thành phố diễn ra từ ngày 20 đến 27-7. Theo đó, các cấp bộ Đoàn sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình chính sách, người có công; đồng loạt ra quân “Ngày chủ nhật xanh” đợt 3, tình nguyện làm vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang các bia, đài tưởng niệm, các phần mộ liệt sĩ và trồng cây xanh tạo cảnh quan tại những nơi này vào ngày 25-7; tham gia thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú vào tối 27-7. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, Thành Đoàn yêu cầu các đơn vị hạn chế số lượng đoàn viên, thanh niên tham gia, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku, trên địa bàn hiện có khoảng 4.800 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, trong đó có 2.500 đối tượng nhận trợ cấp với tổng số tiền chi trả mỗi tháng hơn 4 tỷ đồng. Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc người có công ngày càng được thành phố quan tâm đẩy mạnh thông qua 5 chương trình lớn.

Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Hội Phú (xã Hội Phú). Ảnh: Mộc Trà
Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú (phường Hội Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho hay: Tính từ năm 2015 đến nay, thành phố đã xây dựng, sửa chữa 165 căn nhà tình nghĩa với nguồn kinh phí hơn 4 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 1,5 tỷ đồng, còn lại được huy động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân); trao tặng 16 sổ tiết kiệm trị giá 190 triệu đồng giúp những người có công và thân nhân liệt sĩ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Cùng với đó, hàng năm, thành phố đều tổ chức vận động đóng góp được trên 100 triệu đồng xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; thường xuyên thăm hỏi, động viên các thương-bệnh binh nặng; đồng thời, vận động các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ngoài ra, địa phương đã giải quyết hưởng chính sách cho gần 1.000 hồ sơ các loại; thực hiện đúng quy định về chăm sóc sức khỏe cho đối tượng chính sách, người có công như: điều dưỡng tập trung, điều dưỡng tại nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình... 100% xã, phường đều thực hiện tốt công tác thương binh-liệt sĩ.

“Thời gian đến, bên cạnh tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực người có công đến các tầng lớp nhân dân, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chính sách người có công; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”... Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Pleiku sẽ nỗ lực triển khai hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng-chống dịch, đảm bảo mức sống của người có công ngang bằng mức sống ở khu dân cư”-ông Thông cho biết thêm.


 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.