(GLO)- Được sự hỗ trợ của tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo và phát triển với sứ mệnh xóa đói giảm nghèo và bất công xã hội), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai đã triển khai Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” tại 4 xã thuộc 2 huyện Kbang và Chư Prông. Dự án nhằm mục tiêu giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, hình thành thói quen tiết kiệm và kỹ năng quản lý tài chính.
Sau hơn 1 năm triển khai tại các xã: Kông Lơng Khơng, Tơ Tung (huyện Kbang) và Ia Drăng, Ia Boòng (huyện Chư Prông), dự án đã thành lập được 20 nhóm “Tiết kiệm tín dụng thôn bản” (VSLA), mỗi nhóm có 10-25 thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện. Nhóm có các hoạt động tiết kiệm thông qua hình thức “mua cổ phần” (50 ngàn đồng/cổ phần). Khoản tiền tiết kiệm này được đầu tư dưới dạng các khoản vay và các thành viên có thể vay lại với lãi suất do nhóm quy định trong quy chế hoạt động. Phần lãi suất thu được sẽ chia cho các thành viên vào cuối kỳ, tùy vào số lượng cổ phần họ đã mua. Mô hình VSLA còn duy trì một quỹ tương trợ để hỗ trợ các thành viên trong trường hợp khó khăn và khẩn cấp, tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục, phù hợp với nhu cầu khác nhau của các thành viên.
Đây là hình thức giúp phụ nữ khó khăn, có thu nhập thấp vẫn có thể tiết kiệm bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, giúp kiểm soát tốt tài chính và kỹ năng đầu tư. Chị Rơ Châm Biên (làng Iắt, xã Ia Boòng) là người đầu tiên tham gia mô hình tiết kiệm VSLA ở xã. Với tính cách rụt rè, khi được tuyên truyền, tập huấn về mô hình, chị Biên vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Chị chia sẻ: “Gia đình mình thuộc diện khó khăn. Mình lại đang mang thai nên gánh nặng cuộc sống hầu như đặt hết lên vai chồng. Mình cũng muốn giúp đỡ chồng để gia đình có cuộc sống tốt hơn nên quyết định tham gia nhóm tiết kiệm. Mua cổ phần là khái niệm khá mới mẻ, mình lại khá khó khăn trong việc nhập số liệu trên hệ thống Tizo. Được Chi hội trưởng hướng dẫn, mình đã quen, thấy mô hình này rất phù hợp với phụ nữ, nhất là người có thu nhập thấp”.
|
Một buổi sinh hoạt nhóm tiết kiệm ở làng Sơr (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông). Ảnh: Minh Châu |
Hiện chị Biên đã trở thành trưởng nhóm xuất sắc của mô hình VSLA làng Sơr. Chị sử dụng nguồn vốn vay từ mô hình tiết kiệm này để đầu tư cho hơn 200 cây cà phê, thu được 2 tấn trong niên vụ vừa qua. “Nhóm tiết kiệm làng Sơr có 10 thành viên. Một số chị em sử dụng vốn vay tiết kiệm đầu tư nuôi dê khá hiệu quả. Mình cũng đang học hỏi thêm chị em trong nhóm để áp dụng, phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao đời sống. Nhờ nhóm tiết kiệm, chị em mình gắn kết nhau hơn, cởi mở chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi”-chị Biên phấn khởi cho biết.
Cuối năm 2021, chu trình hoạt động của nhóm tiết kiệm làng Sơr kết thúc. Đầu năm 2022, làng Sơr phát triển và mở rộng thêm một nhóm tiết kiệm mới để nhiều chị em khác cùng nhau tham gia. Chị Mai Thị Mỹ Duyên-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Boòng-cho biết: Dự án VSLA làm thay đổi tư duy và cách tiết kiệm của phụ nữ, đặc biệt là ở nhóm phụ nữ khó khăn, thu nhập thấp. Tuy vậy, quá trình triển khai cũng gặp không ít trở ngại. “Đa số chị em vẫn quen với hình thức tiết kiệm truyền thống, tức là mọi người đóng vào quỹ tiết kiệm 1 lần/năm khi vào vụ thu hoạch với số tiền như nhau. Còn hình thức VSLA là chị em mua cổ phần hàng tháng, ai có nhiều tiền thì mua nhiều, có ít mua ít. Thời gian đầu triển khai dự án, nhiều người vẫn còn e dè, sợ không có tiền mua. Nhưng thực tế cho thấy nhiều chị em đã có cuộc sống tốt hơn, được giúp đỡ khi cần thiết, nhất là trong những trường hợp ngặt nghèo. Tôi tin rằng sau khi dự án kết thúc, các nhóm vẫn sẽ duy trì hiệu quả hoạt động”-chị Duyên chia sẻ.
Tại 2 xã Tơ Tung và Kông Lơng Khơng của huyện Kbang cũng đã hình thành 10 nhóm VSLA và sẽ tiếp tục nhân rộng trong năm 2022. Chị Bùi Thị Như Ánh-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tơ Tung-thông tin: “Xã đang duy trì 5 nhóm tiết kiệm với 79 thành viên. Người mua cổ phần nhiều nhất là trên 5 triệu đồng/chu kỳ (12 tháng), ít nhất trên 1 triệu đồng/chu kỳ. Ban đầu, các chị có tâm lý e ngại sợ không đủ tiền mua cổ phần sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhóm. Nhưng sau một thời gian, các chị tự tin hơn, nhất là thấy rõ hiệu quả của việc tiết kiệm”.
Bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-đánh giá: “Sau một thời gian triển khai, mô hình đã tác động tích cực đến các nhóm đối tượng, nhất là giúp phụ nữ dân tộc thiểu số cải thiện kỹ năng, kiến thức quản lý tài chính. Cùng với mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, dự án giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có nhiều cơ hội để thực hành tiết kiệm, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện”.
Gia Lai là 1 trong 15 tỉnh được tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” (giai đoạn 2), góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đây là dự án hỗ trợ về kỹ thuật, trong đó, tổ chức CARE giúp Hội LHPN về nội dung, kỹ thuật xây dựng mô hình “Tiết kiệm tín dụng thôn bản” tại cơ sở, chi phí do CARE trực tiếp chi trả. |
MINH CHÂU