Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch kiểm tra công tác giảm nghèo tại Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 9-5, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023 tại huyện Chư Sê.

Tham gia đoàn có lãnh đạo các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh và một số ngành có liên quan.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 2 xã Ayun và xã Al Bá. Theo báo cáo UBND xã Ayun, toàn xã có 912 hộ với 4.125 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 98%. Năm 2022, xã có 227 hộ nghèo, 260 hộ cận nghèo; năm 2023 xã phấn đấu giảm còn 55 hộ nghèo và 60 hộ cận nghèo.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Viên

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Viên

Theo kết quả rà soát năm 2022, xã Al Bá có 289 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,93%; 125 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,94%, chủ yếu là đồng bào DTTS. Thực hiện chính sách giảm nghèo và tín dụng chính sách giảm nghèo, xã đã hỗ trợ 1.565 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), hỗ trợ 218,185 triệu đồng tiền điện cho 307 hộ nghèo và 24 hộ chính sách. Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đã vận động được 150 triệu đồng xây dựng 3 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở.

Báo cáo thực hiện chương trình MTQG về giảm nghèo, năm 2022, huyện Chư Sê được phân bổ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng số vốn hơn 3,119 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn trung ương, huyện đã chủ động bố trí ngân sách phân bổ cho các xã hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Toàn huyện còn 2.497 hộ nghèo với 11.630 khẩu, chiếm tỷ lệ 8,04% dân số toàn huyện; 2.497 hộ cận nghèo với 10.682 khẩu, chiếm tỷ lệ 7,76% dân số toàn huyện, trong đó, 1.996 hộ đồng bào DTTS.

Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại làng Tung Ke, xã Ayun. Ảnh: Hoàng Viên

Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại làng Tung Ke, xã Ayun. Ảnh: Hoàng Viên

Thực hiện chính sách tín dụng giảm nghèo, quý I-2023, huyện đã gia hạn 18.338 thẻ BHYT cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người có công. Đến nay, 12/14 xã đạt tiêu chí chất lượng y tế theo Bộ tiêu chí nông thôn mới; hỗ trợ 306 triệu tiền điện cho 2.497 hộ nghèo, hộ chính sách; mở 11 lớp dạy nghề, 69 buổi tập huấn cho gần 6.000 lượt hội viên nông dân; phối hợp với 12 doanh nghiệp tổ chức phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho 206 lao động có nhu cầu tìm việc làm, hỗ trợ kinh phí học tập cho 10.813 học sinh thuộc diện hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn theo Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27-8-2021. Cũng trong quý I, doanh số cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đạt 16,202 tỷ đồng với 392 hộ vay. Hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa 28 căn nhà với số tiền hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo và xã hội hoá.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Chư Sê đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh tỷ lệ quay vòng vốn tại Quyết định 42/2022/QĐ-UBND ngày 15-12-2022 của UBND tỉnh từ 40% xuống 25% vì người dân tham gia dự án là hộ nghèo, cận nghèo. Trên cơ sở đó, các cơ quan chủ trì các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tiến hành giải đáp, hướng dẫn đối với từng nội dung địa phương còn vướng mắc nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của huyện Chư Sê. Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 của huyện Chư Sê đạt thấp; việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách và bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các chương trình chưa đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện Chư Sê chiếm hơn 8%, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm trên 92% tổng số hộ nghèo toàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Chư Sê cần tập trung khảo sát, đánh giá lại tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và kết quả thực hiện công tác giảm nghèo giữa nhiệm kỳ; khẩn trương phân bổ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện giải ngân đúng, đủ, kịp thời theo quy định; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn đúng với quy định phân cấp cho chủ tịch UBND cấp xã; rà soát đánh giá lại số hộ có khả năng thoát nghèo của từng thôn, làng qua đó có sự hỗ trợ kịp thời giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Các sở, ngành, Ban Dân tộc tỉnh cần có những hướng dẫn cụ thể việc rà soát kế hoạch giảm nghèo và việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Chư sê nói riêng đảm bảo việc triển khai các dự án phải hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).