Nữ nhà báo nơi tuyến đầu chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phụ nữ làm báo chưa khi nào là dễ dàng. Thế nhưng, những nữ nhà báo của Báo Gia Lai luôn thấy tự hào về công việc mình đang gắn bó. Tác nghiệp giữa mùa dịch, đối diện với vất vả, nguy hiểm nhưng chúng tôi không hề nao núng mà càng phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình.
1. Gần 15 năm phụ trách mảng y tế, tôi (P.V Như Nguyện) đã tác nghiệp qua nhiều mùa dịch, từ cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, dịch bạch hầu và nay là dịch Covid-19. Những đợt trước, dịch vừa xuất hiện đã nhanh chóng được dập tắt. Nhưng với dịch Covid-19 thật sự là nỗi ám ảnh dai dẳng. 
Trước căn bệnh mới khiến cả thế giới e sợ, tôi cũng không là ngoại lệ. Nhưng để thông tin kịp thời những vấn đề bạn đọc quan tâm như: số ca nhiễm mới, cuộc sống người dân trong khu cách ly, vấn đề thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19… tôi thường xuyên tiếp cận với cơ sở y tế, những nơi có khả năng lây nhiễm cao. Tôi còn nhớ lần vào Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 để tác nghiệp. Nhân vật là bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, chuẩn bị xuất viện. Khi phỏng vấn, tôi tuân thủ giãn cách theo quy định, thực hiện 5K. Khi ấy, bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh đứng từ trên lầu 3 khu điều trị liên tục ra dấu từ trên cao. Tôi cứ nghĩ người quen gặp nhau nên ra dấu chào hỏi. Đến khi về, mở điện thoại ra tôi mới thấy khá nhiều cuộc gọi nhỡ. Thì ra, anh muốn nhắc nhở vì tôi đứng theo chiều gió mà vi rút SARS-CoV-2 phát tán thuận lợi. Mặc dù tôi đeo khẩu trang, bệnh nhân cũng đã âm tính 5 lần và đủ tiêu chuẩn xuất viện nhưng họ vẫn phải cách ly tại nhà và cần theo dõi thêm. Chuyện rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế là đã có một bệnh nhân sau khi xuất viện về nhà vẫn dương tính với Covid-19. Trường hợp này dù không nằm trong số bệnh nhân tôi đã phỏng vấn nhưng cũng khiến tôi và một vài đồng nghiệp khác phải trải qua những ngày lo lắng, không yên. Thật may là mọi chuyện đều ổn.
Phóng viên Như Nguyện tác nghiệp tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Phóng viên Như Nguyện tác nghiệp tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Hùng Hoa Lư
2. Hơn 10 năm gắn bó, theo dõi mảng quốc phòng, tôi (P.V Phương Dung) thấy đây là một may mắn. Đó là vì theo dõi tuyên truyền lĩnh vực này, tôi rèn luyện tính kiên nhẫn, chuẩn chỉnh cần thiết trong cử chỉ, lời nói, hành động. Những nhân vật tôi gặp, dù mỗi ngày luôn phải đối diện với khó khăn, vất vả, nguy hiểm, song luôn thể hiện ý chí, quyết tâm cao. Những ngày dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng rõ nét nhất. Họ thường xuyên “ăn lán, ngủ rừng”, căng mình trong nắng lửa, mưa dầm. Không ít người trong số họ phải nén đau thương khi người thân mất mà không thể về chịu tang; vợ sinh, con ốm chỉ có thể gửi lời động viên, thăm hỏi. Có người đã định ngày cưới, thậm chí thiệp mời cũng đã phát đến tay bà con, họ hàng nhưng đành hẹn lại. Hình ảnh Thượng úy Nguyễn Văn Dũng-nhân viên Trạm Kiểm soát phà 8 thuộc Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) hay tin bố vợ mất không thể về, chỉ có thể lập bàn thờ vọng ngay tại nơi đóng quân khiến tôi không khỏi xót xa. Nhưng vì dịch, vì nhiệm vụ chung, anh và đơn vị không thể làm khác hơn.
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Số ca ghi nhận nhiễm mới ở trong nước không ngừng gia tăng. Ở nước láng giềng Campuchia, tình hình này cũng “nóng” không kém. Đảm nhận vai trò gác đường biên chống dịch, trách nhiệm của các anh càng thêm nặng nề. Tôi là nữ phóng viên, cũng có những khó khăn nhất định song không cho phép bản thân lơ là trong cuộc chiến chung ấy. Không quản đường sá xa xôi, tôi luôn có mặt kịp thời ở những chốt, trạm dọc đường biên để ghi nhận, phản ánh đầy đủ hoạt động của người lính trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, từ việc tuần tra, canh gác, đấu tranh với các đối tượng vượt biên, xâm nhập đến tiếp nhận và hướng dẫn người dân nhập cảnh chấp hành các biện pháp phòng dịch, cách ly theo quy định… Càng tiệm cận, càng thấu hiểu, tôi càng thêm vững tin vào những điều tốt đẹp hiện hữu để rồi thấy mình cần trách nhiệm và trân trọng hơn với nghề.
Các phóng viên luôn đảm bảo an toàn cho mình khi tác nghiệp trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Nguyễn
Các phóng viên luôn đảm bảo an toàn khi tác nghiệp trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Minh Nguyễn
3. Trong đợt dịch thứ 3, thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và một số xã của huyện Phú Thiện, Krông Pa do ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 nên bị phong tỏa. Là phóng viên thường trú tại thị xã Ayun Pa, tôi (P.V Vũ Chi) được Ban Biên tập giao nhiệm vụ theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh tại địa phương. Vào nghề chưa đầy năm nên khi nhận nhiệm vụ, tôi thấy vô cùng áp lực, song tự trấn an đây là cơ hội để mình rèn luyện, trưởng thành.
Để cập nhật đến bạn đọc những thông tin về dịch bệnh một cách nhanh nhất, chính xác nhất, tôi thường xuyên phải tiếp xúc, phỏng vấn lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và những người mình tiếp xúc, tôi tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế khi tác nghiệp. Thực hiện nghiêm nguyên tắc này, tôi cũng như các lực lượng chống dịch đã đảm bảo an toàn, không bị lây nhiễm mặc dù có thời điểm vô tình tiếp xúc phải F0.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.