Những công trình mang tên "hạnh phúc"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ nguồn kinh phí Dự án “Sức mạnh 2000”, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã thực hiện nhiều công trình ý nghĩa tại các xã khó khăn ở Gia Lai như: nhà nội trú, “cầu hạnh phúc”, “ngôi nhà hạnh phúc”… cho học sinh và người dân.
Niềm vui nhà nội trú
Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta (xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) có 512 học sinh, các em lớp 1 đến 3 học tại điểm trường làng, lớp 4 đến 9 học tại trường chính. Qua khảo sát, nhà trường chỉ có 2 phòng nội trú, không đáp ứng đủ yêu cầu ở lại của học sinh, nhiều em nghỉ học thường xuyên vì đi lại khó khăn. Từ đó, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia đã hỗ trợ 464 triệu đồng để xây dựng cho trường một khu nhà nội trú khang trang ngay trong hè 2021. Nhà nội trú gồm 4 phòng ở và 1 phòng ăn; mỗi phòng ở rộng 40 m2, có giường ngủ, nệm, chăn, màn và công trình vệ sinh.
Khi có nhà nội trú mới, nhà trường bố trí 54 học sinh làng Đê Btưk ở lại. Em Tim (lớp 6) chia sẻ: “Em được thầy-cô giáo bố trí chỗ ở tại trường, phòng ở đầy đủ vật dụng sinh hoạt nên em rất thích. Em sẽ cố gắng học tốt và giữ gìn đồ đạc trong nhà nội trú để dùng được lâu hơn”.
Nhà nội trú của Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang) được Dự án “Sức mạnh 2000” xây tặng. Ảnh: Thủy Bình
Nhà nội trú của Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang) được Dự án “Sức mạnh 2000” xây tặng. Ảnh: Thủy Bình
Nhìn khu nội trú mới kiên cố với đầy đủ vật dụng sinh hoạt, thầy Nguyễn Văn Thuật-Hiệu trưởng nhà trường-bày tỏ niềm vui: “Trước đây, 2 phòng nội trú của trường chỉ đủ để học sinh bậc THCS ở lại. Năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định xóa lớp ghép, các lớp 4 và lớp 5 đều ra học ở trường chính. Nhờ có thêm nhà nội trú, các em có chỗ ở, nhà trường cũng thuận lợi trong việc quản lý học sinh”.
Tại huyện Kbang, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện xây dựng 2 công trình mang tên “Nhà nội trú cho em” cho Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Krong (xã Krong) và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar (xã Đak Smar).
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Krong, công trình gồm 4 phòng ở nội trú, mỗi phòng có diện tích 35 m2 với tổng kinh phí xây dựng là 463 triệu đồng. Cùng với 10 phòng nội trú của trường xây dựng từ năm 2011, các phòng nội trú mới này giúp nhà trường có thêm cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ở lại của 118 học sinh. Thầy Phan Danh-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Năm học 2021-2022, nhà trường có 323 học sinh, trong đó có 296 học sinh dân tộc thiểu số. Nhờ có thêm nhà nội trú mới, nhiều học sinh ở xa trường chuyên tâm hơn vào việc học. Công trình thật ý nghĩa, góp phần cùng nhà trường duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục”.
Những công trình ý nghĩa
Dự án “Sức mạnh 2000” được khởi xướng từ tháng 2-2020 với sự phối hợp, triển khai của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia. Dự án được triển khai qua hình thức gây quỹ với thông điệp “Tiền lẻ mỗi ngày, triệu người chung tay”, chỉ cần mọi người mỗi ngày đóng góp ít nhất 2.000 đồng. Số tiền quyên góp được để thực hiện những công trình phục vụ cộng đồng, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn trên cả nước.
Cũng với mục đích chăm sóc các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia còn hỗ trợ xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc” cho em Đinh Hoắt (9 tuổi, làng Kon Hleng, xã Kon Pne, huyện Kbang). Em Hoắt mồ côi mẹ, ở với bà ngoại đã già yếu. Những năm qua, gia đình em sống trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp trầm trọng. Ngôi nhà mới được xây dựng từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân thông qua Dự án “Sức mạnh 2000” với tổng kinh phí xây dựng là 80 triệu đồng.
Người dân làng Kon Trang (xã Đak Rong, huyện Kbang) vui mừng vì có “cầu hạnh phúc” thuận lợi cho việc đi lại. Ảnh: Hồng Hạnh
Người dân làng Kon Trang (xã Đak Rong, huyện Kbang) vui mừng vì có “cầu hạnh phúc” thuận lợi cho việc đi lại. Ảnh: Hồng Hạnh
“Cầu hạnh phúc” là công trình được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang xây dựng tại làng Kon Trang (xã Đak Rong) với kinh phí 191 triệu đồng do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia vận động Quỹ Phượng Hoàng tài trợ. Cây cầu được đưa vào sử dụng đầu tháng 7-2021, đáp ứng việc đi lại, vận chuyển nông sản cho hơn 70 hộ dân trong làng. Ông Đinh Văn Klet-Trưởng thôn Kon Trang-cho hay: “Cầu cũ nhỏ và làm bằng gỗ nên đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Nay có cầu mới kiên cố, bà con đi làm, trẻ con đi học thuận lợi”.  
Anh Nguyễn Chí Cẩn-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-chia sẻ: “Sau khi được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia hỗ trợ kinh phí, Hội phối hợp với các đơn vị, tổ chức Đoàn ở cơ sở lựa chọn nhà thầu uy tín, đôn đốc thực hiện để các công trình hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, tất cả các công trình đã được đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.
Còn anh Trần Dũng Long-cán bộ Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, phụ trách việc xây dựng các công trình thuộc Dự án “Sức mạnh 2000” thì cho hay: “Những công trình thuộc Dự án “Sức mạnh 2000” được thực hiện ở địa bàn khó khăn. Trung tâm phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh khảo sát kỹ lưỡng trước khi thực hiện công trình để hỗ trợ đúng đơn vị và những trường hợp thực sự cần thiết. Mỗi công trình mang lại niềm vui và hạnh phúc cho học sinh và người dân. Thời gian tới, Trung tâm phấn đấu hỗ trợ thêm nhiều điểm trường, địa bàn khó khăn ở Gia Lai”.
THỦY BÌNH - HỒNG HẠNH

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Ông Ksor Nai (thứ 2 từ phải sang) cùng người dân xã Chư Mố trao đổi về công tác hòa giải ở địa phương. Ảnh: H.M

Ksor Nai nhiệt tình với công tác hòa giải

(GLO)- Ngoài đảm nhận vai trò hòa giải viên tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ia Pa, từ năm 1978 đến nay, ông Ksor Nai (SN 1956, thôn Plơi Apa Ama H’lắk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương.

Người dân làng Kmông phấn khởi khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.H

Nước sạch về làng

(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở làng Kmông và De Lung 1 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi công trình nước sạch do Hội Liên hiệp phụ nữ xã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.