Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều quy định mới về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, tuyển sinh đại học, giao thông, tài chính, sở hữu trí tuệ… có hiệu lực từ tháng 4-2018.

Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Nghị định 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, có hiệu lực từ 15-4, quy định cơ quan, tổ chức và cá nhân (gồm trường học, chung cư, rạp chiếu phim...) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm

Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định.

Ngoài ra, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau: Cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.

Tàu nước ngoài qua lãnh hải Việt Nam phải đúng luồng tuyến

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 16/2018/NĐ-CP  về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-4.

Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy, để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.

Bên cạnh đó, tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau đây: Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu; tránh, trú bão; thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn...

Trường hợp được giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt

 

 

Thông tư 21/2017/TT-NHNN về quy định phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp: Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Khách hàng là bên thụ hưởng đáp ứng các điều kiện dưới đây: Không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.

Khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư này có hiệu lực từ 2-4.

Sử dụng ghi âm với mục đích thương mại phải trả tiền

Có hiệu lực từ 10-4, Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan.

Tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 33 luật Sở hữu trí tuệ đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thu tiền nhuận bút theo danh mục hội viên, tác phẩm được quy định tại hợp đồng ủy quyền.

Điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2018

Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

Các thí sinh này không dùng quyền xét tuyển thẳng thì được hiệu trưởng xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải theo quy định của từng trường.

Điểm ưu tiên giữa 2 khu vực kế tiếp chênh lệch là 0,25 điểm. Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất (ngành cao đẳng), sư phạm thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Đó là những điểm nổi bật tại thông tư 07/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 15-4.

Thắng Quang/zing

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.