Nhân rộng mô hình phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thời gian qua, các cấp chính quyền và lực lượng Công an đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân rộng 2 mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và Điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngoài việc phát hiện và xử lý tình huống cháy nổ, các mô hình này còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư.

Người dân tích cực tham gia

Chỉ vào cái chuông báo động có nút ấn màu đỏ gắn ở góc tường nhà mình, ông Nguyễn Văn Trúc-Tổ trưởng Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đường Hoàng Văn Thụ (tổ dân phố 2, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho biết: “Tổ được thành lập vào tháng 10-2022. Đây là một trong những tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh với 22 gia đình thành viên liền kề. Do nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC nên khi Công an phường, tổ dân phố vận động, các hộ đồng tình tham gia mô hình. Chúng tôi tự nguyện đóng góp tiền để mua sắm các thiết bị PCCC gồm chuông báo động, bình chữa cháy, tủ điều khiển trung tâm, bình ắc quy dự phòng khi mất điện… Đặc biệt, 22 cái chuông báo động được gắn trên tường nhà của 22 gia đình. Khi xảy ra tình huống bất ngờ ở gia đình nào đó, họ chỉ cần bấm chuông thì 21 nhà còn lại đều biết để hỗ trợ. Từ khi có mô hình đến nay, nơi đây chưa xảy ra vụ cháy, nổ nào, các hộ cảm thấy yên tâm hơn trong hoạt động kinh doanh, cuộc sống hàng ngày”.

Kiểm tra tủ phòng cháy chữa cháy tại điểm chữa cháy công cộng tổ 5, phường Ia Kring. Ảnh: Thiên Di

Kiểm tra tủ phòng cháy chữa cháy tại điểm chữa cháy công cộng tổ 5, phường Ia Kring. Ảnh: Thiên Di

Tại con hẻm nhỏ số 16 đường Quyết Tiến (tổ 5, phường Ia Kring, TP. Pleiku), 16 hộ dân cùng nhau đóng góp kinh phí để thực hiện mô hình Điểm chữa cháy công cộng. Tại góc hàng rào của 1 hộ dân giữa con hẻm có lắp đặt 1 tủ chữa cháy với 2 chiếc bình khí CO2, bảng hướng dẫn thao tác chữa cháy. Ông Dương Hữu Toàn-Tổ trưởng tổ dân phố 5-bộc bạch: “Con hẻm này hẹp, xe ô tô không vào được. Thế nên, chúng tôi vận động các hộ ở đây tham gia mô hình Điểm chữa cháy công cộng để khi có tình huống cháy, nổ thì kịp thời ứng cứu. Tham gia mô hình, bà con cũng được cảnh sát PCCC xuống tập huấn kỹ năng chữa cháy. Nhờ vậy mà các hộ dân ở hẻm này rất yên tâm về công tác đảm bảo an toàn PCCC”.

Theo Thượng tá Nguyễn Ích Hồng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh): Thực hiện theo kế hoạch của Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương triển khai xây dựng các mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng. Từ đó, Công an các địa phương đã rà soát, đăng ký 195 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và 91 mô hình Điểm chữa cháy công cộng. Điều phấn khởi là số lượng mô hình đã ra mắt cao hơn nhiều so với số đăng ký ban đầu, gồm: 239 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và 263 mô hình Điểm chữa cháy công cộng. Khi cơ sở triển khai xây dựng mô hình, chúng tôi đều cử lực lượng xuống tập huấn, hướng dẫn các biện pháp PCCC và cứu nạn cứu hộ. Người dân yên tâm hơn nhờ được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, xử lý tình huống bất trắc.

Từng bước nhân rộng mô hình

Trong bối cảnh nguy cơ hỏa hoạn thường trực ở các khu dân cư như hiện nay thì việc nhân rộng các mô hình PCCC ở gia đình, cộng đồng đang được các cấp chính quyền, ngành chức năng chú trọng. Theo thống kê của Công an TP. Pleiku, trên địa bàn hiện có 50 Tổ liên gia an toàn PCCC và 57 Điểm chữa cháy công cộng. Ông Bùi Văn Thanh-Tổ trưởng tổ dân phố 2 (phường Diên Hồng) cho biết: “Tổ đã xây dựng được 4 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC ở các tuyến đường quanh Trung tâm Thương mại thành phố. Ban đầu, việc triển khai mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC cũng khó khăn lắm do kinh phí bỏ ra ban đầu để thực hiện lên đến vài chục triệu đồng và dân phải tự đóng góp. Trong khi đó, chi phí cho điểm chữa cháy cộng đồng thấp hơn nhiều, khoảng 8-9 triệu đồng. Do đó, ban đầu, chúng tôi chọn những tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn nhất và các hộ dân ở đó có điều kiện kinh tế khá giả làm điểm xây dựng mô hình. Khi các hộ dân thấy lợi ích thiết thực từ mô hình điểm sẽ ủng hộ làm mô hình mới. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, tổ sẽ ra mắt thêm 2 mô hình theo chỉ đạo của UBND phường”.

Lực lượng Công an phường Diên Hồng (TP. Pleiku) hướng dẫn thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC sử dụng các thiết bị PCCC. Ảnh: Thiên Di

Lực lượng Công an phường Diên Hồng (TP. Pleiku) hướng dẫn thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC sử dụng các thiết bị PCCC. Ảnh: Thiên Di

Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND phường Hoa Lư (TP. Pleiku) cho biết: Phường hiện là một trong những địa phương thuộc tốp đầu của thành phố về triển khai xây dựng 2 mô hình PCCC với 9 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và 4 mô hình Điểm chữa cháy cộng đồng. Yếu tố tiên quyết để đạt được thành công bước đầu như vậy là công tác tuyên truyền. Từ nay đến cuối năm 2023, phường dự kiến xây dựng thêm 5-6 mô hình. Đồng thời, phường cũng đang kêu gọi Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí để triển khai các mô hình vì có những khu vực đông người dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn khó khăn, nhà ở thưa thớt.

Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết thêm: “Có những khó khăn, vướng mắc khi triển khai mô hình trên địa bàn tỉnh như: ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, người dân chưa quan tâm nhiều đến công tác PCCC; kinh phí đầu tư xây dựng mô hình cao, phù hợp với khu dân cư liền kề có điều kiện kinh tế trung bình trở lên; nguy cơ mất an ninh do các đối tượng xấu phá hoại các nút chuông báo cháy và các tủ cứu hỏa ở ngoài nhà dân. Khó khăn là vậy nhưng hiệu quả mà mô hình mang lại rất thiết thực, từ việc sớm phát hiện cháy, nổ đến cần giúp đỡ khi đau ốm hay báo động có trộm cắp, bạo lực trong gia đình, cộng đồng. Do đó, chúng tôi sẽ tham mưu Công an tỉnh để tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình PCCC dựa theo thực tế tình hình ở từng khu vực, địa phương”.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Kết nghĩa để xóa nghèo

Kbang: Kết nghĩa để xóa nghèo

(GLO)- Việc Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang (tỉnh Gia Lai) phân công các cơ quan, đơn vị của huyện kết nghĩa với làng vùng khó và phụ trách, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku)-một khu nhà ở xã hội lâu năm của Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

7 nhóm cá nhân được vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

(GLO)- Sở Xây dựng Gia Lai vừa có Công văn số 853/SXD-QLN gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư dự án bất động sản về việc xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...