Nhà đầu tư muốn Tân Hoàng Minh trả cả gốc lẫn lãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị cáo Đỗ Anh Dũng cho biết, 'xin hứa sẽ trả' với những khoản lãi của các hợp đồng đến hạn trước thời điểm bị khởi tố và bắt tạm giam.

Ngày 20.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 15 bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, thông qua hàng loạt hành vi gian dối trong việc phát hành trái phiếu, bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 bị hại. Đến nay, các bị cáo đã nộp và bị tạm giữ hơn 8.600 tỉ đồng, đủ để khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt.

Không chỉ là tiền gốc

Trong số 6.630 bị hại có đến hơn 1.400 nhà đầu tư có đơn đề nghị xem xét giảm nhẹ cho ông Đỗ Anh Dũng cùng các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vì các bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả.

Ngược lại, nhiều nhà đầu tư cho rằng hơn 8.600 tỉ đồng mới chỉ là tiền gốc, họ yêu cầu Tập đoàn Tân Hoàng Minh phải trả cả tiền lãi phát sinh từ số tiền đã đầu tư mua trái phiếu. Ông P.V.T, một trong số các bị hại, cho biết mua trái phiếu kỳ hạn 3 tháng trả lãi một lần, nhưng đến nay "chưa nhận được đồng nào", do lãnh đạo tập đoàn bị bắt. "Nếu chỉ trả gốc thì đó vẫn là tiền của chúng tôi, những tổn thất trong 2 năm qua chưa được tính đến, chỉ khi Tân Hoàng Minh chi trả tổn thất đó thì mới là khắc phục", ông này nói.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh (bìa phải), cùng các bị cáo hầu tòa. Ảnh: Phúc Bình

Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh (bìa phải), cùng các bị cáo hầu tòa. Ảnh: Phúc Bình

Trình bày sau đó, bị hại số thứ tự 1168 (không nêu tên và số tiền thiệt hại), kiến nghị cơ quan quản lý "rút ra bài học cho câu chuyện về trái phiếu" để cả người dân và doanh nghiệp không bị thiệt. Bà cho rằng cần cho doanh nghiệp một con đường sống để "ngã ở đâu đứng dậy ở đó".

"Nhóm chúng tôi có người quá sốc, bệnh tật nhưng không có tiền chữa trị, thậm chí chết khi chưa được giải quyết; những thiệt hại này phải được bồi thường", một nhà đầu tư khác nêu nguyện vọng.

Do có nhiều quan điểm khác nhau, nữ bị hại tên N.T.L đề nghị HĐXX giải quyết theo nhu cầu của từng bị hại, chứ không "đánh đồng tất cả như nhau". Theo chị, có người chỉ cần trả tiền gốc, có người cần trả cả lãi, người thì cần trả ngay để giải quyết chuyện cấp bách (lo cho con cái, chữa bệnh…), cũng có người không gấp gáp. "50 - 60 triệu tiền lãi với những người đầu tư hàng chục tỉ đồng không đáng là bao, nhưng với nhiều người thì đó là cả số tiền lớn", nhà đầu tư nhấn mạnh.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng hứa gì ?

Tham gia thẩm vấn, luật sư bảo vệ quyền lợi cho một số bị hại cũng cho rằng, số tiền hơn 8.600 tỉ đồng mới đủ để khắc phục toàn bộ số tiền gốc mà nhà đầu tư đã bỏ ra để mua các lô trái phiếu Tân Hoàng Minh. Suốt thời gian qua, số tiền này bị tạm giữ, vậy bị cáo có trách nhiệm gì với thiệt hại phát sinh của nhà đầu tư?

Trả lời câu hỏi, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cho biết đã nghe rất kỹ quan điểm, nguyện vọng của các nhà đầu tư, thấy "rất xúc động" khi nhiều người xin giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Về vấn đề trả lại tiền, bị cáo Dũng nói đây là phiên tòa hình sự nên phải căn cứ theo quy định pháp luật. Với những khoản lãi của các hợp đồng đến hạn trước thời điểm bị khởi tố và bắt tạm giam, bị cáo Dũng "xin hứa sẽ trả". Còn với những khoản lãi của các hợp đồng đến hạn sau thời điểm trên, bị cáo sẽ "tuân thủ theo bản án của tòa".

"Thế còn lãi phát sinh theo lãi suất ngân hàng với những trường hợp không nhận được lãi suất trái phiếu theo hợp đồng thì sao?", luật sư tiếp tục hỏi. Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trình bày do phiên tòa mới diễn ra 2 ngày, bị cáo chưa có nhiều thời gian để suy nghĩ đến vấn đề này.

Tuy vậy, trên nguyên tắc, bị cáo bị bắt thì hiểu rằng hợp đồng bị vô hiệu, nguồn tiền đang đưa vào kinh doanh thì phải thu hồi để khắc phục, chưa thể sinh lời, lãi phát sinh là không có. Vì vậy, Tân Hoàng Minh sẽ tự nguyện thực hiện trong khả năng của tập đoàn.

Rất khó được trả tiền ngay tại tòa

Quá trình xét xử, nhiều bị hại tha thiết được trả lại tiền ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Một số đặt câu hỏi "bao giờ chúng tôi nhận lại được tiền?". Ngay lập tức, chủ tọa ngắt lời, cho biết tòa sẽ "trả lời vấn đề này bằng bản án".

Trả lời Thanh Niên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nhận định số tiền hơn 8.600 tỉ đồng hiện đang bị tạm giữ, do đó thẩm quyền xử lý thuộc về HĐXX. HĐXX sẽ xem xét, đánh giá chứng cứ để xác định các bị cáo có phạm tội không, ai là bị hại, có bao nhiêu người, mỗi người bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền…

Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án (bị hại) cần làm đơn đề nghị tới cơ quan thi hành án, để yêu cầu người có nghĩa vụ thi hành án bồi thường cho mình. Tiếp đó, tiền được chuyển từ cơ quan đang tạm giữ tới cơ quan thi hành án, để trả cho bị hại. "Việc xem xét, quyết định trách nhiệm hình sự cũng như bồi thường đối với bị cáo là rất phức tạp, tòa phải cân nhắc thận trọng, đảm bảo đúng quy định pháp luật, nên rất khó để trả lại tiền cho các nhà đầu tư ngay tại phiên tòa", luật sư Hùng nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Va chạm với container, 2 mẹ con tử vong

Va chạm với container, 2 mẹ con tử vong

Chiếc xe máy do chị N.T.L (42 tuổi, ở Hải Phòng) điều khiển chở theo con trai bất ngờ va chạm với container di chuyển cùng chiều tại nút giao Đặng Kinh - Đình Vũ (Hải An, Hải Phòng) khiến cả hai người trên xe máy ngã xuống đường, bị ô tô đầu kéo đâm trúng dẫn đến tử vong. 

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

(GLO)- Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai vừa thông báo đến các sở, ban, ngành, địa phương về triển khai văn bản của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).