Nguy cơ từ những công trình thủy lợi nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bảo vệ các công trình thủy lợi trong mỗi mùa mưa bão là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra. Các cơ quan chức năng đã tổ chức đánh giá hiện trạng từng công trình để tu bổ sửa chữa, tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn đối với các hồ chứa nhỏ và đập dâng do các nông- lâm trường quản lý.

“Sự cố” đầu tiên

Thủy lợi ở Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Diệp
Thủy lợi ở Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Gia Lai là một trong những địa phương có nhiều đơn vị quản lý, chăm sóc hàng chục ngàn ha cà phê, cao su. Cùng với việc đầu tư mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp này, các đơn vị còn đầu tư xây dựng hệ thống các hồ chứa nhỏ, đập dâng để tích nước phục vụ nước tưới cho cây trồng từ nhiều năm qua. Mục đích tốt nhưng do xây dựng thiếu thiết kế, chủ yếu phục vụ tưới nội bộ nên nhiều công trình không có tràn xả lũ, không mái thượng- hạ lưu, mặt đập kết hợp với giao thông giữa các vùng sản xuất của đơn vị… Đặc biệt, việc duy tu sửa chữa thường xuyên và vấn đề an toàn hồ đập trong mùa mưa thì các đơn vị này không mấy quan tâm. Chính vì vậy, “sự cố” xảy ra đêm 27 rạng sáng ngày 28-7-2009 khi mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã khiến đập thủy lợi hồ Đội 9 rộng gần 3 ha của Công ty Cà phê 705 (Ia Grai) bất ngờ bị vỡ gây lũ quét cục bộ cuốn trôi 61 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, đồng thời gây ngập úng và vùi lấp nhiều diện tích lúa nước và hoa màu của người dân ở 2 làng Doạch Krot và Doạch Kuê- xã Ia Krai cùng vùng hạ lưu của hồ này đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây. Mặc dù không thiệt hại về người nhưng thiệt hại về kinh tế và những hệ lụy do sự cố vỡ đập gây ra đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân và những quan ngại về công trình bị vỡ như thế hoàn toàn có cơ sở.

Nguy cơ từ những công trình tương tự

Sự cố vỡ hồ chứa nước của Công ty Cà phê 705 như một lời cảnh báo đến nhiều công trình khác trên địa bàn tỉnh ta nói chung và huyện Ia Grai nói riêng. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho thấy toàn huyện có 44 công trình hồ chứa nhỏ, đập dâng do các công ty cà phê quản lý và khai thác từ nhiều năm qua. Tuy nhiên do xây dựng đã lâu lại không có thiết kế, bản vẽ… không có tràn xả lũ hoặc có nhưng quá nhỏ so với lượng nước khi tích trữ khi mưa lớn nên các hồ chứa và đập dâng này rất khó thoát nước. Không những vậy, các đơn vị này đều không có cán bộ thủy lợi chuyên trách để xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.

Ông Bùi Đức Chinh- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho biết: Nguy cơ vỡ các hồ chứa do các nông- lâm trường quản lí trên địa bàn huyện như hồ chứa của Công ty Cà phê 705 vừa qua là rất lớn do không được đầu tư sửa chữa, phần lớn xây dựng từ lâu nhưng ít được đầu tư sửa chữa. Bên cạnh đó, những đơn vị này cũng không có cán bộ chuyên ngành theo dõi thường xuyên để dự báo. Mặc dù trước mùa mưa, Phòng đã có công văn đề nghị các đơn vị rà soát đánh giá lại hiện trạng công trình để có kế hoạch tu sửa nhưng đến nay mới chỉ có 5 đơn vị thực hiện. Các ngành chức năng cần nhanh chóng kiểm tra hệ thống những công trình này và có hướng khắc phục.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi- Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), nhiều công trình thủy lợi nhỏ do các nông- lâm trường, các xã và hợp tác xã quản lý trên địa bàn tỉnh hiện đang đứng trước nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Việc xây dựng, tu sửa các công trình thủy lợi vượt lũ an toàn. Vì vậy cần khẩn trương triển khai nhằm giảm thiểu thiệt hại nhất là trong mùa mưa bão năm nay.

Nguyễn Diệp


Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.