Nguồn hàng phục vụ Tết Tân Sửu 2021 đảm bảo dồi dào, ổn định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh đó các hình thái thiên tai gây thiệt hại nặng nề: Hạn hán và ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ tại miền Trung... nhưng các ngành và các địa phương đã khắc phục khó khăn, chủ động nguồn hàng phục vụ người dân ăn Tết đầy đủ, ấm áp.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và thiên tai gây thiệt hại nặng nề, dự báo nguồn hàng phục vụ Tết vẫn dồi dào, bình ổn giá. Ảnh: Vũ Long
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và thiên tai gây thiệt hại nặng nề, dự báo nguồn hàng phục vụ Tết vẫn dồi dào, bình ổn giá. Ảnh: Vũ Long


Tăng tốc sản xuất để tất cả người dân miền Trung ăn Tết đầy đủ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), những tháng cuối năm cũng như Tết Nguyên đán 2021, nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm rất dồi dào. Về lương thực, sản lượng lâu năm 2020 đạt 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Rau, đậu tăng cả về diện tích và sản lượng. Diện tích khoảng 1,16 triệu hécta; sản lượng đạt 18,2 triệu tấn, tăng 458.000 tấn so với năm 2019.

Đến thời điểm này, diện tích cây ăn quả đạt 1,1 triệu hécta, tăng 40.000 hécta so với năm 2019. Sản lượng một số cây ăn quả chủ lực (xoài, thanh long, cam, bưởi...) tăng từ 4-9% so với năm 2019.

Các mặt hàng thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm cũng rất dồi dào. ”Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019. Sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỉ quả, tăng 6,6%. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2019” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, trong 2 tháng 9 và 10.2020, các tỉnh miền Trung bị trận bão lũ lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, trong đó lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng. Thiên tai đã làm khoảng 4.000 hécta lúa, 7.600 hécta hoa màu, gần 140.000 hécta rừng, gần 13.000 hécta nuôi thủy sản bị thiệt hại; hơn 38.000 con gia súc và 3 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi, hơn 200km đê, kè bị sự cố, hư hỏng... Thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỉ đồng.

Ngay sau thiên tai, Chính phủ, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục hậu quả và thúc đẩy sản xuất. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5.11.2020 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng do thiên tai. Bộ NNPTNT cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chủ động ứng phó mưa, bão, lũ và khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.

Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, Chính phủ đã xuất cấp 15.804 tấn gạo, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh sản xuất.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng đã huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân 4 tỉnh trên. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỉ đồng cho 9 tỉnh miền Trung.

Không thiếu thịt lợn phục vụ Tết, giá biến động không nhiều

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, mặc dù tình hình thời tiết phức tạp, dịch bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng đến sản xuất, dịch vụ, nhưng ngành Nông nghiệp và các địa phương đã rất chủ động chuẩn bị nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Đến nay, các nguồn hàng phục vụ Tết đã được chuẩn bị xong.

Theo Bộ NNPTNT, phục vụ Tết Nguyên đán, chăn nuôi bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá. Tái đàn lợn đã và đang được đẩy mạnh, dự báo sẽ không thiếu nguồn cung thịt lợn. Đến thời điểm này, nguồn cung thịt lợn đạt 3,46 triệu tấn, tăng 3,9%; thịt gia cầm đạt 1,42 triệu tấn, tăng 9,2%; thịt bò đạt trên 372.000 tấn, tăng 4,2%; trứng đạt 14,54 tỉ quả, tăng 9,5%...

Tuy nhiên, từ 2 tuần nay, giá lợn hơi bắt đầu tăng nhẹ và đến thời điểm này đã ở mức khoảng 80.000 đồng/kg. “Dự báo giá lợn hơi có thể sẽ tăng nhẹ dịp Tết Nguyên đán nhưng không sốt giá, chủ yếu do tâm lý chứ không phải do thiếu nguồn cung” - ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, nói.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, sở vận động các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn thành phố chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với tổng giá trị dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2021 dự kiến khoảng 1.710 tỉ đồng.

Sở Công Thương TPHCM đã phối hợp với các sở ngành, làm việc với các DN để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với kinh phí gần 20.000 tỉ đồng. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỉ đồng; lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4%-17,3% so với kế hoạch và tăng 12%-21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020.

Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP.Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỉ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên Đán 2021 cũng như tình hình dịch COVID-19 để kịp thời điều tiết cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tăng giá đột biến.

 

https://laodong.vn/kinh-te/nguon-hang-phuc-vu-tet-tan-suu-2021-dam-bao-doi-dao-on-dinh-866739.ldo

Theo Long Vũ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

(GLO)- Trung tuần tháng 1-2025, VinFast đã bổ sung một mẫu xe điện hai bánh mới là Motio. Sự xuất hiện của Motio đã khuấy động phân khúc xe máy điện cho học sinh, sinh viên. Với thiết kế nổi bật, nhiều trang bị hữu ích, mức giá tốt, mẫu xe này hứa hẹn dễ dàng chinh phục nhóm khách hàng trẻ tuổi.