Người nước ngoài vui đón năm mới ở phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những người ngoại quốc đang sinh sống và làm việc tại Pleiku, đón Tết Dương lịch ở Phố núi-nơi có những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ hay truyền thống-là một trải nghiệm khá thú vị.

Trong ngày đầu tiên của năm 2024, họ cũng dành thời gian để quây quần bên người thân hay gặp gỡ bạn bè và không quên trao nhau những lời chúc tốt đẹp, hạnh phúc.

1. Gần 8 năm qua, vợ chồng chị Laura Kristy Tran (Quốc tịch Mỹ)-giáo viên Trung tâm Anh ngữ Á Châu (TP. Pleiku) đã quen với việc đón năm mới ở Việt Nam cùng những người bạn mới. Anh Vince Tran (Trần Đình Chung) vốn là người gốc Việt nhưng sinh ra, lớn lên tại Mỹ và chưa một lần được tìm về với nguồn cội.

Thấu hiểu tâm nguyện của chồng, đồng thời mong muốn các con có những trải nghiệm đáng nhớ tại quê nội, chị Laura đề xuất cả gia đình cùng về Việt Nam. Năm 2016, anh chị xin nghỉ việc tại ngân hàng. Cả nhà 4 thành viên lên máy bay về Việt Nam bắt đầu hành trình du lịch dài ngày. Khi đó, con trai lớn của anh chị mới 5 tuổi, còn cậu út chưa tròn 1 tuổi.

“Ấn tượng đầu tiên của tôi về quê hương của chồng là sự yên bình, ấm áp, con người thân thiện và mến khách. Chúng tôi đã có chuyến trải nghiệm xuyên Việt từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… Nơi nào cũng thật xinh đẹp”-chị Laura nhớ lại.

Gia đình anh Trần Đình Chung và chị Laura đã có những trải nghiệm đón năm mới đáng nhớ tại phố núi Pleiku. Ảnh: NVCC
Gia đình anh Trần Đình Chung và chị Laura đã có những trải nghiệm đón năm mới đáng nhớ tại phố núi Pleiku. Ảnh: NVCC

Có lẽ chính ấn tượng ban đầu ấy đã níu giữ gia đình chị ở lại với Việt Nam suốt 8 năm qua và chưa có ý định trở về Mỹ. Và cũng trong ngần ấy năm, cả nhà đã cùng nhau đón năm mới tại Việt Nam với nhiều cung bậc cảm xúc.

Anh Chung kể: Sau 7 tháng ở Đà Nẵng, cả nhà chuyển vào Quy Nhơn sinh sống. Trong năm đầu tiên và thứ hai sang Việt Nam, chúng tôi đón Tết Dương lịch tại khách sạn mà gia đình lưu trú. Bữa tiệc chào năm mới do khách sạn tổ chức cũng khá ấm áp. Mọi người vui vẻ ăn uống, trò chuyện và cùng nâng ly rượu tạm biệt năm cũ, đón chào tân niên.

Cuối năm 2018, thông qua sự kết nối từ một người bạn, chúng tôi chuyển lên TP. Pleiku và cùng dạy tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Á Châu. Mới đặt chân đến đây, tôi và 2 con trai đã reo lên đầy hứng thú bởi khí hậu rất trong lành, xen lẫn chút se se lạnh vô cùng thích. Laura thì ngược lại vì cô ấy không chịu được lạnh. Vợ tôi thích biển với tiết trời nóng ấm. Tuy nhiên, chiều theo ý chồng và các con, cô ấy vẫn quyết định ở lại phố núi Pleiku.

Chuyển đến một vùng đất mới với nhiều điều lạ lẫm và khác biệt, vì vậy, vợ chồng anh Chung và Laura chọn tổ chức một bữa tiệc nhỏ để đón năm mới 2019 cùng 2 con tại nhà.

“Đến năm 2020, em gái tôi sang Việt Nam du lịch và lên Pleiku thăm gia đình chị. Trong ngày đầu tiên của năm mới, cả nhà đã đưa em đi tham quan một số cảnh đẹp như Biển Hồ, chùa Minh Thành, thác Phú Cường và thưởng thức những món ăn ngon của Việt Nam mà tôi rất thích như cơm lam gà nướng, mỳ Quảng, bánh hỏi, phở Hà Nội…”-chị Laura nhắc nhớ.

Những năm sau đó, gia đình chị Laura không thể tổ chức tiệc chào năm mới trọn vẹn ở Việt Nam vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và do anh Chung bị ốm phải nhập viện điều trị. Riêng năm nay, anh chị đã lên kế hoạch để có một ngày Tết Dương lịch thật ý nghĩa.

Hai người con trai của chị Laura trải nghiệm leo núi tại huyện Mang Yang trong dịp nghỉ Tết Dương lịch. Ảnh: NVCC
Hai người con trai của chị Laura trải nghiệm leo núi tại huyện Mang Yang trong dịp nghỉ Tết Dương lịch. Ảnh: NVCC

“Ngày hôm qua, 3 bố con đã có chuyến leo núi thú vị tại Mang Yang. Hôm nay, chúng tôi dành thời gian ở nhà để thư giãn cùng nhau và sẽ có một bữa tối thân mật ngoài trời”-chị Laura bật mí.

Nói về dự định của gia đình trong năm mới, anh Chung chia sẻ: Chúng tôi vô cùng yêu cảnh đẹp, con người Pleiku và cảm thấy nơi đây khá an toàn, phù hợp với gia đình mình. Con trai lớn của tôi đang theo học lớp 6 tại Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá), còn cậu út học lớp 3 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Hội Thương).

Hai con đều nói tiếng Việt rất thành thạo. Vì thế, trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục lưu trú và gắn bó với công việc hiện tại. Còn 2 năm nữa, chúng tôi sẽ đủ điều kiện để xin quốc tịch Việt Nam theo quy định. Mong rằng mọi việc thuận lợi, cả gia đình có thể định cư lâu dài tại thành phố Pleiku xinh đẹp này.

2. Từ khi vận hành dự án “Tình nguyện viên trao đổi giá trị”, hơn 2 năm qua, Moon’s Coffee Farm (số 1418 Trường Chinh, TP. Pleiku) của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy đón khá nhiều tình nguyện viên quốc tế đến trải nghiệm cách làm nông nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, Farm đang có 5 bạn trẻ người Đức, Pháp và Israel lưu trú. Thay vì trở về quê nhà hoặc đi du lịch, họ quyết định ở lại nông trại để cùng nhau đón chào năm mới.

“Ban ngày, các tình nguyện viên vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường tại Farm. Buổi tối, chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc ngoài trời với thịt nướng và đếm ngược thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới”-chị Thủy cho biết.

Các tình nguyện viên quốc tế đã có những trải nghiệm thú vị tại Moon’s Coffee Farm (số 1418 Trường Chinh, TP. Pleiku). Ảnh: ĐVCC
Các tình nguyện viên quốc tế đã có những trải nghiệm thú vị tại Moon’s Coffee Farm (số 1418 Trường Chinh, TP. Pleiku). Ảnh: ĐVCC

Trong số 5 tình nguyện viên quốc tế tại Moon’s Coffee Farm, Nina Alice Catherine Leo là “lính mới”. Cô gái 21 tuổi người Đức chỉ vừa đặt chân tới Pleiku vào sáng 31-12, sau khi kết nối thành công với chủ nhân của Moon’s Coffee Farm.

Chia sẻ về cơ duyên với phố núi Pleiku nói riêng và Việt Nam nói chung, Nina cho hay: “15 năm trước, ông ngoại tôi đã tới Việt Nam du lịch. Trở về từ chuyến đi ấy, ông đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về đất nước của các bạn. Nó làm tôi tò mò, thích thú và quyết tâm sẽ khám phá Việt Nam khi trưởng thành”.

Tháng 10-2023, dự định từ bé của Nina được hiện thực hóa. Vùng đất đầu tiên ở Việt Nam mà cô đến là Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), tiếp theo là TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Trải nghiệm tại những nơi này giúp Nina hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, con người và cả ẩm thực Việt.

Cô gái trẻ quốc tịch Đức cũng đặc biệt yêu thích khí hậu và thiên nhiên vùng cao. Có lẽ vì thế mà khi được một người bạn kết nối, Nina không chút ngần ngại đăng ký làm tình nguyện viên ở Moon’s Coffee Farm để được thỏa thích hòa mình vào không gian núi đồi, cây cỏ trên mảnh đất Gia Lai đầy nắng gió.

Cô gái Nina Alice Catherine Leo (bìa trái; 21 tuổi, quốc tịch Đức) cùng các tình nguyện viên quốc tế của Moon’s Coffee Farm giao lưu cùng người dân Pleiku về chủ đề năm mới. Ảnh: Mộc Trà

Cô gái Nina Alice Catherine Leo (bìa trái; 21 tuổi, quốc tịch Đức) cùng các tình nguyện viên quốc tế của Moon’s Coffee Farm giao lưu cùng người dân Pleiku về chủ đề năm mới. Ảnh: Mộc Trà

Trong thời khắc hân hoan của tân niên 2024, Nina cho hay: Người Đức chúng tôi thường đón năm mới bắt đầu từ lễ Giáng sinh cho đến hết ngày đầu tiên của năm mới. Đây cũng là một trong những dịp lễ vui nhất. Thông thường, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau nấu những món ăn ngon để thưởng thức cùng rượu sâm-panh.

Theo phong tục, chúng tôi đem chì hoặc sáp nung chảy trong một chiếc thìa rồi đổ vào nước lạnh, sau đó nhìn hình dáng mới tạo thành để tiên đoán về những điều sẽ xảy ra trong năm mới. Mặt khác, mỗi người cũng sẽ ghi ra những dự định, mục tiêu hoặc điều mà mình mong muốn đạt được trong năm mới.

“Năm nay, ở Việt Nam nên tôi không thực hiện những phong tục truyền thống trong năm mới. Thế nhưng đổi lại, tôi có được trải nghiệm thú vị cùng những người bạn vừa quen biết tại Farm. Trước đó, tôi cũng không lên kế hoạch đón năm mới cho bản thân bởi tôi thích đón nhận những niềm vui bất ngờ”-Nina chia sẻ.

Khác với Nina, cô gái Yam (22 tuổi, đến từ Israel) đã có thời gian ở Pleiku và trải nghiệm tại Moon’s Coffee Farm 1 tuần trước khi bước sang năm mới. Đây cũng là lần đầu tiên Yam đến Việt Nam và đặc biệt ấn tượng với Pleiku vì nơi này mang đến cho cô cảm giác yên bình và được chữa lành.

Yam cho biết: Israel là quốc gia duy nhất trên thế giới mà người Do Thái chiếm đa số. Tết của người Do Thái thường rơi vào tháng 9 dương lịch. Trong ngày đầu tiên của năm mới, chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc tối thật to. Sau khi cầu nguyện, mỗi người sẽ ăn những lát táo được cắt mỏng nhúng mật ong với hy vọng về một năm mới đầy ngọt ngào.

Ngoài ra, quả lựu cũng là loại trái cây mang tính biểu tượng được ăn trong năm mới của người Do Thái. Mỗi hạt lựu tượng trưng cho sự may mắn, tình yêu và những điều răn dạy trong kinh thánh.

“Dù thời gian, hình thức đón Tết khác nhau nhưng ai cũng sẽ hướng về những điều tốt đẹp, hạnh phúc. Và với tôi, được tiếp tục lưu trú tại nông trại là một niềm vui ý nghĩa trong dịp đầu năm mới.

Tại Farm, tôi đã được tìm hiểu và trực tiếp chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cà phê-một loại thức uống bản thân yêu thích hàng ngày”-Yam vui vẻ nói.

Người nước ngoài đón năm mới tại Pleiku bằng những bữa tiệc tối ấm cúng cùng bạn bè. Ảnh: NVCC
Người nước ngoài đón năm mới tại Pleiku bằng những bữa tiệc tối ấm cúng cùng bạn bè. Ảnh: NVCC

Trước đó, ngày 31-12, các tình nguyện viên của Moon’s Coffee Farm đã cùng tập trung tại quán cà phê Bây giờ và Ở đây (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) để gặp gỡ, trò chuyện và sinh hoạt tiếng Anh với những người bản xứ. Trên mỗi tấm thiệp nhỏ xinh do quán thiết kế, họ cũng không quên trao nhau những lời chúc ngọt ngào và mong cầu nhiều may mắn, an lành trong năm mới.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.