(GLO)- Ông Phạm Thoại Tuyền (63 tuổi, ở thôn Đông, An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) là một trong số ít người biết tường tận về Lý Sơn. Ông nắm rất rõ lịch sử của đảo, tất nhiên là những biến cố thăng trầm và nhất là đội Hùng binh Hoàng Sa. Về văn hóa, ông còn giữ được nét truyền thống của nhân dân trên đảo. Về di tích, ông còn lưu giữ nhiều hiện vật của văn hóa Chăm, Sa Huỳnh.
Sưu tầm tư liệu về chủ quyền biển đảo
Đến nay, ông Tuyền đã có hơn 40 năm sưu tầm tư liệu về chủ quyền biển đảo, mà cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Ông vốn là hậu duệ đời thứ 5 của Cai đội Phạm Hữu Nhật-một trong những Cai đội nổi tiếng của thủy binh Hoàng Sa. Dòng họ ông vốn am hiểu nho học và giàu lòng yêu nước. Đấy chính là những lý do khiến ông lao vào tìm kiếm, gìn giữ những tư liệu quý.
Ông Phạm Thoại Tuyền. Ảnh: L.X.T |
Trước kia, ông vốn là cây bút của tờ Tia sáng và một số tờ báo cổ vũ cách mạng, với bút hiệu Thế Luân. Thấy những bài viết của ông có lợi cho cách mạng, địch đã tìm cách bắt và giam ông hơn một năm trời. Thời điểm ông ra tù cũng là đất nước vừa giải phóng. Về đảo, ông thấy có nhiều người chuyên đi lùng sục, lấy cắp những tư liệu quý về chủ quyền biển đảo. Do trước kia có làm báo, lại có chút am hiểu về thời cuộc nên linh tính mách bảo rằng đây là những tư liệu không thể để mất được. Thế là ông tìm cách sưu tầm những tư liệu quý đó về cất giữ cẩn thận.
“Ban đầu, người ta tưởng tôi khùng. Nhưng khi nghe tôi giải thích thì họ hiểu ra, một số người còn tự nguyện giao tư liệu cho tôi nữa”-ông Tuyền nhớ lại. Không những sưu tầm, ông còn dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu những tư liệu ấy. Khi vấn đề biển đảo “nóng” lên, nhiều nhà nghiên cứu khi ra đảo đều tìm đến ông để nhờ ông tư vấn cũng như cung cấp những chứng cứ quan trọng. Chính vì vậy mà một số nhà nghiên cứu đã gọi ông với cái tên “Ông Hoàng Sa”.
Sau đó, ông đã hiến tặng nhiều tư liệu quý cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Bắt đầu từ đây, ông chuyển sang sưu tầm những bài báo liên quan đến Hoàng Sa-Trường Sa. Hễ đọc thấy có bài nào liên quan đến vấn đề trên là ông cắt riêng ra, lưu giữ cẩn thận. Ông Tuyền bảo: “Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa rất rộng, tôi tuy biết nhiều nhưng chủ yếu là ở Lý Sơn, nên cần sưu tầm những bài báo đó để biết thêm những chứng cứ khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo trên”.
“Kho” cổ vật ở Lý Sơn
Trong căn nhà cổ hiếm hoi ở Lý Sơn, chúng tôi có cảm giác như mình đang ở trong một kho cổ vật. Ở gian nhà chính, ngoài bàn thờ tổ tiên, hai bên gian nhà ông trưng bày nhiều cổ vật sắp xếp rất khoa học. Bên trái là tủ kính ba tầng: tầng trên cùng là những hiện vật liên quan đến Cai đội Phạm Hữu Nhật, tầng thứ hai là cổ vật thuộc văn hóa Chăm; tầng dưới cùng là cổ vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh; bên phải là tủ kính đặt các loại chén đĩa, bình gốm sứ thuộc vương triều Nguyễn, cùng với tiền giấy, tiền xu xưa…
Ông quan niệm, việc bảo vệ chủ quyền đất nước không chỉ gìn giữ tư liệu quý mà cần phải bảo tồn hiện vật cũng như trầm tích văn hóa. Thời đó, hễ nghe ở đâu có cổ vật hay mấy món đồ nào “là lạ” là ông lập tức có mặt. Ông nhớ lại: “Khi người dân ở đây bắt đầu khai thác cát trắng để trồng tỏi thì đó là lúc phát lộ nhiều cổ vật của văn hóa Chăm, Sa Huỳnh”.
Thành quả mà ông thu được sau hơn 40 năm sưu tầm là hơn 1.000 cổ vật, đại đa số ông đã tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Với số cổ vật hiện tại, ông tự hào nói rằng: “So với đất liền thì chẳng thấm vào đâu, nhưng ở đảo thì nhiều nhất”. Đã có lúc ông nghĩ về một nhà trưng bày tư nhân trên đảo, để cho mọi người, nhất là lớp trẻ biết đến những giá trị của văn hóa.
Chúng tôi hỏi ông có tìm được “truyền nhân” của mình chưa? Ông thẳng thắn: “Lớp trẻ bây giờ xa rời văn hóa quá. Cũng không thể trách được vì gánh nặng kinh tế quá lớn. Tôi cũng có hai thằng con trai nhưng đều lập nghiệp ở xa cả. Hiện vẫn chưa thấy đứa nào đả động đến chuyện này”. Rồi giọng ông chùng xuống, bảo rằng đây cũng là cái duyên, nếu ai mong muốn tiếp tục bảo quản những cổ vật này, dù không phải là con cháu trong nhà thì ông vẫn sẵn sàng trao lại.
Lê Xuân Thọ