Việt Nam - Ấn tượng thân thương tại Nam Sudan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được đặt chân tới Nam Sudan - một đất nước châu Phi không chỉ cách xa, mà còn khác xa Việt Nam, với tôi là một trải nghiệm không thể nào quên.

Thủ đô Juba - nơi mà xung đột vũ trang, dịch bệnh và đói nghèo vẫn hiện diện ngay trước mắt, nơi chẳng thể đón khách du lịch, du học sinh, càng không phải là nơi diễn ra những cuộc hội thảo, hội nghị, lại là nơi cho tôi được gặp gỡ những người phụ nữ tuyệt vời.

Ấn tượng với nữ sĩ quan cảnh sát Mông Cổ

Gần 1 năm trước, vào những ngày tháng 3/2024, khi được đến thăm phái bộ gìn giữ hòa bình UNMISS (thủ đô Juba, Nam Sudan), tôi quen chị Bolor Erdene Myatav - một sĩ quan truyền thông của cảnh sát phái bộ. Mọi hoạt động trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tại Nam Sudan thời gian đó không những được nhóm phóng viên chúng tôi nắm bắt và truyền tải kịp thời về nước, mà còn nhanh chóng được truyền thông phái bộ phản ánh trên trang thông tin của cảnh sát phái bộ và của cả phái bộ UNMISS. Đó là những ngày mà cả tôi và chị Bolor Erdene đều làm việc hết mình.

Từ Mông Cổ, Bolor Erdene Myatav đã tới phái bộ UNMISS, Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Từ Mông Cổ, Bolor Erdene Myatav đã tới phái bộ UNMISS, Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Chị Bolor Erdene luôn chăm chú lắng nghe và nắm bắt những nội dung trao đổi giữa đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam và lãnh đạo phái bộ, tư lệnh cảnh sát phái bộ. Chỉ những lúc cuối buổi làm việc, chúng tôi mới có dịp trò chuyện cùng nhau. Chị Bolor Erdene sinh năm 1984, là sĩ quan cảnh sát Mông Cổ sang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ). "Năm 2005, tôi tốt nghiệp ngành kĩ sư điện tử tại Đại học Khoa học và Công nghệ Mông Cổ. Sau đó, đến năm 2016 tôi học thạc sỹ ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học Nam Kinh, Trung Quốc theo diện học bổng của chính phủ nước này và trở về nước công tác tại Cục Cảnh sát công nghệ. Tính đến nay tôi đã có 15 năm trong ngành cảnh sát", chị Bolor Erdene chia sẻ với tôi.

Năm 2022, Bolor Erdene tham dự kì thi SAAT dành cho sĩ quan cá nhân tham gia GGHB LHQ. Khi biết được tên mình có trong danh sách đủ tiêu chuẩn đi phái bộ, Bolor Erdene mừng lắm. Bởi từ lâu chị đã ấp ủ được đội chiếc mũ nồi xanh của Liên hợp quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Chị kể: "Sáu tháng sau kể từ kì thi SAAT, tôi cùng đồng đội đã đến Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên tôi đến châu Phi, một đất nước có điều kiện hoàn toàn khác với Mông Cổ, từ thời tiết, môi trường đến con người. Tôi tới nhận nhiệm vụ tại phái bộ UNMISS với cảm giác mọi thứ đều mới mẻ vô cùng".

Sau khi kết thúc khóa học đầu vào, Bolor Erdene được điều động đến công tác tại Văn phòng Cảnh sát địa bàn Kuajok. "Tôi được tham gia vào đội tuần tra phối hợp trong ngày và dài ngày và tuần tra trên không. Sau đó, tội nộp đơn ứng tuyển vị trí cán bộ truyền thông. Đầu tiên, tôi qua vòng kiểm tra kĩ thuật. Sau đó, tôi tham gia phỏng vấn trực tiếp. Và cuối cùng, tôi đã trúng tuyển vị trí cán bộ truyền thông của Phái bộ rồi chuyển về Juba công tác. Mặc dù đây không phải là chuyên ngành của tôi nhưng tôi vốn thích chụp ảnh, viết lách nên đã nhanh chóng thích nghi với nhiệm vụ mới mẻ này".

"Thời gian ở Juba đối với tôi vô cùng thú vị và có nhiều hoạt động. Tôi có thêm nhiều bạn mới, tôi học hỏi được từ nhiều nền văn hóa khác nhau và tham gia nhiều sự kiện. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với trẻ em địa phương. Ban đầu, bọn trẻ còn lạ, chỉ đứng nhìn xa nhìn lại. Sau thì quen dần, gặp tôi từ xa chúng đã reo lên và chia sẻ đủ thứ chuyện.

Tôi thương những người phụ nữ và trẻ em ở đây. Hầu hết các tổ chức quốc tế đều có các hoạt động hướng tới trẻ em và phụ nữ, nhưng để thay đổi được hoàn cảnh sống của họ thì còn là một hành trình dài. Không biết bao giờ họ mới không phải đối mặt với nạn đói, được khám bệnh và tất cả bọn trẻ được đến trường. Mỗi lần gặp người dân địa phương, tôi đều cảm nhận được khát vọng hoà bình luôn là điều mà họ hướng tới", trong câu nói của chị xuất phát từ một tâm hồn nhạy cảm và ấm áp.

Câu chuyện giữa chúng tôi còn có một chủ đề thú vị, đó là đất nước Việt Nam. Là bởi khi còn học ở Trung Quốc, chị Bolor Erdene đã có 3 tuần du lịch đến Việt Nam. Chị kể: "Đó là chuyến du lịch một mình dài nhất của tôi. Tôi đã đặt chân tới thủ đô Hà Nội, rảo bước qua những con phố cổ. Tôi thực sự rất thích đồ ăn Việt Nam và con người Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ hương vị cà phê khi tôi đến thành phố Hồ Chí Minh, hương vị của đồng lúa khi ở Sa Pa, mùi của biển khi đến Đà Nẵng, hình vẽ những ngọn núi ở Hạ Long trên đồng tiền Việt Nam và cảnh biển Phú Quốc. Khi đến thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tôi hiểu rằng đất nước các bạn đã có một lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm. Tất cả đều khiến tôi thấy yêu mến và ấn tượng".

Tôi thực sự vui và cảm động khi thấy rất chị nhớ về Việt Nam nhiều đến vậy. Tôi vẫn nhớ ánh mắt và nụ cười rất hiền của chị, vẫn thường hỏi thăm chị qua các sĩ quan công an Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại phái bộ. Thời gian này, chị đã hết nhiệm kỳ công tác và trở về quê hương Mông Cổ. Biết đâu một ngày nào đó, tôi sẽ gặp lại chị ở Việt Nam…

Đôi mắt Việt Nam…

Khi đặt chân tới Nam Sudan, tôi biết rằng rất khó để gặp một người Việt Nam ở đây. Bởi ở nơi tận cùng châu Phi này, rất ít người đặt chân tới. Có lẽ người ngoại quốc đến đây đông nhất là nhân viên Liên hợp quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, trong đó có các sĩ quan công an Việt Nam. Nhưng thật bất ngờ, tôi đã gặp một ánh mắt Việt Nam ở Juba.

Sĩ quan truyền thông của cảnh sát phái bộ Bolor Erdene Myatav cùng trẻ em châu Phi.
Sĩ quan truyền thông của cảnh sát phái bộ Bolor Erdene Myatav cùng trẻ em châu Phi.

Đó là khi đoàn công tác của Bộ Công an tới thăm và làm việc với Tổng Tư lệnh Cảnh sát Nam Sudan. Chúng tôi luôn được nhắc nhở rằng, Chính phủ và người dân Nam Sudan ít cởi mở cho phóng viên báo chí tác nghiệp. Bởi thế, phóng viên được quán triệt là không mang theo máy ảnh, máy quay, chỉ được mang duy nhất chiếc điện thoại và sẽ tùy cơ ứng biến để tác nghiệp. Khi xe ôtô chở đoàn vào sân trụ sở, cánh cổng sắt cao lừng lững từ từ đóng lại khiến chúng tôi có cảm giác hơi lo lắng và ngột ngạt. Có lẽ chưa bao giờ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ căng thẳng đến thế.

Xuống xe, đoàn được đón tiếp rất long trọng theo đúng nghi thức của cảnh sát nước chủ nhà. Sau thời gian làm việc chính thức tại phòng họp, chúng tôi có những phút giây trò chuyện, giao lưu với các sĩ quan cảnh sát Nam Sudan. Thật bất ngờ là chính cơ quan cảnh sát Nam Sudan lại cử người quay phim, chụp ảnh cho sự kiện này. Các sĩ quan cảnh sát vây quanh chúng tôi trò chuyện, hỏi han rất sôi nổi. Họ chủ động mời chúng tôi chụp ảnh chung và xin phép phỏng vấn một sĩ quan công an Việt Nam đang gìn giữ hòa bình tại đây. Ở nơi mà chúng tôi tưởng căng thẳng nhất thì cuối cùng lại rất cởi mở. Tổ phóng viên được chụp ảnh, ghi hình buổi làm việc. Đó là một tình huống tác nghiệp thuận lợi ngoài mong đợi.

Bỗng một nữ cảnh sát Nam Sudan tiến lại gần tôi, nở nụ thân thiện. Tôi thoáng thấy biển tên của chị: Dani Mordicai Acnol. "Đây là lần đầu bạn đặt chân tới Nam Sudan đúng không?". "Đúng vậy. Đây là lần đầu tôi đặt chân tới thủ đô Juba bên bờ sông Nile". Chị Dani bỗng chỉ vào đôi mắt: "Bạn có thấy tôi có đôi mắt rất Việt Nam không?". Trong phút giây ngỡ ngàng, tôi nhìn sâu vào mắt chị, đôi mắt hai mí to tròn, hàng mi dài và cong, khác hoàn toàn với ánh mắt của những phụ nữ Nam Sudan mà tôi được gặp từ lúc đặt chân tới Juba.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, chị Dani hồ hởi: "Bà ngoại của tôi là người Việt Nam. Tôi có đôi mắt giống bà. Tôi từng nghe những câu chuyện Việt Nam và thường tưởng tượng ra đất nước xinh đẹp bên bờ biển Đông. Tiếc rằng tôi chưa bao giờ được đặt chân tới. Nhưng tôi vẫn luôn tự hào rằng có một phần Việt Nam trong tôi. Tôi yêu đôi mắt này, tự hào về đôi mắt này. Tôi luôn mong ngóng gặp được một người Việt Nam ở đây". Nói rồi chị chớp mắt và cười vui vẻ. Không thể diễn tả hết được cảm xúc của tôi lúc đó, vừa ngạc nhiên, vừa xúc động và ấm áp vô cùng.

Bởi những ngày trước đó, những gì nhìn thấy và cảm nhận được luôn khiến tôi dấy lên trong lòng cảm giác khốc liệt và ám ảnh. Vào ban ngày chúng tôi di chuyển tới nhiều địa điểm ở Juba. Tất nhiên là có xe và cảnh sát của Liên hợp quốc chở đi và bảo vệ. Nhưng cứ tối đến là phải nhanh chóng về căn cứ. Bởi cả Phái bộ đều thực hiện lệnh giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để đảm bảo an toàn. Sau 13 năm tuyên bố độc lập, Nam Sudan hiện ra trước mắt tôi với vẻ nghèo nàn. Ở trung tâm thủ đô, tại những con phố đông đúc, lác đác những đoạn đường rải nhựa, phần nhiều vẫn là đường đất bụi mù, có đoạn lầy lội bùn nước, gập ghềnh khó đi. Ven đường, những căn nhà đất lợp lá hiện ra, người dân ngồi đập đá thành từng viên nhỏ rồi đem bán để làm vật liệu xây dựng, có người bán than củi hoặc chăn thả gia súc.

Chúng tôi bắt đầu nhìn thấy súng ống, những băng đạn dài, những gương mặt rất dữ tợn trên chiếc ôtô hầm hố lao ầm ầm trên đường. Bởi thế, một cảm giác nóng, ngột ngạt về mọi nghĩa luôn bao trùm. Chỉ đến khi tôi bắt gặp ánh mắt và nụ cười của nữ sĩ quan cảnh sát Dani, tôi mới thấy cảm giác thật ấm áp. Dù rất muốn muốn chụp cùng chị một tấm ảnh kỉ niệm, nhưng tôi không dám mở lời.

Nhưng lại một bất ngờ nữa khi chị Dani đề nghị: "Chúng ta phải chụp với nhau một tấm ảnh kỉ niệm chứ nhỉ". Và chúng tôi đã có chung tấm ảnh ngay tại phòng làm việc của chị. Tôi hẹn chị một ngày không xa tới thăm Việt Nam. Chị nắm tay tôi và gật đầu. Tôi chỉ tiếc rằng do lịch trình dày đặc của đoàn công tác mà tôi không có thời gian để có thể trò chuyện lâu hơn cùng chị, để hiểu thêm về đôi mắt Việt Nam ấy…

Theo Thái Hưng (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.