Việc làm xanh: 'Chìa khóa vàng' để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dưới góc nhìn của các chuyên gia tư vấn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), việc làm xanh không đơn thuần chỉ là thay đổi cách làm việc mà còn là một yếu tố quan trọng trong 'cuộc cách mạng' chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Từ truyền thống đến đổi mới

Theo ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn ESG, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr.SME, việc làm xanh không phải là một khái niệm mới mà đã xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề từ lâu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn thì việc làm xanh đã trở thành "chìa khóa vàng" để giải quyết vấn đề.

"Việc làm xanh có thể là các nghề nghiệp nhằm giảm thiểu tác động của môi trường từ ngành truyền thống, như nâng cấp công nghệ sản xuất xi măng để giảm khí thải. Nó cũng có thể là các nghề nghiệp tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường hoặc xuất hiện mới đi kèm sự phát triển của công nghệ như sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp", ông Tuấn Anh giải thích.

Nhìn chung, các lĩnh vực có tiềm năng phát triển việc làm xanh là năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, quản lý rác và tái chế rác thải, công nghệ môi trường, thành phố thông minh, nông thôn bền vững.

Hiện nay, trước xu thế toàn cầu chuyển đổi xanh, nếu doanh nghiệp không bắt kịp "chuyến tàu xanh" thì trong tương lai rất khó có cơ hội tăng trưởng.

viec-lam-xanh.jpg
Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn ESG. ẢNH: NVCC

Để "xanh hóa", doanh nghiệp có thể thực hiện từng bước nhỏ và từ từ chuyển đổi. Ví dụ như bắt đầu bằng cách sử dụng nguyên liệu hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ xanh ở một giai đoạn cụ thể trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng và tiết kiệm tài nguyên.

Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp có thể áp dụng các tiêu chuẩn quản lý đơn giản như 5S (phương pháp quản lý từ Nhật Bản, gồm sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, chuẩn hóa và duy trì) để cải thiện hiệu quả hoạt động. Sau khi ổn định, họ có thể chuyển sang sử dụng công nghệ hiện đại, năng lượng tái tạo hoặc đầu tư vào các giải pháp kiểm soát khí thải.

Cuối cùng, khi doanh nghiệp sẵn sàng, họ có thể triển khai các giải pháp "xanh hóa" toàn diện hơn như đầu tư lớn vào trang thiết bị, đổi mới dây chuyền sản xuất và cải tổ toàn bộ hoạt động để phát triển bền vững.

Đối với người lao động, trong xu thế này, cần phải trang bị cho mình một năng lực xanh (gồm tri thức, kỹ năng và tư duy xanh). Trong đó, ngoài các kỹ năng truyền thống như 4C (sáng tạo, truyền thông, phối hợp, tư duy phản biện) thì người lao động cần có tư duy hệ thống, kỹ năng phân tích số liệu và đặc biệt là tri thức về công nghệ, tuần hoàn, phát triển bền vững, xanh và sạch.

Do đó, theo ông Tuấn Anh, để việc làm xanh phát triển bền vững, cần phải bắt đầu từ giáo dục. Các môn học về kỹ năng sống xanh, và phát triển bền vững nên được dạy từ cấp tiểu học. Ví dụ, học sinh cấp 1 có thể thực hành với mô hình Microbit STEAM về nhà thông minh hoặc nông nghiệp xanh để tạo cảm hứng và khát vọng xanh.

Ông nhấn mạnh, ý thức xanh sạch, tiêu dùng xanh và thói quen tái chế cần được hình thành từ nhỏ. Khi thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa của lối sống xanh đối với hiện tại và tương lai, họ sẽ trở thành "người tiêu dùng xanh" và "người thúc đẩy xanh" trong xã hội.

Chuyên gia tư vấn ESG cũng cho rằng, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong hành trình chuyển đổi xanh này, nhất là từ khâu cấp vốn mồi cho các dự án xanh đến việc xây dựng các tiêu chuẩn môi trường. Dẫn chứng câu chuyện thị trường sầu riêng và ủng hộ chính sách cấp "passport" (cấp mã số vùng trồng) cho cây sầu riêng, ông Tuấn Anh cho hay đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò của chính sách, giúp truy xuất nguồn gốc và nâng cao giá trị xuất khẩu chính ngạch.

2vieclamxanh.jpg
Công nhân sản xuất trong nhà máy của Công ty CP dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TP.HCM). ẢNH: THÚY LIỄU

Ngành còn nhiều tiềm năng phát triển

Bà Cao Lê Thanh Loan, Giám đốc cấp cao, dịch vụ khoán việc, cho thuê lại lao động - Convenience miền Nam và dịch vụ tư vấn về nhân sự (ManpowerGroup Việt Nam), đánh giá rằng các doanh nghiệp đang dần chuyển đổi xanh để đáp ứng kỳ vọng của đối tác, người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo "Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc" do ManpowerGroup Việt Nam và Jobs That Make Sense thực hiện vào năm 2024, có 85% người lao động Việt Nam cho biết danh tiếng về trách nhiệm xã hội của một công ty ảnh hưởng đến quyết định nhận việc của họ. Ngoài ra, 64% người mong muốn doanh nghiệp của mình tiên phong thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo bà Loan, nhu cầu "nhân lực xanh" đang rất cao trên thế giới. Khảo sát của ManpowerGroup cho thấy có 70% doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch tuyển dụng "nhân sự xanh". Trong khi đó, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng dự báo chuyển đổi xanh sẽ trở thành yếu tố hàng đầu tạo ra việc làm mới trong 5 năm tới.

3vieclamxanh.jpg
Bà Cao Lê Thanh Loan (ManpowerGroup Việt Nam). ẢNH: NVCC

Hiện nay, Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu của chuyển đổi xanh và kinh tế xanh. Do đó, xu hướng tuyển dụng việc làm xanh mới xuất hiện ở một bộ phận doanh nghiệp (chủ yếu là các công ty đa quốc gia và tập đoàn lớn) và trong tương lai còn nhiều tiềm năng phát triển.

Trong đó, 2 năm qua, nhu cầu nhân lực xanh nhiều nhất nằm ở lĩnh vực sản xuất (33%), sau đó là khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe, công nghệ, năng lượng, giao thông vận tải và logistics.

Từ quan sát các đơn hàng tuyển dụng của ManpowerGroup Việt Nam nhận được trong vòng hai năm trở lại đây cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam có nhu cầu cho các vị trí việc làm xanh. Một số vị trí đã xuất hiện từ trước như nhân viên HSE (giám sát an toàn, sức khỏe và môi trường lao động tại doanh nghiệp), giám đốc CSR (về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), nhưng cũng có nhiều vị trí mới hoàn toàn.

Tuy nhiên, nguồn cung chưa cao. Theo Khảo sát xu hướng tuyển dụng quý 4/2024 của ManpowerGroup tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện có đến 91% doanh nghiệp không có đủ nhân tài cần thiết để đạt được các mục tiêu về ESG. Trước tình trạng thiếu hụt nhân tài xanh, các doanh nghiệp phải triển khai nhiều giải pháp như nâng cao kỹ năng và đào tạo nhân lực hiện có (chiếm tỷ lệ 58% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát), tuyển dụng người mới (44%), bổ sung trách nhiệm ESG vào các vị trí hiện tại (42%) hoặc nhờ cố vấn bên ngoài trợ giúp (31%).

Khi được hỏi liệu việc làm xanh sẽ thay thế các công việc truyền thông hay không thì đại diện ManpowerGroup khẳng định không và cho rằng việc làm xanh sẽ bổ sung thêm các giá trị về phát triển bền vững, giúp mở rộng các ngành nghề hiện tại.

ManpowerGroup cũng gặp khó khăn trong việc thu hút ứng viên vì nhiều người không hiểu rõ các vị trí mới của việc làm xanh là làm gì, cần có kỹ năng gì hay có ý nghĩa như thế nào đối với tổ chức.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc cũng như khảo sát ý kiến của các khách hàng, ManpowerGroup cho rằng việc làm xanh là những công việc không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường mà còn hướng đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra các giá trị bền vững cho cộng đồng.

Do đó, người lao động làm các công việc này không có giới hạn về ngành nghề chuyên môn. Thay vào đó, phải liên tục trau dồi bộ "kỹ năng xanh", cập nhật những công nghệ mới hay xu hướng, mô hình thực hành xanh.

"Chúng tôi cũng khuyến nghị Chính phủ tăng cường đầu tư vào các chương trình giáo dục, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng xanh, tạo hành trang tốt hơn cho người lao động trong nền kinh tế xanh. Đặc biệt, ba bên là quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phải hợp tác chặt chẽ, đào tạo nguồn nhân lực theo sát nhu cầu thực tế của thị trường", bà Loan nhấn mạnh.

Theo Phạm Thu Ngân - Thúy Liễu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null