Lên rừng, xuống biển mưu sinh - Kỳ 2: Những đêm trăn trở giữa rừng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không ít cặp vợ chồng ở Quảng Ngãi gửi con nhỏ cho họ hàng rồi dắt nhau vào rừng sâu ở hàng tháng trời, cần mẫn đốn hạ và lột vỏ keo thuê để kiếm tiền nuôi con.

Nghề cực khổ và nguy hiểm

Mưa lất phất dưới nền trời xám xịt. Khu rừng giáp ranh hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thấp thoáng bóng người. Họ trùm tấm ni lông mỏng quanh người để làm việc trong màn mưa lạnh. Những con đường xe tải chở gỗ hằn sâu vệt bánh, bùn đất nhão nhoẹt trườn lên dốc núi cao, nằm cạnh vực sâu. Tài xế điều khiển xe phải lắm gan lì mới dám vượt qua những cung đường hiểm nguy như thế.

lenrungdd.jpg
Bà con đồng bào Hrê cặm cụi làm việc giữa trời lất phất mưa bay. ẢNH: TRANG THY

"Tay lái giỏi và phải có thần kinh thép mới dám vào rừng chở gỗ keo, chứ người thường chẳng dám chạy đâu. Đường trơn trượt cộng với xe chở nặng nguy hiểm lắm. Lâu lâu có vụ xe tải chở gỗ keo bị lật gây chết người. Tội lắm!", bà Nguyễn Thị Nghĩa (ở xã Phổ Cường, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi), một chủ rừng trồng keo, nói.

Nhân công khai thác keo thuê cho bà Nghĩa là nhóm người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê đến từ H.Ba Tơ (Quảng Ngãi). Hai người đàn ông khỏe mạnh ôm cưa máy hạ cây và cắt thành khúc dài tầm 3 m. Những người còn lại gom cây thành đống rồi cặm cụi lột vỏ. Công việc kéo dài từ sớm tinh mơ đến tận trưa. Họ trở về lán trại lúi húi nấu nướng, ăn vội bữa trưa đạm bạc và nghỉ ngơi giây lát rồi tiếp tục ra rừng làm việc.

Chiều muộn, mọi người cùng nhau gắng sức khiêng, vác gỗ keo chất lên xe tải. Xong xuôi, họ ra khe suối tắm rửa rồi vác thùng nhựa chứa nước nặng trĩu vai trở về lán trại nấu ăn khi ngày dần chuyển sang đêm.

2lenrung.jpg
Lán trại dựng tạm làm nơi trú ngụ giữa rừng. ẢNH: TRANG THY

"Mờ mờ sáng là chúng tôi đã dậy nấu cơm và ăn để ra làm sớm. Trưa, tối cũng tự kiếm củi nấu ăn và tranh thủ nghỉ ngơi để ngày mai còn làm tiếp", anh Phạm Văn Lít (một người trong nhóm khai thác gỗ keo cho bà Nghĩa) nói.

Nhóm của anh Lít một nửa là phụ nữ nhưng vẫn cặm cụi làm việc như nam giới. Họ khiêng những khúc cây to chất thành đống rồi lột lớp vỏ ngoài để lộ thân gỗ trắng tinh. Chốc lát rộ lên tràng cười vui vẻ làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn.

"Làm nghề khai thác keo nặng nhọc lắm nhưng ở nhà thì không có tiền. Vậy nên cả vợ chồng cùng đi. Nhiều gia đình có con lớn nghỉ học rồi cũng theo cha mẹ đi làm luôn. Gặp rừng keo tốt thì mỗi ngày kiếm được hơn 200.000 đồng. Nếu rừng keo xấu, không có sản lượng thì số tiền kiếm được ít hơn", một phụ nữ cho biết.

Hơn 15 năm khai thác gỗ keo thuê, anh Phạm Văn Thủy rong ruổi qua những nẻo đường rừng 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Khi làm thuê cách nhà trên dưới 20 km, vợ chồng anh thường đi về trong ngày. 2 con nhỏ gửi cho người chị gái đón đưa đến trường. Tầm 2 giờ sáng, vợ chồng anh Thủy thức dậy nấu nướng rồi ăn vội bữa sáng trước khi rời nhà. Trưa, hai vợ chồng mở gói cơm mang theo ăn qua bữa rồi tiếp tục làm việc. Sau khi chất gỗ lên xe vào chiều muộn, anh chị vượt đường rừng trở về bên hai con trong đêm tối mịt mùng.

Những khi làm xa, việc đón đưa, chăm sóc con cái đành phó thác cho người chị gái ở quê. Nhiều đêm trăn trở giữa rừng sâu, vợ anh nhớ thương con đến cháy lòng nhưng vẫn mím môi chịu đựng để khỏi bật ra tiếng khóc. Vào dịp hè, vợ chồng anh Thủy cùng những người làm chung đưa con vào rừng cho vơi nỗi nhớ thương khi xa cách. Cha mẹ cần mẫn cưa hạ, lột vỏ keo ngoài rừng thì chúng tụm lại bên lán trại chơi đùa nói cười líu lo như chim non đón mừng nắng mới.

"Mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm được 400.000 - 500.000 đồng, chưa trừ xăng xe đi lại. Làm nghề khai thác keo khổ cực và nguy hiểm. Nhưng nếu không thì chẳng có việc gì làm để kiếm sống. Mỗi năm mình ở nhà có vài chục ngày thôi anh à! Những bữa đó có ai kêu đi phụ hồ hay làm thuê là mừng lắm", anh Thủy tâm sự.

Nồng ấm tình người

Khai thác keo rất nặng nhọc nên đòi hỏi những người có sức khỏe mới kham nổi công việc. Thế nhưng, trong nhóm có những phụ nữ ốm yếu vẫn mưu sinh giữa rừng. Theo yêu cầu của chủ thuê, mỗi nhóm từ 10 - 30 người khai thác đủ mỗi ngày một vài xe tải gỗ keo để đưa đến nhà máy chế biến dăm gỗ. Những người trẻ, khỏe mạnh tự nguyện đảm đương công việc nặng nhọc, còn phụ nữ được phân công những việc nhẹ hơn. Khoản tiền kiếm được chia đều cho mọi người sau khi trừ chi phí khấu hao máy cưa và xăng, nhớt.

3lenrung.jpg
Lột vỏ keo sau khi cưa hạ. ẢNH: TRANG THY

Tay lái giỏi và phải có thần kinh thép mới dám vào rừng chở gỗ keo, chứ người thường chẳng dám chạy đâu. Đường trơn trượt cộng với xe chở nặng nguy hiểm lắm...

Bà Nguyễn Thị Nghĩa (một chủ rừng trồng keo)

"Mình lớn tuổi rồi nên chỉ làm việc nhẹ thôi. Hằng ngày chỉ lột vỏ keo nhưng không nhanh nhẹn như lúc trẻ nữa. Vậy nhưng vẫn được chia bằng tiền như mọi người trong nhóm. Ở đây đi làm keo chung, nhóm nào cũng như vậy cả, không tính toán thiệt hơn đâu", bà Phạm Thị Bôi nói.

Những chuyến vào rừng lưu trú nhiều ngày, đồng bào dân tộc Hrê mang theo gạo, muối, cá kho mặn, cá khô, mì tôm và gia vị. Họ nấu ăn theo từng bếp vợ chồng hay vài ba người bà con thân thuộc. Do khoảng cách khá xa nên mươi bữa, nửa tháng, một người vượt quãng đường núi gập ghềnh đến chợ mua lương thực, thực phẩm cho các bếp ăn trong nhóm. Vậy nên bữa cơm thường ngày của họ luôn đạm bạc.

4lenrung.jpg
Ông Trần Sơn bày biện lễ vật cúng rừng rồi liên hoan với bà con đồng bào Hrê. ẢNH: TRANG THY

Sau buổi làm việc vất vả, những phụ nữ rảo bộ trong rừng tìm mớ rau dại mang về lán trại nấu canh với nước suối, nêm thêm ít muối và bột ngọt. Nếu nhiều ngày chưa xuống chợ, họ chia nhau hạt muối, muỗng nước mắm và gói mì tôm cuối cùng cho qua bữa. Cuộc sống khổ cực nhưng vẫn rộn rã tiếng cười.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nghĩa sở hữu nhiều rừng nên gắn bó với đồng bào thiểu số khai thác gỗ keo thuê. Ngày đầu tiên khai thác, ông bà bày biện lễ vật ra tấm bạt trải nơi góc rừng rồi thắp hương cúng vái, khấn nguyện. Chồng bà là ông Trần Sơn cầu cho những người khai thác keo thuê được mạnh khỏe, bình an, việc cưa hạ thuận lợi, mong cây đạt sản lượng cao... Hương tàn, bà Nghĩa mang thức ăn đến từng lán trại cho bữa chiều.

Dẫu khoán sản phẩm nhưng vài ba bữa, vợ chồng bà Nghĩa mang đồ ăn, thức uống đến tặng cho các đội thợ. "Bà con khổ mới đi làm như thế nên mình giúp đỡ chút ít để chia sẻ bớt khó khăn. Cứ mươi bữa mới xuống chợ mua thực phẩm nên họ ăn uống đạm bạc lắm. Mình tiếp tế không nhiều nhặn gì nhưng bà con vui lắm. Đấy là nghĩa tình giữa người và người...", bà Nghĩa tâm sự. (còn tiếp)

Theo Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.