Lên rừng, xuống biển mưu sinh - Kỳ 3: Vun vén yêu thương dưới mái trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trời mưa, đường rừng lầy lội, trơn trượt, giáo viên vùng cao xắn quần lội bộ qua dốc núi chênh vênh, rồi ngồi đò vượt suối đến trường. Hành trình gieo chữ của họ lắm nỗi gian truân...

GIEO CHỮ TRÊN NON

Thầy giáo Phạm Quang Nin (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) có 25 năm dạy học ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi). 30 năm trước, ông theo người làng mưu sinh trên những vùng biển xa sau khi tốt nghiệp THPT và từng cùng bạn chài trải qua bao vất vả, đối diện nhiều trận cuồng phong giữa đại dương.

Ông Phạm Quang Nin trao quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trang Thy
Ông Phạm Quang Nin trao quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trang Thy

Sau 5 năm nhọc nhằn trên sóng nước, ông rời biển, lên bờ thi vào Trường CĐ sư phạm Quảng Ngãi (nay là Trường ĐH Phạm Văn Đồng). Cầm bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ông được phân công về dạy tại xã Ba Vinh (H.Ba Tơ). Học sinh hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống vô cùng khốn khó.

Đầu tuần, ông đón nhiều chặng xe đò từ P.Phổ Thạnh lên gần trung tâm H.Ba Tơ, rồi mang ba lô đựng gạo, mắm, muối, cá khô, mì tôm... cuốc bộ trên đường mòn gập ghềnh sỏi đá len lỏi giữa rừng. Chặng đường thêm gian khó khi phải qua 2 lần đò vượt suối để đến điểm trường lẻ trên non cao.

Những ngày mưa gió, đường rừng lầy lội, trơn trượt, bước đi chực ngã nhưng ông và đồng nghiệp vẫn đến với các học sinh áo quần lam lũ đang ngóng đợi. "Hồi đó cuộc sống của bà con dân tộc khó khăn, học sinh thiếu thốn nhiều thứ. Thương lắm", ông Nin nhớ lại.

Năm sau, ông được điều về dạy tại điểm trường lẻ ở xã Ba Trang (H.Ba Tơ), đi lại cũng vô cùng gian khó. Những cung đường qua dốc núi cheo leo khiến người yếu vía rụt rè e sợ. Nhưng ông vẫn đi, dẫu hiểm nguy chực chờ.

Sau hai buổi đứng lớp sáng - chiều, ông tìm hái rau rừng, lội suối bắt cá, ốc đá... để cải thiện bữa ăn. Nhiều bận mưa kéo dài, không thể về nhà hay đến trung tâm xã mua thực phẩm, các thầy cô dè sẻn từng lon gạo. Mọi người chia nhau chén cháo loãng cho ấm bụng ngày mưa lạnh.

Có những mùa đông, mưa như trút nước làm sạt lở núi, tắc đường, ông Nin cũng như nhiều thầy cô khác phải băng rừng ra trung tâm xã mua thức ăn. Nhiều cơ cực nhưng họ vẫn bám trụ, gắn bó với học sinh trên rẻo cao.

Học sinh Trường THCS Phổ Thạnh hào hứng với những trang sách hay. Ảnh: Trang Thy
Học sinh Trường THCS Phổ Thạnh hào hứng với những trang sách hay. Ảnh: Trang Thy

Sau đó, ông Nin được chuyển công tác đến nhiều trường trên địa bàn H.Ba Tơ, cách nhà từ vài chục đến cả trăm cây số. Từ giáo viên đứng lớp, ông được đề bạt lên hiệu phó rồi hiệu trưởng và hiện là Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ba Khâm. Ông thường nhắc nhở giáo viên phải luôn quan tâm đến học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bận mưu sinh phương xa.

"Nhiều bậc cha mẹ đi xa nhà khai thác gỗ keo thuê hay lên Tây nguyên hái cà phê khi vào mùa. Họ không có điều kiện ở gần con cái để bảo ban, nhắc nhở nên chúng tôi phải quan tâm các em nhiều hơn", ông Nin chia sẻ.

Suốt 24 năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô Lê Hà Bích Nguyệt (ở P.Nguyễn Nghiêm, TX.Đức Phổ), giáo viên Trường tiểu học và THCS Ba Khâm (H.Ba Tơ), đã trải qua bao nhọc nhằn. Vì thương trẻ em đồng bào thiểu số chịu nhiều thiếu thốn, cô quyết bám trụ trên non cao dẫu có thể chuyển về dạy ở gần nhà.

Cô vận động phụ huynh mua điện thoại thông minh, kết nối internet rồi lập nhóm Zalo để thông báo tình hình học tập của các em. Qua đó, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh dễ dàng chia sẻ thông tin liên quan đến việc học của trẻ. Vậy nên không còn cảnh giáo viên trèo đèo lội suối đến tận nhà gặp phụ huynh như trước. Các em ngày càng tiến bộ là sự đền đáp công ơn của cha mẹ và thầy cô gieo chữ trên non cao.

"Thầy cô giáo ở đây cùng chung mục đích là cố gắng dạy cho các em nên người. Do vậy, cán bộ và giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, thương yêu nhau", cô Nguyệt tâm sự.

VẬN ĐỘNG CÁC EM TRỞ LẠI TRƯỜNG

Bao đời, người dân P.Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) sống nhờ vào biển. Thuở biển còn lắm cá nhiều tôm, đời sống cư dân sung túc. Chủ tàu và bạn chài thu bộn tiền khiến người dân trong vùng ồ ạt đầu tư hàng tỉ đồng mua hay đóng mới, cải hoán tàu cá để bám biển dài ngày. Trong đó, nhiều người thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng để sở hữu tàu cá vươn khơi. Thu nhập cao từ đánh bắt hải sản trên biển lôi cuốn trẻ nghỉ học, rời xa mái trường. Thế là giáo viên cùng cán bộ tất tả đến tận nhà vận động các em trở lại trường.

Học sinh Trường THCS Phổ Thạnh tham gia ngày hội sách. Ảnh: Trang Thy
Học sinh Trường THCS Phổ Thạnh tham gia ngày hội sách. Ảnh: Trang Thy

"Tôi có 24 năm công tác ở trường vùng biển, không thể nhớ đã bao nhiêu lần đến nhà vận động học sinh trở lại trường. Tất cả giáo viên nhà trường cùng cán bộ địa phương vào cuộc, vận động các em trở lại lớp. Mình phải ân cần chuyện trò, nắm bắt suy nghĩ của phụ huynh và học sinh để có phương pháp vận động phù hợp", cô Ngô Thị Thanh Sang, Tổng phụ trách đội Trường THCS Phổ Thạnh, cho biết.

Nhiều ngư dân đánh bắt trên các vùng biển xa dăm ba tháng hay cả năm mới về nhà. Khi tàu vào bến, những người vợ bắt xe khách rời quê đến bán hải sản, rồi sắm sửa cho chồng và bạn chài ra khơi. Họ phó mặc việc học hành của con trẻ cho thầy cô giáo. Do thiếu sự quan tâm của cha mẹ cộng với cuộc sống khó khăn nên học sinh dễ bỏ học để tìm việc làm phụ giúp gia đình. Thế là thầy cô giáo và cán bộ địa phương lại ra sức vận động giữ các em ở lại với lớp.

"Tình trạng học sinh bỏ học đỡ hơn trước rất nhiều nhưng gia đình không nhắc nhở nên các em lười học. Vì vậy, cùng với việc dạy kiến thức, thầy cô phải bảo ban mọi việc để các em ngày một trưởng thành. Đối với con em của ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển, thầy cô phải thay cha mẹ giáo dục, theo dõi từng ngày để kịp thời nhắc nhở, động viên, giúp các em ngày càng tiến bộ", ông Võ Tấn Khả, Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Thạnh, tâm sự.

Chuyện học của trẻ luôn được chính quyền, các hội, đoàn thể ở P.Phổ Thạnh đặc biệt quan tâm. Phường tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí trao quà cho học sinh nghèo, khen thưởng cho những em đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Những phần quà thấm đẫm nghĩa tình được trao tặng với lời nhắn nhủ "con ơi ráng học" tiếp thêm nghị lực để các em gắn bó với con chữ.

Anh Đỗ Quang Nghị, Bí thư Đoàn P.Phổ Thạnh, cho biết thêm: "Ban Chấp hành Đoàn phường đang đỡ đầu 7 học sinh với mức hỗ trợ hằng tháng cho mỗi em từ 300.000 - 500.000 đồng, kinh phí từ các nhà hảo tâm đóng góp. Số tiền không lớn nhưng động viên các em nỗ lực vượt khó, góp phần ngăn các em bỏ học".

Theo Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.