Bệnh viện Chợ Rẫy lúc nửa đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày đầu tháng 2.2025, chúng tôi vào Bệnh viện Chợ Rẫy, trải chiếu ngồi dọc hành lang chật chội, thức trắng đêm với người bệnh và thân nhân của họ.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5, TP.HCM), chúng tôi chứng kiến cảnh tượng đau lòng khi nhiều người phải sống tạm bợ, ngủ ngoài trời và chấp nhận mọi khó khăn chỉ để giữ lấy chút hy vọng.

Những người này đang cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn với mong muốn thoát khỏi nguy cơ tử vong. Không khí nơi đây là sự pha trộn giữa nỗi sợ hãi và hy vọng, một thực tế khắc nghiệt mà không ai muốn đối mặt.

Khuôn viên nhỏ ở tầng trệt trại T25 được lưu trú miễn phí
Khuôn viên nhỏ ở tầng trệt trại T25 được lưu trú miễn phí

Đêm ở trại T25 của Bệnh viện Chợ Rẫy, không gian ngột ngạt với những dãy ghế chật kín người, hàng trăm chiếc chiếu nhỏ trải dọc lối đi. Nắng mưa thất thường, nhiều thân nhân than thở "không sớm thì muộn cũng trở thành… bệnh nhân".

Đây là nơi tá túc không tốn phí của thân nhân chờ tin bệnh nhân nặng đang hồi sức cấp cứu hoặc phải cách ly điều trị tại các khoa phòng của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Việc chờ tin người thân cứ thế diễn ra liên tục, kéo dài trong sự mòn mỏi. Xung quanh, những gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm thiếu ngủ, hoặc sưng húp vì khóc quá nhiều. Và không gian sống của mỗi người thu bé lại bằng một manh chiếu mỏng hay bất cứ thứ gì có thể trải ra: bao ni lông, tấm bạt, bìa carton…

Sau cơn mưa lúc chiều tối, tầm 21 giờ, tại khuôn viên nhỏ ở tầng trệt trại T25, nhiều người loay hoay lau dọn "bãi chiến trường" ướt nhẹp để chợp mắt. Bình yên không có mặt, chỉ có những lời cầu nguyện, tiếng thở dài và tâm sự lẫn khuất trong nhốn nháo, hớt hải…

Chạy trời không khỏi… nợ

Càng về khuya, gió càng lạnh. Những thân nhân bệnh nhân ngồi co ro trước cổng bệnh viện. Người thì ngồi ghế, lấy chiếc áo khoác cũ hoặc túi xách làm gối. Người khác vạ vật dưới gốc cây, nép mình bên bức tường loang lổ, hoặc ngồi bó gối trên những bậc thềm chật chội.

"Mời cô bác là thân nhân bệnh nhân…", tiếng loa phát liên tục. Nhiều người lập tức ngẩng đầu lên, căng tai lắng nghe, rồi lại lặng lẽ cúi xuống. Một người phụ nữ chợt giật mình, quay sang hỏi những người bên cạnh: "Ủa, có phải kêu Hà Thị Oanh hông?". Nửa tỉnh nửa mê, chị cuống cuồng xỏ dép, chạy vội.

Trải chiếu nghỉ tạm ở bất kỳ chỗ nào còn trống
Trải chiếu nghỉ tạm ở bất kỳ chỗ nào còn trống

Ở góc khuất, một người đàn ông ngồi bệt xuống sàn, lặng lẽ rít điếu thuốc. Làn khói trắng chậm rãi tan vào màn đêm nặng trĩu.

Thấy tôi lân la hỏi chuyện, ông Nguyễn Văn Dư (60 tuổi, quê Cà Mau) tặc lưỡi, buông giọng chua chát: "Vô đây mới thấm câu cái giường đắt nhất là giường bệnh viện. Giờ tui chỉ cần con tui sống thôi, thực vật cũng được. Ở đây, tui đâu dám ngủ sâu, cứ giật mình vì tiếng còi xe cấp cứu, tiếng loa gọi tên, riết rồi quen luôn".

Giữa lời kể đầy bất lực, chúng tôi nhìn thấy sự mỏi mệt của người cha nghèo, đang đánh cược cả gia tài để giành lại sự sống cho con, dù đôi khi, vẫn không đủ.

Tiếng sột soạt vang lên, vài người trở mình, quạt phe phẩy, đập muỗi, kéo tấm bạt, bìa carton hoặc chiếc áo mưa lên gần kín cổ để giữ ấm. Bệnh viện là thế, ngày oi bức, đêm lạnh, ai chịu không nổi thì tìm chỗ trú, chỉ mong trời mau sáng.

Vợ ông Dư kể: "Cứ chỗ nào trống là tụi tui trải chiếu nghỉ tạm. Mấy bữa nay, tui chạy đi xin cơm từ thiện, ổng ở lại canh đồ. Hôm nào đi trễ, tui về tay không, thì vợ chồng ăn đỡ mì gói".

Những ngày rong ruổi lo cho con, vợ chồng ông Dư thuộc nằm lòng những điểm phát cơm miễn phí. Cơm chay có ở bếp ăn yêu thương, cơm mặn lấy ở cổng số 6. Nghe ai đó nhắc chuyện đăng ký phòng lưu trú, ông Dư xua tay: "Trời! Nghe nói giường trên lầu 2 cũng 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Hai giường tốn cả trăm ngàn, bằng tiền cơm mấy bữa rồi, thôi ráng nằm đất, dành tiền lo cho con".

Thân nhân thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt
Thân nhân thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt

Nhắc đến con trai - Nguyễn Đình Đức (26 tuổi), mắt ông đỏ hoe. Đức rời quê lên TP.HCM học nghề, đi làm công nhân, mỗi tháng gửi tiền về phụ cha mẹ. Mười ngày trước, cậu gặp tai nạn giao thông, xe máy gần như nát vụn, chân dập. Nghe tin, vợ chồng ông tay chân rụng rời, vay mượn khắp nơi, tức tốc đón xe khách lên thành phố.

"Ở quê, hai vợ chồng già bám víu mấy công đất nuôi tôm, trời thương thì có ăn, không thì trắng tay. Mà chỉ mới hơn tuần, mấy chục triệu không cánh mà bay", ông thở dài.

Nhắc đến con, ông Dư không khóc, chỉ cúi đầu, có lẽ vì nước mắt đã cạn. "Ở quê nghèo còn ráng sống qua ngày, ở đây chỉ có tiền mới cầm cự nổi, sớm muộn cũng nợ nần", giọng ông lạc dần giữa màn đêm.

Nhiều người ngủ tạm bợ ở Bệnh viện Chợ Rẫy
Nhiều người ngủ tạm bợ ở Bệnh viện Chợ Rẫy

"Chỉ mong bác sĩ nói còn chữa được"

Gần 23 giờ, chị Trần Hồng Hạnh (39 tuổi, quê An Giang) tỉnh giấc vì tiếng khóc nấc lên, có lẽ người nhà họ không qua khỏi. Đã vài tuần coi đây là nhà, chị không còn giật mình nữa, thay vào đó, nỗi đau thấm dần vào da thịt.

Thấy tôi có mỗi tấm chiếu, chị chia sẻ kinh nghiệm chống chọi với sương đêm. Chị mua một chiếc bao ni lông to, chui vào đó ngủ, bên dưới lót hai lớp chiếu, đắp thêm một chiếc chăn mỏng. "Giống túi ngủ vậy đó, chắn gió, giữ nhiệt tốt hơn bìa carton. Mình phải khỏe thì mới lo cho người thân được!", chị tỉ mỉ hướng dẫn.

Sống ở ranh giới của sự sống và cái chết mong manh, chị Hạnh và những người khổ cực vẫn tìm cách bao dung nhau để bước tiếp.

Những giấc ngủ nhọc nhằn
Những giấc ngủ nhọc nhằn

Cách đây vài tuần, chị Hạnh tốn gần 3 triệu chỉ để thuê xe đưa em gái vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Con số "nặng gánh" với một công nhân may. Hay tin có khu nhà nghỉ miễn phí, chị lập tức dọn vào. Mỗi lần loa bệnh viện vang lên, chị như nắm được "phao cứu sinh". Suốt mấy đêm ròng, nhiều người quen với cảnh chị tất tả khắp nơi hỏi tin em gái đang hôn mê. Em gái chị bị u não.

Chị Hạnh kể ăn cơm từ thiện mỗi ngày hai bữa, nhanh thì còn hộp cơm nóng, còn không phải nhịn tới chiều. Cuối ngày, chị gom quần áo bẩn đi giặt 15.000 đồng một bộ, rồi lại vội vã quay về, sợ lỡ mất thông báo. Tiền bạc chẳng còn bao nhiêu, chị chắt chiu từng đồng để lo viện phí cho em gái, không dám nghĩ đến việc mua thêm ly nước mát.

Nhiều lúc chị Hạnh quên mất ngày tháng, cơn đói và mất ngủ triền miên. Chị với giọng chậm rãi kể như đang lục lại ký ức. Ở đây ai cũng vậy, chỉ mong người nhà sống được thôi, còn mệt mấy, đói mấy cũng ráng chịu.

Ngủ tạm bợ như thế này, hầu hết là người nhà bệnh nhân khó khăn, ở quê lên
Ngủ tạm bợ như thế này, hầu hết là người nhà bệnh nhân khó khăn, ở quê lên

"Lúc đầu, em tui than đau đầu, cứ nghĩ là đau thông thường nên chỉ mua vài viên giảm đau. Sau này, nó kêu đau dữ dội hơn, chóng mặt, buồn nôn. Có hôm đang làm thì ngất xỉu ngay tại chỗ, người ta mới đưa vô bệnh viện tỉnh. Chụp phim xong, bác sĩ nói trong đầu nó có khối u. Trời đất như sập xuống", chị rưng rưng.

Chị siết chặt hai bàn tay, giọng nghẹn đi: "Tui với nó dắt díu nhau lên TP.HCM, chỉ mong bác sĩ nói còn chữa được. Nhưng bệnh viện coi xong rồi bảo mổ hết ca này đến ca khác, tới giờ vẫn chưa tỉnh lại. Nó mới hai mấy tuổi, còn chưa kịp làm gì cho đời đã nằm đây rồi", chị thở dài.

Xung quanh, tiếng loa của Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn vang lên đều đặn, tiếng bước chân người qua lại, những mệt mỏi hòa lẫn vào nhau. Một đêm dài nữa lại trôi qua...

Theo Mỹ Diệp (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null