
Hơn 3 thế kỷ đặt nền cai trị trên cao nguyên, người Chăm đã để lại dấu ấn khá sâu đậm với những di chỉ văn hóa đã từng trường tồn hàng bao thế kỷ qua. Ở Gia Lai, nhiều phế tích và hiện vật được các nhà nghiên cứu đánh giá là có vai trò quan trọng, đại diện cho văn hóa Champa ở Tây Nguyên.
Đầu năm 2025, sau gần 30 năm các phế tích Chăm ở Ayun Pa (vùng Cheo Reo cũ) được công bố, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất của người Jrai Chor để thám sát các di chỉ Chăm mà từ ngày thống nhất đất nước, linh mục Nguyễn Hoàng Sơn về phụ trách Giáo xứ Phú Bổn (1975-1999) đã tìm hiểu và thu thập được một số hiện vật từ những tháp Chăm hoang tàn trên chính mảnh đất ngã ba sông đầy nắng gió này. Ban đầu, những vấn đề gợi mở nghiên cứu về nền văn hóa Champa ở vùng Cheo Reo mà linh mục Nguyễn Hoàng Sơn đề xuất chưa được sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Hàng chục năm sau, khi tháp Yang Prong (thần vĩ đại) bên dòng Ea H’leo ở Ea Rok (Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk) được Nhà nước công nhận di tích quốc gia (năm 1991) thì các nhà nghiên cứu văn hóa ở Gia Lai mới để tâm tìm hiểu dấu ấn văn hóa Champa trên vùng đất bazan.

Ngược thời gian, năm 1994, trong một lần đi công tác ở Ayun Pa, chúng tôi gặp linh mục Nguyễn Hoàng Sơn ở nhà thờ Phú Bổn. Qua câu chuyện, ông có trao đổi với chúng tôi về các di tích và hiện vật của tháp Chăm: Yang Mum và Drang Lai (có tài liệu ghi là Dran Glai) trên địa bàn. Ông sở hữu một số viên gạch từ nền tháp cổ nơi đây. Và ông đang vận động giáo dân khi phát hiện những di vật của đền tháp cổ của người Chăm thì đem đến hiến tặng cho nhà thờ để ông cung cấp cho nhà chức trách văn hóa địa phương.
Sau thời gian đó, linh mục Nguyễn Hoàng Sơn có đến gặp chúng tôi ở Tòa soạn Báo Gia Lai để trao đổi thêm một số thông tin về tháp Chăm mà ông đã tìm hiểu được trong tài liệu của một số nhà nghiên cứu người Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Lúc này, vì công việc và không có chuyên môn về văn hóa Champa nên chúng tôi chỉ đưa tin mà không đi vào nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn.
Đến năm 1996, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đã đến khảo sát khu vực của phế tích Chăm ở Ayun Pa với sự giúp đỡ của linh mục Nguyễn Hoàng Sơn. Theo tài liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ, trên tạp chí của Viện năm 1901 đã có nhắc đến 3 di tích Chăm ở vùng Cheo Reo gồm: Yang Mum, Dran Glai và Kuai King. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, lần thứ 2 vào mùa thu năm 1996, chị trở lại nghiên cứu văn hóa Champa ở vùng đất ngã ba sông này cùng với các nhà khoa học và thực tập sinh của Trường Đại học Tổng hợp Osaka, Nhật Bản do Giáo sư Momoki Shiro dẫn đầu.
Trong cuốn “Đến với lịch sử-văn hóa Bắc Tây Nguyên”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân có nói đến tháp Yang Mum với dấu vết còn lại trên thửa đất trồng mì của gia đình ông Phu trên đồi 52 (lúc này thuộc xóm 4, thị trấn Ayun Pa). Bấy giờ còn lại một số mảnh vỡ gạch Chăm cùng nhiều mảnh đá ong. Chị Vân có nhắc đến 2 viên gạch Chăm còn nguyên vẹn mà linh mục Nguyễn Hoàng Sơn nhặt được ở phế tích này đem ra cho xem.

Trước đây, do ít người tiếp cận với tài liệu cũ do các nhà nghiên cứu người Pháp để lại nên thiếu thông tin và khó hình dung được những phế tích này đã từng tồn tại như thế nào và chức năng của nó trong thời kỳ đó là gì? Sau này, qua tài liệu, người ta được biết, tháp Yang Mum do nhà khảo cổ học Henri Parmentier, một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Champa cổ phát hiện vào năm đầu thế kỷ XX trong khu rừng rậm rạp che phủ. Tháp Chăm này được xây dựng trên nền đá ong, có một bia đá khắc chữ còn đọc được và hình thần Shiva cưỡi trên bò Nandi cũng có ghi chữ; trong tháp còn có bức tượng Shiva khác ngồi theo kiểu Ấn Độ. Tháng 3-1904, H.Parmentier có trở lại thăm tháp Yang Mum. Năm 1948, Viện Viễn Đông Bác cổ vẫn lưu giữ hình ảnh tháp Yang Mum khá hoàn hảo. Cũng theo tài liệu của viện nghiên cứu này, ở thời điểm đầu thế kỷ XX, tháp Drang Lai đã là phế tích, chỉ còn lại cái nền đá ong và chồng gạch, nằm cách tháp Yang Mum 4 km về phía Tây (nay thuộc buôn Đê, thị trấn Phú Thiện).
Căn cứ vào các ký tự còn lại, các nhà nghiên cứu người Pháp cho rằng, tháp Drang Lai có từ thế kỷ XV. Nhưng điều này lại mâu thuẫn với sự ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trong chuyến điền dã năm ấy: “Tháp Dran Glai nay còn dấu vết trong nền nhà ông Hà Văn Hồng (70 tuổi) thuộc khu phố 1, thị trấn Ayun Pa… Chúng tôi tìm thấy quanh nhà ông Hồng 9 viên đá ong còn khá nguyên vẹn, trong đó có 2 viên có một cạnh dọc được cắt lõm vào chừng 4 cm để tạo gờ nối với những viên khác… Theo lời ông Hồng thì gia đình ông từ Quy Nhơn lên đây sinh sống năm 1968. Nền nhà hiện nay của ông làm trên chính nền đá ong giống như những viên hiện có trên mặt đất”.
Trong chuyến khảo sát cùng với Giáo sư Momoki Shiro, nhóm nghiên cứu này xác định vị trí tháp Yang Mum nằm ở phía Đông, Dran Glai ở phía Tây, còn Kuai King ở phía Nam tạo thành thế chân kiềng và mỗi đỉnh cách nhau 1 km. Kuai King còn lại với dấu vết của một cái thành, có hào sâu, nằm ở vị trí ở khu đất thuộc khu phố 8, thị trấn Ayun Pa (tức xóm 5, thôn Bình Phú trước đây). Giáo sư M.Shiro cho biết: “Nhận xét bước đầu của tôi là trước đây đã có một cấp chính quyền của người Chăm trên vùng đất này”.
Gần đây, chúng tôi trở lại khảo sát đồi 52 (nay thuộc phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) và gặp ông Ngô Hồng Vũ (65 tuổi). Ông Vũ kể: Ông cùng gia đình từ Quảng Nam lên Phú Bổn từ lâu và định cư ở đây từ năm 1969. Theo ông Vũ, trước năm 1975, nơi này dân cư thưa thớt và là khu vực đóng quân của chế độ cũ cấp tiểu đoàn với 3 lô cốt ở 3 góc, bảo vệ cho khu hành chính tỉnh Phú Bổn (thành lập năm 1962) thuộc chính quyền Sài Gòn, gọi là Đồn 752 (sau này người ta gọi nhầm là đồi 52). Hiện nơi đây còn một hồ chứa nước đúc xi măng khá lớn nằm sát bên nhà dân đã bỏ hoang từ lâu.
Ông Vũ đưa chúng tôi đến khu đất trồng cây bình tinh đang thu hoạch, xung quanh là nhà dân san sát, bên kia hàng rào phía Tây là Trường THPT Lý Thường Kiệt. Diện tích khu đất này ước chừng 200 m2 trước đây là của gia đình ông Phu, khi qua đời thì con trai tên là Phụ sở hữu, nhưng nay đã sang tên cho một chủ đất khác.
Ngày xưa, có một đền tháp sụp đổ, còn lại đống gạch và đá ong, người Kinh gọi là “mộ vua” hay “nền nhà ông vua”; người Jrai nơi đây gọi tháp này là Yă H’Mum (bà chị cả của tù trưởng Chu và được giao việc canh giữ tháp Chăm này). Bởi vậy, người ta gọi tên tháp này là Yang Mum thay vì có tên gọi khác là Yang Mun. Ông Vũ còn cho biết thêm: Trước đây, khi người dân trong vùng chưa lấy đi các di vật (gạch, đá ong, vật liệu xây tháp) thì bên cạnh đó có cây thị rất to bị gãy ngọn và không có quả. Nhiều người dân xung quanh xác nhận là có lấy đá ong và gạch từ phế tích này về làm móng nhà hay các vật dụng khác.
Riêng phế tích Dran Glai, trước đây xác định nằm trên nền nhà ông Hà Văn Hồng thì hiện nay khu vực này thuộc tổ dân phố 3, phường Hòa Bình. Ông Hồng đã mất cách đây vài năm. Ngôi nhà cũ được giao lại cho con gái đầu tên là Hương làm chủ, hiện đang kinh doanh, trên có đề biển hiệu “Câu lạc bộ thể dục nam-nữ fitness”. Đồng thời, phế tích Kuai King ở phía Nam của tháp Yang Mum, trước đây, người ta san ủi làm chợ Hậu Bổn, sau này được trưng dụng xây dựng các công trình công cộng. Hiện không còn dấu vết gì của thành quách xưa.

Năm 1149, sau khi củng cố kinh đô Vijaya (Đồ Bàn), quốc vương Champa đã tiến hành chinh phục vùng Tây Nguyên và đặt đơn vị hành chính là châu Thượng Nguyên.
Hơn 3 thế kỷ đặt nền cai trị các bộ tộc trên cao nguyên, người Chăm đã để lại dấu ấn khá sâu đậm với những di chỉ văn hóa đã từng trường tồn hàng bao thế kỷ qua, dù ngày nay nhiều đền tháp đã chôn vùi theo thời gian nhưng cũng dần dần phát lộ qua các đợt điền dã và khảo cổ từ sau năm 1975. Ở tỉnh Gia Lai, nhiều phế tích và hiện vật thời Champa đã phát lộ khá dày và được các nhà nghiên cứu cho rằng, nó đóng vai trò quan trọng, đại diện cho văn hóa Champa ở Tây Nguyên.
Rất tiếc rằng, thời gian đầu khi các nhà khoa học đã khảo sát và xác lập địa chỉ các di tích Chăm ở Ayun Pa từ sau ngày giải phóng (1975), chúng ta không kịp thời làm hồ sơ và đề nghị chính quyền địa phương quy hoạch các cụm di chỉ văn hóa lịch sử nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, khảo cổ sau này.
