Hẻm 'dữ' hóa lành ở TP.HCM, 'sống hạnh phúc lắm em'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau nhiều năm, con hẻm từng gắn liền với 'ông trùm' Năm Cam khét tiếng một thời đã đổi thay. Không còn dấu vết quá khứ, cuộc sống nơi đây diễn ra bình dị, người dân vẫn miệt mài mưu sinh.

Đầu tháng 3, chạy xe dưới ánh nắng vàng vọt từ trung tâm Q.1, chúng tôi xuôi theo đường Nguyễn Thái Học, băng qua cầu Ông Lãnh để vào địa bàn Q.4. Theo chỉ dẫn, chúng tôi dễ dàng tìm được hẻm 148 Tôn Đản (Q.4, TP.HCM).

Con hẻm từng là “đại bản doanh” của ông trùm Năm Cam khuynh đảo giới giang hồ Sài Gòn thập niên 90.

Hẻm 148 Tôn Đản không quá khác biệt so với các con hẻm khác ở TP.HCM. Hẻm có lối đi nhỏ, nhà cửa san sát nhau; đi sâu vào trong hẻm càng ngoằn ngoèo, nhiều nhánh như mê cung..., khiến người lạ như chúng tôi rất khó để tìm lối ra.

Hẻm 148 Tôn Đản bây giờ đã khác, yên bình hơn
Hẻm 148 Tôn Đản bây giờ đã khác, yên bình hơn

Hẻm “dữ” đã hóa lành

Dừng xe tại một quán nước, chúng tôi gặp bà Mai (77 tuổi), dáng người nhỏ thó, đôi mắt đục mờ. Bà là người từng chứng kiến nhiều sự đổi thay của thời cuộc. Lân la hỏi chuyện, bà rành rọt nhắc về thời hẻm này còn là “đất dữ”.

Bà Mai chép miệng, ánh mắt nhìn xa xăm như nhìn về quá khứ. Bà nhớ như in, hẻm 148 Tôn Đản trước đây có cây cầu cũ, mương nước đọng và sình lầy hôi hám. Xung quanh là các dãy nhà lụp xụp nằm san sát nhau, được lợp bằng mái lá hoặc tôn.

Những năm cuối của thế kỷ trước, hẻm này là nơi sản sinh ra những giang hồ cộm cán, những tay “anh chị” ngang dọc, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là sòng bạc của Năm Cam.

“Hẻm này hồi đó phức tạp lắm, giang hồ vô số kể. Nghe tới hẻm 148 Tôn Đản ai cũng sợ hết. Họ ám ảnh đến nỗi không dám đi chơi khuya ở Q.4 vì sợ người ta trấn lột, giật đồ”, bà Mai nhớ lại.

Bà Mai rành rọt nhắc về thời hẻm này còn là “đất dữ”
Bà Mai rành rọt nhắc về thời hẻm này còn là “đất dữ”

Thắc mắc lý do tại sao hẻm này từng là nơi "trú ngụ" của giang hồ. Người dân giải thích, vì nghèo khó nên túng quẫn mà sản sinh ra trộm cắp, buôn bán ma túy.

Dân ở hẻm này nếu đã tốt sẽ làm ăn lương thiện, còn không sẽ cướp giật. Đó cũng là lý do người đời đồn thổi, trai trong hẻm 148 Tôn Đản khó lấy vợ, gái khó gả chồng xa.

Thấy chúng tôi bàn tán về chuyện ngày xưa, bà Nguyễn Thị Ánh (66 tuổi), người sống ở “hẻm Năm Cam” từ nhỏ cũng xởi lởi góp giọng: “Hồi tôi còn đi học, ở hẻm này toàn trộm cắp, đâm chém hoài. Bây giờ, giang hồ “chìm” hoặc bị bắt hết rồi đâu còn nữa. Tụi nhỏ sau này, có đứa nào biết Năm Cam là ai đâu. Chuyện xưa chỉ là ký ức của gần 30 năm trước rồi”.

Sau nhiều đợt trấn áp của cơ quan chức năng, từ ngày Năm Cam bị bắt, mọi thứ dần yên bình hơn. Hiện, an ninh nghiêm ngặt, công an thường xuyên tuần tra. Điều đó khiến người dân trong hẻm cũng yên tâm hơn về sự “hóa lành” này.

"Nhiều người đến đây mướn nhà lắm, vì khu này ở thịnh. Hồi trước có người mới vào thuê nhà họ bảo sợ khu này, nhưng ở lâu thì thấy bình thường tại dân vui vẻ, hòa đồng", bà Ánh giới thiệu.

Hiện, hẻm 148 Tôn Đản trật tự, an ninh nghiêm ngặt
Hiện, hẻm 148 Tôn Đản trật tự, an ninh nghiêm ngặt

“Sống ở hẻm này hạnh phúc lắm”

Kim đồng hồ chỉ 16 giờ, để ý thấy trẻ con nô đùa trước cửa nhà, người dân tụm năm tụm bảy nói chuyện, nhâm nhi ly cà phê. Trong mỗi câu chuyện của họ là chuyện thời sự, cuộc sống cơm áo, gạo tiền. Còn những câu chuyện của quá khứ, không ai muốn nhắc lại hay để ý tới.

Hỏi hơn nửa thế kỷ sống tại hẻm 148 Tôn Đản, hàng xóm ở đây có giúp đỡ nhau không? Bà Ánh tâm tình nói, nếu gia đình nào gặp hoạn nạn, hàng xóm cũng gom góp tiền lại để giúp đỡ.

Anh Hoàng nói hẻm này mọi người yêu thương, đoàn kết với nhau
Anh Hoàng nói hẻm này mọi người yêu thương, đoàn kết với nhau

Chỉ tay về một ngôi nhà phía trong hẻm, bà Ánh nhớ cách đây vài năm, nhà này nghèo mà có người mất nên hàng xóm kêu gọi rồi xin chỗ mai táng miễn phí cho họ.

“Nghèo nhưng có tình thương giữa người với người. Người ta đồn hẻm này đáng sợ, nhưng mình sống trong môi trường này mình mới biết. Mọi người bình đẳng, hòa đồng và yêu thương nhau lắm”, bà Mai tâm sự.

Đi vào phía trong hẻm, chúng tôi gặp một người đàn ông nằm ngủ gục trên chiếc xe lăn cũ; thân hình gầy guộc, chân tay teo tóp và lộ rõ xương sườn. Đó là anh Nguyễn Trọng Hoàng (41 tuổi), sống ở hẻm 148 Tôn Đản này từ nhỏ.

Kết thân với anh Hoàng, anh kể cách đây chừng 2 năm, trong lúc làm thợ hồ thì không may bị tai nạn và mất khả năng lao động.

“Lúc đó tôi tưởng đơn giản thôi, ai ngờ nó đau từ từ rồi rút người lại, lòi xương ra. Đau nhức dữ lắm, không có đêm nào tôi ngủ được”, anh nghẹn ngào.

Thắc mắc lý do tại sao anh không đi bệnh viện thăm khám... Anh đắng nghẹn: “Tiền đâu đi khám em. Giờ đi bệnh viện tiền triệu chứ không giỡn chơi”.

Anh Hoàng nói hạnh phúc khi được sống trong con hẻm này
Anh Hoàng nói hạnh phúc khi được sống trong con hẻm này

Phòng trọ của anh Hoàng rộng chừng 5 mét vuông nhưng có 3 người sinh sống (anh trai của anh Hoàng, cháu ruột và anh Hoàng). Quanh nhà, đồ đạc treo ngổn ngang khắp nơi; giá thuê 2,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện nước.

Mỗi ngày, anh đi xe lăn quanh khu vực Q.4 và phố Tây Bùi Viện (Q.1) để bán vé số. Mỗi tờ vé số anh lãi được 1.000 đồng. Anh thường chi tiêu dè sẻn để đóng tiền nhà và tiền thuốc men 800.000 đồng/tháng. Còn anh trai anh Hoàng chạy xe ôm để mưu sinh.

“Cha mẹ cũng mất rồi, ở vậy nhiều khi mình buồn. Nhưng nhờ bà con ở đây giúp, mình đỡ đi phần nào", anh Hoàng chia sẻ.

Hướng ánh mắt về nhà đối diện, anh Hoàng nói: “Ở hẻm này hạnh phúc lắm em. Có lần anh không có tiền mua gạo, được nhà này cho gạo ăn. Rồi những lúc anh bệnh không dậy nổi, hàng xóm cũng qua phụ mình dọn dẹp, tắm rửa. Mình thấy hạnh phúc vì người ta đến với mình những lúc mình không có gì”.

Hẻm "đất dữ" Năm Cam chỉ còn là câu chuyện quá khứ
Hẻm "đất dữ" Năm Cam chỉ còn là câu chuyện quá khứ

Hẻm “đất dữ” 148 Tôn Đản nay là một con hẻm bình yên như bao nơi khác ở TP.HCM. Dấu vết của một thời giang hồ đã lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho nhịp sống đời thường.

Đó là tiếng rao hàng, trẻ con nô đùa và tiếng cười vô tư của những con người mộc mạc.

Theo Uyển Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null