Tuổi già mưu sinh: Cụ 'phó nháy' đa tài đầy thăng trầm nhưng đáng ngưỡng mộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Nguyễn Hữu Thành, cựu sinh viên Trường đại học Văn khoa Sài Gòn là người đa tài, đa nghệ, hiện mưu sinh với nghề chụp ảnh, quay phim. Cuộc sống của 'cụ phó nháy' đầy thăng trầm nhưng đáng ngưỡng mộ.

Tôi hẹn gặp "phó nháy" Nguyễn Hữu Thành từ trước tết, nhưng lịch trình của cụ kín mít với những buổi chụp ảnh và làm clip cho khách hàng thân quen. Đầu năm, ông Thành gọi tôi đi uống cà phê.

Tại đây, câu chuyện ông kể về mình gợi nhớ đến những ngày tháng sinh động tại Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, nơi ông từng học tập. Và đặc biệt, trải lòng chân thành của ông cho tôi hiểu thêm về cuộc đời của một con người đa tài, dễ thương nhưng lắm thăng trầm.

Cuộc đời lận đận của cụ "phó nháy" đa tài

Không hỏi, ít ai nghĩ ông Thành năm nay đã bước sang hàng tuổi thất thập cổ lai hy. Ông diện áo sơ mi, quần túi hộp, đeo lỉnh kỉnh các "thể loại" máy ảnh, đi xe máy lên uống cà phê với tôi. Chỉ có mái đầu trắng xóa bồng bềnh, còn gương mặt, "bo đì", phong cách thư thái thì trông như trí thức về hưu khá giả và rất phong độ.

"Nhìn vậy, nhưng cuộc đời tôi lận đận lắm", cụ phó nháy 71 tuổi này tâm sự.

Ở tuổi 71, ông Thành vẫn miệt mài chụp ảnh để mưu sinh. ẢNH: QUANG VIÊN
Ở tuổi 71, ông Thành vẫn miệt mài chụp ảnh để mưu sinh. ẢNH: QUANG VIÊN

Kể lại cuộc đời mình cho tôi nghe, mới hay ông là người đa nghệ, đa tài nhưng số phận lao đao. Ông vốn là sinh viên Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, cũng từng tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn trước 1975.

Năm 1976, ông Thành làm việc ở Phòng Thời sự, Đài truyền hình TP.HCM. Sau đó làm cán bộ, nhân viên nhiều nơi như Công ty xây lắp hóa chất, Bưu điện TP.HCM, và nhảy cả vào thương trường.

"Làm không thiếu nghề gì nhưng đời mình vẫn 'lên bờ, xuống ruộng' trầy trật mãi", ông Thành trải lòng.

Ông Thành vừa làm ca sĩ kiêm chụp ảnh tại một sự kiện văn nghệ. ẢNH: QUANG VIÊN
Ông Thành vừa làm ca sĩ kiêm chụp ảnh tại một sự kiện văn nghệ. ẢNH: QUANG VIÊN

Thương trường là trải nghiệm cay đắng nhất của cuộc đời ông Thành. Ông không bao giờ quên thời điểm huy động vốn để đầu tư gia công các xe thuốc lá, nước giải khát cho các hãng lớn. Ban đầu công việc này đem về cho ông và người bạn lợi nhuận hơn cả mong đợi, nhưng sau đó việc kinh doanh gặp khó khăn, đẩy ông vào đường cùng.

"Tôi phải bán nhà để trả nợ, thuê nhà để ở, rồi bây giờ sống nhờ nhà con trai chứ không mua nhà nổi", ông tâm sự.

Đa nghệ, nhưng "nghệ" tài hoa của ông Thành chính là giọng hát và chụp ảnh. Những năm còn làm ở cơ quan nhà nước, trong các hội diễn văn nghệ công nhân - viên chức cấp thành phố, hầu hết ông Thành ẵm huy chương vàng. Ông Thành vẫn lưu giữ 5 chứng nhận huy chương vàng đơn ca của một thời vang bóng.

Ông Thành (thứ 2 từ phải sang) tham gia tiết mục văn nghệ Đừng nói tôi già cùng NSND Trần Hiếu và tốp ca nam. ẢNH: QUANG VIÊN
Ông Thành (thứ 2 từ phải sang) tham gia tiết mục văn nghệ Đừng nói tôi già cùng NSND Trần Hiếu và tốp ca nam. ẢNH: QUANG VIÊN

Sau này phải "về hưu non" vì mất sức, nhưng ca hát thì ông Thành vẫn rất sung. Ông tham gia Câu lạc bộ văn nghệ của Hội Cựu chiến binh TP.HCM, Câu lạc bộ văn nghệ sĩ quân đội... Việc ca hát này cũng giúp ông có thêm chút thù lao.

"Tôi tham gia hát nhóm nhạc này nhóm nhạc kia chủ yếu cho vui. Tiền thù lao cho phần biểu diễn của mình chỉ tượng trưng vài trăm ngàn đồng. Có lẽ chỗ được thù lao khá nhất là đoàn nghệ thuật Khúc ban chiều của NSND Trần Hiếu", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, ca hát cũng chỉ nhằm thỏa mãn "máu văn nghệ" là chính. Trong tình cảnh cả hai vợ chồng không có lương hưu hằng tháng, ông Thành phải tìm một cái nghề khác để mưu sinh. Nghề ông chọn là chụp ảnh, quay phim.

"Nhiếp ảnh gia dễ thương nhất Sài Gòn"

Sáng mùng 5 Tết Ất Tỵ, ông Thành rủ tôi theo chân ông đi chụp ảnh cho khách. Khách của ông là nhóm gần chục phụ nữ tuổi hồi xuân quần là áo lượt. "Nhóm này là khách quen. Năm nào vào dịp đầu xuân mấy "nàng" cũng nhờ tôi đi chụp ảnh cho họ", ông kể.

Những phụ nữ này kết tay nghề nhiếp ảnh của "lão Thành" không chỉ vì ông có thể chụp được những bức ảnh đẹp, "dối già" cho họ, mà còn chịu khó hết cỡ để phục vụ đủ loại sắc thái của các chị.

Theo tay nhiếp ảnh hàng lão này, mỗi lứa tuổi có style làm dáng chụp ảnh riêng của mình, nhưng những phụ nữ tuổi hồi xuân họ rất đa phong cách nên phải rất chịu khó chiều họ để họ không… khó chịu.

Ông còn phải chỉ đạo cho họ diễn, thậm chí còn phải biết pha trò để tạo không khí tươi vui nhằm chụp được những bức ảnh sinh động. "Đây là nhiếp ảnh gia dễ thương nhất Sài Gòn", một chị trong nhóm chụp ảnh nhận xét.

Ảnh của ông Thành chụp nhóm phụ nữ là khách hàng thân thuộc. ẢNH: NGUYỄN HỮU THÀNH
Ảnh của ông Thành chụp nhóm phụ nữ là khách hàng thân thuộc. ẢNH: NGUYỄN HỮU THÀNH

Khai máy từ 9 giờ sáng, đến 12 giờ trưa, ông Thành chụp được hơn 200 tấm ảnh cho nhóm phụ nữ này. Thành quả sau 3 giờ "chiều" chị em, cụ ông bá nghệ cũng đút túi được 1 triệu đồng. Có một điều "dễ thương" nữa ở lão thợ ảnh này là không ra giá công đi chụp vì hầu như ông chụp cho toàn bạn bè, khách quen. Vì thế, họ đưa bao nhiêu ông lấy bấy nhiêu. Thậm chí, có khi chỉ nhận một chầu cà phê, ông cũng vui vẻ.

Tuy nhiên, ông Thành vẫn thấy nghề chụp ảnh vẫn là "cần câu" của tuổi già. "Từ tết đến giờ, tôi kiếm được hơn chục triệu đồng. Như vậy cũng đỡ", ông thổ lộ.

Vợ chồng NSND Trần Hiếu qua ống kính của ông Thành. ẢNH: NGUYỄN HỮU THÀNH
Vợ chồng NSND Trần Hiếu qua ống kính của ông Thành. ẢNH: NGUYỄN HỮU THÀNH

Ông Thành cho biết gần như mình bấm máy tấm nào là chắc cú tấm đó nên ảnh không đạt rất ít. Ảnh của ông Thành chụp hầu như để tự nhiên, không phải chỉnh sửa gì nhiều. Đặc biệt, ông không chỉ thuần túy chụp ảnh mà còn kết hợp quay phim để làm clip cho khách hàng.

"Hình anh Thành chụp nó đẹp tự nhiên. Ảnh còn quay lại những thước phim để làm clip nên chúng tôi rất ưng ý", chị Thanh Nhàn (một khách hàng quen thuộc của ông Thành) bày tỏ.

Nghề phó nháy, quay phim giúp ông Thành kiếm được chút ít tiền an dưỡng tuổi già, nhưng đồ hành nghề của ông chỉ là hàng cũ, giá rẻ.

"Tôi dùng chiếc Canon 5D Mark III để chụp và chiếc Canon M50 Mark II để quay. Ngoài ra còn 'thằng nhỏ có võ' nữa là Canon SX730, loại dành cho dân du lịch, đây là loại máy siêu zoom nên tui cũng dùng nó để quay phim phụ. Tất cả 3 chiếc máy này mua hơn 20 triệu đồng chứ mấy", ông Thành cho hay.

Với những chiếc máy ảnh cũ rẻ tiền, nhưng ông Thành vẫn chụp được những tấm ảnh chân dung đẹp. ẢNH: NGUYỄN HỮU THÀNH
Với những chiếc máy ảnh cũ rẻ tiền, nhưng ông Thành vẫn chụp được những tấm ảnh chân dung đẹp. ẢNH: NGUYỄN HỮU THÀNH

Việc quay phim để dựng clip cho khách hàng, ông Thành cũng tự mày mò học. Đưa tôi về căn hộ trong chung cư của người con trai, ông trải lòng: "Tui từng có nhà cửa đàng hoàng, nhưng sa cơ lỡ vận nên giờ về ở nhà của thằng con trai. Nó cũng làm ăn khó khăn nên mình phải bươn chải kiếm sống".

Phòng dựng video clip của ông Nguyễn Hữu Thành. ẢNH: QUANG VIÊN
Phòng dựng video clip của ông Nguyễn Hữu Thành. ẢNH: QUANG VIÊN

Trong căn hộ chung cư diện tích khá nhỏ, ông Thành cũng được bố trí một phòng dựng phim với với 2 máy tính và 1 laptop hỗ trợ công việc.

"Nhìn có vẻ đa phương tiện như vậy, nhưng ngoài chiếc máy tính đời mới khá hiện đại do những người bạn góp tiền mua cho dịp tết này, thì chiếc laptop và chiếc máy tính còn lại đều là hàng cũ rích, cấu hình quá thấp", ông tâm sự.

Khi chưa được bạn bè mua tặng chiếc máy tính đời mới, ông Thành phải vất vả làm các video clip. Nay có máy tính mới, "phó nháy" đa tài, dễ thương này say mê hơn với nghề.

Giới thiệu 2 video clip sự kiện vừa dựng xong trên chiếc máy tính mới, cấu hình khủng, ông Thành hào hứng nói: "Có đồ chơi đẳng cấp, tôi làm quên ăn luôn. Nhưng cũng phải học hỏi thêm để làm ra những clip hay hơn".

Trên Facebook cá nhân Thành Hữu Nguyễn, ông Thành lưu trữ gần 18.000 tấm ảnh được ông chụp từ 2015 đến bây giờ, chủ yếu là ảnh chân dung. Trong đó có nhiều tấm ảnh đời thường của giới văn nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, nhạc sĩ kiêm ca sĩ nhạc phản chiến Miên Đức Thắng (thành viên của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe)...

Theo Thiên Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.