Những người lấy đêm làm ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi nhiều tuyến đường ở TP Đà Nẵng dần thưa vắng xe cộ, ánh đèn trong các ngôi nhà lần lượt tắt thì đâu đó trên những con đường khuya, vẫn có những con người miệt mài làm việc.

Họ là công nhân vệ sinh, người bán hàng rong, lượm ve chai đến tài xế xe công nghệ... tất cả đều âm thầm giữ nhịp sống cho thành phố, vừa để mưu sinh...

Phố sau 0 giờ

Giữa đêm khuya se lạnh, trong tiết trời thất thường của Đà Nẵng những ngày cuối tháng Hai, bà Đinh Thị Vân (53 tuổi) vẫn lặng lẽ dắt chiếc xe đạp - mà bà gọi là “con chiến mã”, rong ruổi khắp phố phường để nhặt ve chai.

Suốt 25 năm qua, công việc này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà, là nguồn thu nhập để nuôi 4 con ăn học và lo toan cho gia đình.

“Sống ở thành phố này, ai cũng phải cố gắng thôi. Ai cũng muốn được yên giấc, tôi cũng vậy, nhưng chỉ cần chịu khó một chút, không lười biếng là hy vọng có thể chăm lo được cuộc sống cho mình và gia đình...”-bà Vân mỉm cười.

Mỗi tối, từ khoảng 18 giờ đến 3 giờ sáng, bà Vân lại bắt đầu hành trình mưu sinh từ căn trọ nhỏ gần bến xe trung tâm thành phố, rong ruổi qua nhiều con đường như Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Châu Trinh… Đến những điểm tập kết rác, đôi tay thô ráp của bà dứt khoát đưa vào thùng, cẩn thận lục tìm từng chai lọ, bìa giấy, nhựa hay những vỏ lon đã bị bỏ đi.

“Mỗi đêm như thế này, tôi kiếm được khoảng 150.000 - 200.000 đồng, tùy vào giá phế liệu. Ngày xưa, tôi chọn làm nghề này vào ban đêm vì thấy dễ kiếm tiền hơn. Ban ngày, rác ít nhưng nhiều người nhặt, cạnh tranh đông lắm, tôi không có cơ hội tranh giành", bà Vân nói rồi nhìn vào đống đồ vừa nhặt được.

2pho.jpg
Nửa đêm bà Vân mới đi nhặt ve chai, phế liệu vì ban ngày “không thể cạnh tranh với người khác”. Ảnh Minh Hiền

Đang dở câu chuyện, bà Vân chợt nhìn thấy xe chở rác từ xa, liền vội vàng gom những bao rác bỏ lại vào thùng để xe kịp thu gom.

Ở một góc đường thuộc quận Liên Chiểu, ông Trần Phú (49 tuổi) cũng đang cần mẫn với gánh trứng lộn đêm, kiếm sống giữa phố phường tĩnh lặng. Gian hàng nhỏ của ông chỉ vỏn vẹn vài chiếc bàn, vài cái ghế cùng một ngọn đèn le lói, đủ soi sáng một góc đường.

Ông Phú kể, có những hôm trứng bán không hết, để lại hôm sau thì không được, mà ăn cũng chẳng nổi vì chỉ cần ngửi mùi thôi đã thấy ngán. Với ông, chỉ cần một ngày bán hết trứng là đã đủ yên tâm để có một giấc ngủ ngon, không vướng bận lo lắng.

Gắn bó với gánh trứng lộn hơn 19 năm, ông Phú cho hay thành phố này có vô vàn điều thú vị, kể cả trong cách ăn trứng. “Người ta buồn hay vui đều tìm đến trứng lộn, xui thì ăn số lẻ, còn may mắn thì chọn số chẵn”, nói rồi ông bật cười.

Mở nắp thùng giữ nhiệt, ông Phú nhanh chóng đếm số trứng còn lại rồi vội vàng đóng nắp để giữ trứng luôn nóng. “Ban ngày ít người mua nên tôi làm thêm công việc khác. Càng về khuya, trứng lộn lại bán chạy hơn. Mỗi tối, tôi bán được khoảng 40-50 trứng, có hôm tận 1 giờ rưỡi sáng mới bắt đầu dọn hàng về", ông nói.

3phoo.jpg
Đà Nẵng sau 0 giờ, cũng là lúc nhiều người mới chính thức bắt đầu guồng quay mưu sinh. Ảnh: Minh Hiền

Cùng cảnh làm đêm, nghe hỏi về những lần thức khuya để chạy ship giao đồ ăn, chàng sinh viên 22 tuổi Lê Hữu Quốc Huy chỉ cười. Huy thừa nhận, công việc ban đêm đôi lúc vất vả, thiếu ngủ, mệt mỏi, nhưng làm lâu rồi cũng dần quen với nhịp sống ấy. Huy bảo, có giai đoạn vì bận học nên không thể bật ứng dụng nhận đơn, tài khoản giao hàng bị khóa vài tháng. Giờ đây, tranh thủ những đêm rảnh rỗi, cậu lại nhận vài đơn để kiếm thêm thu nhập.

Vừa nhìn vào màn hình điện thoại, Huy vừa tâm sự: “Bây giờ có nhiều người làm, nhiều ứng dụng giao hàng hơn nên lượng đơn tôi nhận được ít đi. Nhưng làm ban đêm không chỉ có thu nhập tốt hơn, mà còn giúp tôi cảm nhận một Đà Nẵng rất khác, yên tĩnh, chậm rãi và nhẹ nhàng hơn nhiều so với ban ngày”.

Khi đồng hồ điểm 0 giờ, chàng trai dáng người nhỏ con với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ vẫn tất bật nhận đơn. Mỗi chuyến xe, cậu luôn cẩn thận hoàn thành, giao tận tay khách hàng, bởi hơn ai hết, Huy hiểu rằng đó không chỉ là một đơn hàng, mà còn là sự tin tưởng của mọi người dành cho mình.

Ấp ủ niềm hy vọng

Đêm càng về khuya, cái lạnh càng thấm vào da thịt. Dưới ánh đèn vàng vọt, bà Vân vẫn thoăn thoắt nhặt từng chiếc vỏ lon, tỉ mỉ cho vào bao. Chiếc xe đạp mỗi lúc một nặng hơn, nhưng bà vẫn kiên trì bước tiếp. Bà bảo chỉ khi quá đói, bà mới tranh thủ dừng lại ăn vài chiếc bánh đã chuẩn bị sẵn trong túi áo, rồi lại tiếp tục công việc.

4pho.jpg
Bên gánh vịt lột lúc nửa khuya về sáng, ông Phú vẫn vui vẻ vì công việc này giúp ông nuôi sống gia đình và lo cho các con ăn học. Ảnh: Minh Hiền

Bà tâm sự rằng, những người lượm ve chai ban đêm như bà, lúc đầu thường bị lời ra tiếng vào, chê bai đủ điều, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ dần quen, gắn bó lúc nào không hay. Để rồi, nếu có đêm nào kẹt việc không thể đi làm, bà lại thấy lòng trống trải, thiếu vắng điều gì đó quen thuộc.

Nhiều năm qua, gánh trứng nhỏ của ông Phú không chỉ là chỗ dựa giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn, mà còn chất chứa những câu chuyện về sự cố gắng và hy vọng. Mỗi khi cơn mệt mỏi ập đến, ông lại hớp vội ngụm nước tăng lực treo trên xe máy, cố xua đi cơn buồn ngủ để tiếp tục ngồi chờ những vị khách khuya ghé ăn.

“Bạn tôi hay đùa rằng tôi là người Việt nhưng sinh hoạt theo giờ...Mỹ. Lúc mới vào nghề, tôi còn sợ lạc đường, sợ rơi rớt đồ, nhưng giờ quen dần rồi. Thành phố Đà Nẵng dù vào thời điểm nào cũng đẹp lung linh, xe cộ vẫn tấp nập. Người ta làm việc được thì tại sao tôi lại không?"-chàng trai Quốc Huy tự tin nói.

Tôi hỏi ông Phú liệu ông đã từng dự định mở tiệm để tiện buôn bán ban ngày chưa, ông chỉ cười hiền, lắc đầu rồi đáp chậm rãi: “Mở tiệm cần nhiều vốn lắm, mà tôi thì chỉ đủ lo cho gia đình từng ngày thôi. Tôi cũng chưa quá già, sức khỏe còn tốt, nên cứ còn làm được ngày nào thì ráng làm ngày đó”.

Là một “cú đêm” chính hiệu, Quốc Huy ban ngày là sinh viên năm 4, tối đến lại trở thành chàng trai giao đồ ăn nhanh. Huy tiết lộ, thỉnh thoảng bị khách “bom hàng”, cho "leo cây" hay trì hoãn giờ giấc cũng tức lắm nhưng chẳng thể làm gì. Thế nhưng cũng có hôm khách đặt rồi không lấy mà tặng lại cho cậu, lúc đó vừa ăn vừa mừng vì đỡ tốn tiền bữa tối.

Theo Huy, những lúc vất vả nhất cũng là lúc vui nhất, bởi khi đơn hàng “nổ” liên tục, đồng nghĩa với việc thu nhập của shipper cũng tăng lên. Có những khi khách giục liên hồi, cậu phải vắt chân lên cổ mà chạy, chỉ mong giao hàng đúng giờ để khách không phàn nàn.

Theo MINH HIỀN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.