Người dân Ia Mơr thiếu nước sinh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù mới bước vào đầu mùa khô nhưng nhiều giếng nước tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã bắt đầu cạn nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.
Gần 10 năm chuyển về nơi ở mới ngay tại trung tâm xã, đời sống của người dân làng tái định cư H’Nap trở nên khởi sắc hơn. Tuy nhiên, niềm vui về sự đổi thay này không trọn vẹn vì hễ đến mùa khô, người dân nơi đây lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Dẫn chúng tôi tới giếng nước vừa bị cạn khô, bà Siu Phơ cho hay: Gia đình bà đào chưa tới 3 m thì gặp đá nên không có nước để sử dụng. Gần 10 năm nay, gia đình bà dùng chung giếng nước với gia đình ông Siu Groai. Hai nhà có tới 7 người, nhu cầu sử dụng nước nhiều nhưng giếng chỉ sâu 4 m nên năm nào cũng bị thiếu nước vào mùa khô.
“Mấy ngày này, gia đình mình và nhà Siu Groai phải ra bờ ruộng đào hố lấy nước về sử dụng. Nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh nhưng không còn cách nào khác”-bà Phơ cho hay.
Nhiều năm nay hộ SIu Goai và Siu Phơ dùng chung giếng nước nhưng cứ đầu mùa khô đã phải lấy nước từ bờ ruộng về sử dụng.jpg
Nhiều năm nay, hộ ông Siu Goai và bà Siu Phơ dùng chung giếng nước nhưng cứ đầu mùa khô đã phải lấy nước từ bờ ruộng về sử dụng. Ảnh: Nhật Hào


Tương tự, giếng nước của gia đình anh Siu Minh trở thành cứu cánh cho các hộ dân trong làng kể từ đầu mùa khô. Nhưng gần 1 tuần nay, giếng cạn nước, gia đình anh buộc phải đi lấy nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr về sử dụng. Anh Minh cho biết, cách đây 5 năm, anh thuê thợ từ TP. Pleiku vào xử lý đá và đào sâu thêm 3 m.

“Nhờ vậy, giếng của gia đình tôi không bị cạn nước như các hộ trong làng. Tuy nhiên, nhiều nhà dùng chung nên giếng vẫn không đủ nước. Sắp tới, tôi sẽ đào sâu thêm để có nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và bà con”-anh Minh chia sẻ.

Ông Siu Brum-Phó Trưởng thôn H’Nap-thông tin: Mới đầu mùa khô mà hầu hết giếng của người dân trong làng đã cạn nước. Một số giếng vẫn còn lại ít nước nhưng rất đục không sử dụng được. Bà con phải ra hồ thủy lợi Ia Mơr hoặc đào các hố sâu quanh bờ ruộng để lấy nước về dùng.
“Nếu muốn có nước để sử dụng thì phải khoan giếng sâu hơn 100 m. Song địa hình nơi đây nhiều đá ngầm trong lòng đất nên việc khoan giếng không dễ dàng. Trong khi đó, đời sống của bà con còn khó khăn, kinh phí khoan giếng lại quá cao. Hiện tại, làng được Nhà nước đầu tư một công trình giếng khoan, có hệ thống lọc nước và chúng tôi mong công trình sớm được đưa vào sử dụng để giúp bà con khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô”-ông Brum bày tỏ.
Mới đầu mùa khô nhưng người dân xã Ia Mơr ra đào hố quanh bờ ruộng để lấy nước về sử dụng.jpg
Người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) phải đào hố quanh bờ ruộng để lấy nước về sử dụng. Ảnh: Nhật Hào


Tương tự, những ngày này, người dân làng Klah cũng phải ra bờ ruộng đào hố lấy nước về sử dụng. Ông Rơ Mah Him-Trưởng thôn Klah-chia sẻ: Đến khoảng tháng 2, nước ở các bờ ruộng cũng cạn, người dân phải ra bờ suối lấy nước nhưng nguồn nước ở đây có nguy cơ ô nhiễm.

“Năm 2018, huyện đã đầu tư cho làng Klah và làng Krong 1 công trình giếng khoan. Tuy nhiên, giếng chỉ sử dụng được một thời gian. Sau đó, lượng nước yếu dần, rồi tắt hẳn. Bà con rất mong các cấp chính quyền nhanh chóng hỗ trợ sửa chữa công trình hoặc đầu tư thêm công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn”-ông Him nói.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho hay: Ngoài làng Ring, các làng còn lại của xã đều thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Nguyên nhân là do địa hình nhiều đá ngầm nên việc đào và khoan giếng gặp khó khăn. Các giếng nước trên địa bàn chỉ sâu 4-20 m nên nhanh cạn vào mùa khô.
Để khắc phục khó khăn về nước sinh hoạt, từ các nguồn kinh phí do huyện cấp, xã đã triển khai khoan 10 giếng nước nhưng chỉ có 4 giếng sử dụng được. Tuy nhiên, lượng nước vẫn không đủ cho người dân sử dụng. Cứ tới mùa khô, xã lại đề nghị Đồn Biên phòng Ia Mơr và Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) hỗ trợ nước cho người dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
“Chúng tôi đang triển khai khoan 2 giếng từ nguồn kinh phí do huyện cấp và đang đào ống dẫn nước, lắp đặt hệ thống lọc để cấp cho dân. Thời gian tới, xã sẽ tổ chức thăm dò mạch nước để có hướng sửa chữa các công trình giếng khoan ngừng hoạt động. Tuy nhiên, để cải thiện nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để làm thêm giếng khoan. Đồng thời, xã cũng mong công trình thủy lợi Ia Mơr sớm hoàn thành để đầu tư hệ thống lọc nước cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, bởi nguồn nước nơi đây bị nhiễm vôi không đảm bảo vệ sinh”-Phó Chủ tịch UBND xã thông tin. 
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.