Người dân Gia Lai hân hoan đón chào năm mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hòa chung không khí hân hoan đón chào năm mới 2024, khắp các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn của tỉnh Gia Lai đều rực rỡ cờ hoa, các điểm vui chơi luôn tấp nập du khách. Ai cũng vui mừng, phấn khởi và kỳ vọng vào một năm mới nhiều khởi sắc.

Các điểm vui chơi hút khách

Trong tiết trời se lạnh của phố núi Pleiku, không khí đón chào năm mới khá nhộn nhịp. Các điểm du lịch, quán cà phê, trung tâm thương mại… tấp nập người dân, du khách đến tham quan, mua sắm.

Đặc biệt, các điểm du lịch nổi tiếng như: Biển Hồ, Quảng trường Đại Đoàn Kết, hàng thông trăm tuổi, Biển Hồ chè, chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh... có rất đông người dân, du khách đến thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa và chào đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Du khách chụp ảnh trong không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hà

Du khách chụp ảnh trong không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hà

Dù có con cháu đang sinh sống và làm việc tại Gia Lai nhưng dịp Tết Dương lịch năm nay, bà Nguyễn Thị Lan (phường Đông Hưng, TP. Thanh Hóa) mới lần đầu đặt chân đến Pleiku. Không chỉ được sum vầy bên con cháu dịp đầu năm mới, bà Lan cũng có những trải nghiệm thú vị tại các điểm du lịch hấp dẫn nơi đây.

Bà Lan bộc bạch: “Vốn được nghe, được giới thiệu và xem qua ti vi về cảnh quan hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên nhưng khi được trải nghiệm thực tế, tôi càng thấy thú vị hơn. Tôi rất thích cảnh quan ở trong này, nhất là không khí rất trong lành, thoáng đãng, điểm đến nào cũng rất đẹp, người dân thì hiền hòa và dễ mến”.

Biển Hồ luôn là điểm thu hút du khách của Phố núi Pleiku. Ảnh: Quang Tấn

Biển Hồ luôn là điểm thu hút du khách của Phố núi Pleiku. Ảnh: Quang Tấn

Còn gia đình chị Lê Thị Bảo Thương (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) chọn Gia Lai là điểm đến để chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.

Chị Thương phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi dành trọn 3 ngày nghỉ lễ để trải nghiệm các điểm du lịch thú vị ở Pleiku như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Biển Hồ, chùa Minh Thành, hàng thông trăm tuổi, Biển Hồ chè... Tất cả những nơi chúng tôi đến tham quan đều rất tuyệt vời, cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành.

Đặc biệt, gia đình được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng cũng như trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng đầy lôi cuốn của người dân tộc tại chỗ. Tôi sẽ quay trở lại cũng như giới thiệu cho bạn bè đến Gia Lai để trải nghiệm trong thời gian tới”.

Gia đình chị Thương (đứng thứ 2 từ trái sang) chụp hình lưu niệm tại hàng thông trăm tuổi. Ảnh: Hà Phương

Gia đình chị Thương (đứng thứ 2 từ trái sang) chụp hình lưu niệm tại hàng thông trăm tuổi. Ảnh: Hà Phương

Tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, không khí đón chào năm mới cũng rất rộn ràng. Nhiều gia đình chọn đi du lịch, khám phá những miền đất mới hay dành thời gian quý giá dịp nghỉ lễ để vui chơi cùng nhau.

Chị Văn Thị Lệ Hằng (tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho hay: “Tôi làm nghề makeup, công việc cuối năm rất bận rộn. Kỳ nghỉ Tết Dương lịch là dịp để tôi dành thời gian đưa các con đến khu vui chơi trên địa bàn sau thời gian học tập căng thẳng.

Ngoài ra, chúng tôi cùng thưởng thức hương vị cà phê bên người thân, cùng nhau nấu ăn, tâm sự chuyện gia đình, công việc và chúc nhau năm 2024 nhiều sức khỏe, gặt hái thành công trong công việc, học tập”.

Hầu hết các quán cà phê trên địa bàn thị xã An Khê thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức, quây quần bên bạn bè. Ảnh: Ngọc Minh

Hầu hết các quán cà phê trên địa bàn thị xã An Khê thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức, quây quần bên bạn bè. Ảnh: Ngọc Minh

Dịp nghỉ Tết Dương lịch, các khu vui chơi trên địa bàn thị xã An Khê thu hút đông đảo người dân. Chị Nguyễn Thị Ánh Huyền-nhân viên Khu vui chơi Happy Kids (phường Tây Sơn) chia sẻ: “Happy Kids có 2 khu vui chơi riêng biệt: Tầng trệt với các trò chơi xe điện đụng, bắn cá, tàu lượn; tầng 2 là các trò chơi liên hoàn.

Vì là dịp nghỉ cuối năm nên hầu hết các gia đình đều dành thời gian đưa con cháu đến các khu vui chơi để giải trí. Chính vì vậy, lượng khách đến Happy Kids tăng gấp 3 so với ngày thường”.

Mong ước năm mới đủ đầy, hạnh phúc

Trong không khí hân hoan đón chào năm 2024, mọi người cũng chúc nhau những điều tốt đẹp và ai cùng mong ước năm mới công việc hanh thông, mùa màng bội thu, cuộc sống ngày càng đủ đầy, hạnh phúc.

Chư Don là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pưh. Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, bộ mặt nông thôn ở Chư Don đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Bước sang năm 2024, xã hướng đến mục tiêu đưa làng điểm Thơh Ga B đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy xã Đặng Lê Minh cho biết: “Xã tập trung các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ về sinh kế, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nhà ở… cho người dân làng Thơh Ga B nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Chư Don quyết tâm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, nhất là xây dựng làng Thơh Ga B đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm mới, tôi mong người dân trên địa bàn sản xuất thuận lợi, nông sản được mùa, được giá, đời sống được nâng lên, nông thôn ngày càng khởi sắc”.

Trong 3 ngày của kỳ nghỉ Tết Dương lịch (từ 30-12-2023 đến 1-1-2024), Gia Lai đón khoảng 18,2 ngàn lượt khách. Tổng thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 6 tỷ đồng, tăng 50% so với kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2023. Trong đó, doanh thu nhiều nhất đến từ các cơ sở lưu trú với khoảng 4 tỷ đồng.

Đối với một giáo viên đứng lớp ở xã vùng sâu Pờ Tó (huyện Ia Pa) như thầy Vũ Văn Tùng (buôn Hoai, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) thì dịp nghỉ Tết Dương lịch là thời gian quý giá dành cho gia đình.

Thầy Tùng chia sẻ: Dịp nghỉ lễ năm nay, gia đình có niềm vui lớn khi đón ông ngoại từ quê hương Thanh Hóa vào chơi. Vì vậy, cả nhà đưa ông đi tham quan một số địa điểm nổi tiếng tại thị xã, thưởng thức hương vị cà phê và những món ăn đặc sản của Tây Nguyên. Mọi người đều cảm thấy thư giãn và thoải mái.

“Bước sang năm mới, tôi mong bản thân và gia đình có thật nhiều sức khỏe, công việc thuận lợi, con cái chăm ngoan, học giỏi. Bản thân là giáo viên ở vùng sâu nên tôi hy vọng có thêm thật nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ trò nghèo để con đường đến trường của các em bớt gập ghềnh”-thầy Tùng mong muốn.

Gia đình anh Vũ Văn Tùng (thứ 4 từ trái sang) vui vẻ uống cà phê cùng nhau trong dịp cuối năm. Ảnh: Vũ Chi

Gia đình anh Vũ Văn Tùng (thứ 4 từ trái sang) vui vẻ uống cà phê cùng nhau trong dịp cuối năm. Ảnh: Vũ Chi

Còn với những người nông dân, mặc dù vui lễ nhưng họ vẫn không quên công việc đồng áng. Ông Lê Văn Khang (buôn Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) bộc bạch: “Năm nay, gia đình tôi trồng 2 ha dưa hấu. Hiện dưa đã được 25 ngày nên phải ghim dây đề phòng gió lật, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Ngoài nhân công của gia đình, tôi thuê thêm 4 lao động để làm cho kịp.

Là người nông dân, tôi không mong gì hơn ngoài việc thời tiết thuận lợi, nông sản được mùa, được giá để cuộc sống đỡ vất vả”.

Gia đình ông Lê Văn Khang (buôn Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) tranh thủ ngày cuối năm chăm sóc ruộng dưa hấu của gia đình cho kịp thời vụ. Ảnh: Vũ Chi

Gia đình ông Lê Văn Khang (buôn Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) tranh thủ ngày cuối năm chăm sóc ruộng dưa hấu của gia đình cho kịp thời vụ. Ảnh: Vũ Chi

Còn chị Đinh Thị Ái (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) thì tranh thủ thời gian đi chặt mía thuê để kiếm thêm thu nhập.

Chị chia sẻ: “Mỗi ngày đi chặt mía, tôi có thêm thu nhập 250-350 ngàn đồng, cao hơn so với một số công việc lao động chân tay khác trên địa bàn. Năm mới, tôi mong muốn gia đình có nhiều sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để người nông dân có cuộc sống sung túc, ấm no hơn”.

Có thể bạn quan tâm

Ban Dân tộc tỉnh: Dấu ấn 20 năm

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Dấu ấn 20 năm

(GLO)- Trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã để lại dấu ấn trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.