Miễn học phí THCS là cú hích lớn với giáo dục phổ thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để nâng cao trình độ học vấn tối thiểu cho người dân, hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có VN, chọn phương thức giáo dục bắt buộc và miễn học phí để mọi người được đi học, ít nhất đạt trình độ giáo dục bắt buộc. 


Do nhiều lý do khác nhau, đến nay nước ta mới thực hiện giáo dục phổ cập bắt buộc, miễn học phí 5 năm (cấp tiểu học), trong khi hầu hết các nước đã thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm trở lên, kể cả một số nước nghèo hơn VN.

Phổ cập giáo dục chỉ mang tính vận động

Phổ cập giáo dục ở nước ta khác với giáo dục bắt buộc của các nước, đó là: Phổ cập giáo dục mang tính vận động, không dùng các biện pháp cưỡng bức. Tuy trong luật Phổ cập giáo dục tiểu học 1991, luật Giáo dục 2005 có quy định tiểu học là cấp học bắt buộc nhưng không quy định các biện pháp xử lý khi cha mẹ học sinh (HS) không thực hiện. Ngoài ra, yêu cầu đi học đúng độ tuổi thực hiện từng bước.

 TP.HCM dự kiến sẽ miễn học phí cấp THCS từ năm 2019
TP.HCM dự kiến sẽ miễn học phí cấp THCS từ năm 2019



Chẳng hạn, trước năm 2000, mục tiêu là hầu hết thiếu niên trong độ tuổi 14 đều tốt nghiệp tiểu học và sau năm 2000, mục tiêu là hầu hết trong độ tuổi 11. Việc đánh giá và ghi nhận kết quả là đối với từng đơn vị hành chính, xã, phường, huyện, tỉnh. Đối với xã, phường, thị trấn nếu có từ 80% thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 18 tốt nghiệp THCS trở lên hoặc đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chỉ cần 70% trở lên. Như vậy, có 20% thanh niên trong độ tuổi chưa tốt nghiệp THCS vẫn đạt chuẩn phổ cập.


Chính vì những lý do này mà trong những lần tuyển nghĩa vụ quân sự, có địa phương đã đạt chuẩn phổ cập THCS rồi nhưng vẫn có thanh niên chưa hết trình độ tiểu học.

Miễn học phí cần phải có lộ trình

Chủ trương miễn học phí đối với HS mầm non 5 tuổi và HS bậc THCS, đồng thời sẽ có chính sách hỗ trợ học phí đối với HS ngoài công lập là một chủ trương đầy nhân văn, một chính sách lớn của nhà nước ta đã được khẳng định tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 8.8.2018, nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7.2018. Theo tính toán của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT, một năm cả nước cần 4.700 tỉ đồng, sẽ được cân đối trong khoản ngân sách 20% chi cho giáo dục.

Tuy nhiên, đây là một khoản lớn, đồng thời không thu học phí sẽ khó khăn cho các địa phương và các trường học. Chính vì vậy, cần phải thực hiện theo lộ trình. Những địa phương có điều kiện về nguồn thu ngân sách sẽ thực hiện thí điểm trước, để rút kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Vì vậy, việc TP.HCM đi tiên phong thực hiện miễn học phí là một giải pháp rất cần thiết, cần phải có sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Chính phủ đến các cơ quan truyền thông và dư luận của người dân. Song song với giải pháp thí điểm, Chính phủ cần thành lập Quỹ học phí để hỗ trợ các tỉnh khó khăn thực hiện từng bước chính sách miễn học phí này.

Công bằng hơn khi hỗ trợ cả học sinh ngoài công lập


Kết quả xếp hạng chỉ số HDI (Chỉ số phát triển con người) năm 2015 do Liên Hiệp Quốc công bố ngày 21.3.2017 cho thấy, VN đứng thứ 6 trong 10 nước ASEAN trong khi thu nhập bình quân đầu người năm 2015 VN xếp thứ 7/10 nước, thấp hơn Philippines (2.111 USD so với 2.904 USD).

Có được kết quả này, theo một số chuyên gia là do chính sách hỗ trợ người nghèo VN tốt hơn. Nếu việc miễn học phí đến cấp THCS và việc hỗ trợ học phí đối với HS ngoài công lập trở thành hiện thực thì sẽ tạo ra một cú hích lớn đối với giáo dục phổ thông nước ta. Bởi lúc đó tỷ lệ huy động người dân đi học đúng độ tuổi THCS sẽ tăng lên đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê hiện nay, con số này toàn quốc khoảng 88%, trong khi một số tỉnh ở miền núi phía bắc, Tây nguyên và ĐBSCL ở mức khoảng trên dưới 70%.

Đồng thời, việc hỗ trợ học phí đối với HS ngoài công lập là một chính sách lớn về công bằng trong giáo dục. Nếu có sự hỗ trợ học phí cho HS ngoài công lập thì số trẻ em đi học hệ thống này tăng lên, kéo theo nhiều nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân mở trường, giảm gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước.


Giáo dục bắt buộc, miễn học phí xuất hiện sớm ở VN


Hiến pháp nước VN Dân chủ cộng hòa năm 1946, ở điều 15 quy định: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Đến năm 1959, bản Hiến pháp thứ 2 của VN ra đời (Hiến pháp 1959), điều 33, Hiến pháp 1959 quy định: “Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách”.

Với giáo dục bắt buộc và miễn học phí, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong suốt thời kỳ 1954 - 1975 đã thực hiện một nền giáo dục không học phí đến cấp THPT và kể cả giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Nhờ vậy, mặc dù chiến tranh ác liệt, đời sống người dân rất khó khăn nhưng giáo dục vẫn phát triển và mọi người dân có quyền được tiếp cận giáo dục.

Ông Đỗ Thanh Chất, nhà báo của Thông tấn xã VN từ năm 1972 - 2009, quê Hà Tây, cho biết suốt trong giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Bắc nói riêng và cả nước sau năm 1975 - 1990, đã thực hiện nền giáo dục không học phí. Nhờ vậy, nhiều người đã được đi học, trưởng thành. “Vậy lẽ nào trong thời đại chúng ta, sau 43 năm đất nước hòa bình đổi mới mà vẫn có người còn băn khoăn, không ủng hộ chính sách miễn học phí cấp THCS và miễn phí đối với học sinh mẫu giáo 5 tuổi, trong khi những nước nghèo hơn VN như Campuchia, Cuba, Triều Tiên đã thực hiện được điều này”, ông Chất đặt câu hỏi.

 

Minh Đức (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.