Kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích ở Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở VH-TT và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Định sẽ kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại 145 di tích trên địa bàn tỉnh.

Ngày 14.12, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Di tích tháp Bánh Ít ở Bình Định
Di tích tháp Bánh Ít ở Bình Định

Hiện tỉnh Bình Định có 145 di tích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích theo quy định của luật Di sản văn hóa, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 109 di tích cấp tỉnh.

Theo phân công của UBND tỉnh Bình Định, Sở VH-TT tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra 2 di tích quốc gia đặc biệt (gồm: khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt và tháp Chăm Dương Long), 15 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Định sẽ thành lập đoàn thực hiện kiểm tra trực tiếp tại 124 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn.

Theo đó, trong thời gian từ ngày 1.12.2023 – 15.1.2024, các đơn vị nói trên sẽ kiểm tra, tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định trong năm 2023. Sau đó, các đơn vị tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra gửi về Sở Tài chính tỉnh Bình Định trước ngày 15.2.2024. Sở Tài chính tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định và Bộ Tài chính trước ngày 25.2.2024.

Theo UBND tỉnh Bình Định, thông qua công tác kiểm tra giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng, tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.

Có thể bạn quan tâm