Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Hào |
Tham dự hội thảo ngoài đại diện lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Gia Lai còn có các cơ quan liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đại diện lãnh đạo UBND và Sở TN-MT tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên đất do đó rất cần sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để áp dụng vào đời sống.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Nhật Hào |
Tại hội thảo, đại diện các tỉnh đã báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ tại địa phương;kết quả triển khai, những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm và các giải pháp khắc phục trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo. Đồng thời, tập trung thảo luận 9 nhóm vấn đề trọng tâm về: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất và 4 nội dung có tính đặc trưng của vùng, miền liên quan đến chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS); vấn đề quản lý, sử dụng đất nông lâm trường; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất, phát triển quỹ đất.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nhật Hào |
Báo cáo tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở TN-MT Lương Thanh Bình cho hay: Tại Gia Lai, đến ngày 9-3-2023, Sở TN-MT đã nhận được gần 500 lượt ý kiến. Đa số các ý kiến đều thống nhất về bố cục và kỹ thuật soạn thảo Dự thảo; đồng thời, đóng góp thêm các ý kiến liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất, phát triển quỹ đất; đất nông, lâm trường; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Cụ thể, đối với đất nông, lâm trường, tại điều 122 của Dự thảo quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Điều này được xem là bước “đột phá” về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho địa phương trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, để các quy định pháp luật về quyền sử dụng đất lâm nghiệp đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả thì phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai và các luật liên quan. Trong khi đó, tại Điều 54 Luật Đất đai 2013 lại quy định giao đất không thu tiền đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Quy định này cũng được giữ nguyên trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại khoản 3 Điều 118. Tại Điều 10 trong Dự thảo quy định phân loại đất theo mục đích sử dụng, trong đó có đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thuộc đất lâm nghiệp, nhưng không đưa ra khái niệm về 3 loại đất rừng này. Điều này dẫn đến bất cập trong việc chênh lệch về diện tích đất rừng lâm nghiệp trong quy hoạch đất đai, quy hoạch rừng và cả trong thống kê, chênh lệch về diện tích rừng trồng giữa số liệu thống kê của các ngành ở tất cả các cấp quản lý. Do đó, cần đưa ra khái niệm cụ thể về các loại đất rừng.
Đối với nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất, phát triển quỹ đất: Tại khoản 2 Điều 89, đề nghị quy định cụ thể nội dung “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thì tiêu chí nào để xác định điều kiện tốt hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Việc này cần phải được Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để làm căn cứ cho các cơ quan thực hiện xác định, không để xảy ra tình trạng xác định theo cảm tính dẫn đến sự mất cân bằng giữa các đối tượng, các khu vực có đất bị thu hồi….
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại Dự thảo Luật đất đai nên đưa nội dung giải quyết đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm, hàng năm của địa phương; bổ sung nội dung quy định: Đối với ĐBDTTS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định thì được Nhà nước bố trí tái định cư và xem xét miễn giảm nộp tiền sử dụng đất…
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc chuẩn bị các nội dung phát biểu tại hội thảo, đặc biệt là có nhiều ý kiến được chuẩn bị chu đáo, tổng hợp từ nhiều nguồn để đóng góp tích cực cho cơ quan soạn thảo đó là Bộ TN-MT trong quá trình tổng hợp ý kiến của nhân dân và làm báo cáo tiếp thu giải trình sau này. Thứ trưởng Bộ TN-MT cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31-12-2022 của Chính phủ tại địa phương; khẩn trương lấy ý kiến của nhân dân, trong đó, tập trung liên quan đến thu hồi đất, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm, chính sách đất đai đối với ĐBDTTS, việc xử lý các vấn đề nổi lên trong nhân dân liên quan đến quản lý về đất đai và đặc biệt là các nội dung mang tính đặc trưng của Tây nguyên. Đồng thời, sớm tổng hợp các ý kiến của tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đến ngày 20-3 gửi về Bộ TN-MT để tổng hợp.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu