Hoàng Anh Gia Lai vực dậy sau cái bắt tay của 2 tỷ phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) diễn ra tháng 9-2019 tại TP. Hồ Chí Minh, ông chủ HAGL Đoàn Nguyên Đức và ông chủ THACO Trần Bá Dương một lần nữa siết chặt tay nhau trong niềm hân hoan.

 

Một năm trước, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, 2 tỷ phú này cũng đã siết tay nhau cùng ký kết và công bố kế hoạch hợp tác chiến lược. Theo đó, THACO đầu tư khoảng trên 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) vào lĩnh vực nông nghiệp của HAGL. Đây là thương vụ hợp tác lớn nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán đối với 2 doanh nghiệp trong nước.

Sóng gió đi qua

Tập đoàn HAGL có tổng tài sản 53.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng diện tích hơn 80.000 ha trên lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, tập đoàn này từng bị rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, đối diện với nhiều khó khăn, mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.

Các đại biểu nâng ly chúc mừng kỷ niệm hợp tác chiến lược THACO và HAGL. Ảnh: internet
Các đại biểu nâng ly chúc mừng kỷ niệm hợp tác chiến lược THACO và HAGL. Ảnh: internet
Áp lực vay nợ của HAGL đã giảm đáng kể sau khi liên tục thanh lý các khoản đầu tư và có sự hỗ trợ tài chính từ THACO. Tính đến cuối tháng 9-2019, HAGL vay nợ hơn 14.700 tỷ đồng, giảm 7.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm khoảng 2.900 tỷ đồng và nợ dài hạn giảm gần 4.100 tỷ đồng. 9 tháng năm 2019, HAGL đạt doanh thu thuần 1.480 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1.266 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ ở thời điểm hai bên bắt tay hợp tác: “Tôi xúc động và trân trọng mối quan hệ này vì tới thời điểm này, HAGL như con tàu lớn đang ngập chìm trong nợ nần, chỉ có THACO đồng ý cứu HAGL và cũng chỉ có THACO mới đủ tiềm lực về vốn, công nghệ và quản trị để vực dậy HAGL”. Theo người đứng đầu Tập đoàn HAGL, cái ông cần là tiền và quản trị nhưng phải là quản trị của doanh nghiệp lớn, đã có thành công. Và ông Trần Bá Dương là người có cả hai. Không những thế, ông chủ THACO còn là người sẵn sàng đồng hành cùng HAGL.

Thấu hiểu được những khó khăn cũng như tiềm năng, lợi thế của HAGL và giá trị của tập đoàn này mang lại nên ông Trần Bá Dương không ngần ngại chìa tay về phía bầu Đức. Ông kể: “Có người nói với tôi rằng chúng tôi cứu không nổi HAGL và coi chừng khó khăn của HAGL sẽ làm khó khăn luôn cả THACO. Nhưng là một doanh nhân nên tôi hiểu rất rõ được khát vọng, ý chí và nỗ lực của ông Đoàn Nguyên Đức nói riêng và toàn thể cán bộ, nhân viên HAGL nói chung. Khi đi thị sát những rừng cao su bạt ngàn xanh tươi, những nông trường cây ăn quả rộng lớn, tôi nhận thấy phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ và hơn hết là phải chia sẻ, đồng hành với ông Đoàn Nguyên Đức và HAGL vượt qua khó khăn và phát triển tiếp sự nghiệp của mình với tiềm năng vốn có từ tầm nhìn ban đầu và những thành quả mà phải mất nhiều công sức mới có được”. Cũng theo ông Dương, việc bắt tay này không chỉ giúp vực dậy HAGL mà còn đem đến nhiều cơ hội cho chính THACO.

Ông Đoàn Nguyên Đức phát biểu tại lễ kỷ niệm hợp tác chiến lược THACO và HAGL. Ảnh: internet
Ông Đoàn Nguyên Đức phát biểu tại lễ kỷ niệm hợp tác chiến lược THACO và HAGL. Ảnh: internet



Sau 1 năm bắt tay hợp tác cùng THACO, nhìn nụ cười rạng rỡ trên mặt Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức, mọi người hiểu rằng sóng gió nơi ông đã qua đi. “Khi việc hợp tác mới khởi động, đã có nhiều người hoài nghi về mối quan hệ và những cam kết này nhưng đến nay, HAGL đã cơ bản ổn định và tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp”-ông Đức chia sẻ. Ông cũng cho biết, nhờ nguồn tài chính từ THACO, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế HAGL (công ty thành viên của HAGL) đã chuyển đổi và phát triển vườn cây ăn quả. THACO đã và đang hỗ trợ quy hoạch về thủy lợi, giao thông, kho… và giải pháp cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và thu hoạch cho từng loại cây ăn quả, trước mắt là chuối.

Mũi nhọn chế biến, xuất khẩu trái cây

Doanh nhân Phố núi Pleiku đã chuyển hướng và đang tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây và xem đó là mũi nhọn chủ lực của HAGL. Trước đây không lâu, ông Đoàn Nguyên Đức đã thoái vốn hoàn toàn ở lĩnh vực bất động sản. Ngày 10-12-2019, HAGL quyết định thoái vốn trong lĩnh vực thủy điện để tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp với chủ lực là trồng cây ăn quả. Trước đó, HAGL cũng quyết định thu nhỏ mảng cao su để mở rộng mảng trái cây.

Vườn thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của HAGL. Ảnh: internet
Vườn thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của HAGL. Ảnh: internet

Doanh thu mảng trái cây đã đóng góp trên 50% doanh thu và lợi nhuận của HAGL tính đến cuối năm 2018. Trong 2 năm qua, doanh thu trái cây đạt trên 4.400 tỷ đồng trong tổng số 10.600 tỷ đồng doanh thu của tập đoàn này và tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 56%.



Cùng với nỗ lực tự thân, HAGL nhận được sự hỗ trợ, đồng hành tích cực của THACO. Hơn 1 năm qua, THACO đã nỗ lực thực hiện hơn cả cam kết nhằm đạt được mục tiêu cao nhất mà trước đó đề ra là đưa HAGL trở thành một tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn theo hướng công nghiệp hàng đầu Việt Nam; xây dựng một nền sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp mang tính tích hợp cao và hình thành nền tảng công nghệ số hóa để quản trị... Trong đó, THACO sẽ tiếp tục hỗ trợ HAGL phát triển dự án khu công nghiệp nông nghiệp với diện tích 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng trên 8.100 tỷ đồng. Dự án tập trung vào cây ăn quả và cây lâm nghiệp, phát triển xuyên suốt từ khâu nghiên cứu phát triển giống cây trồng, công nghệ và kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến và phân phối.

Để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ trái cây, THACO sẽ xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm. Nhà máy có tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ giữa năm 2020 với công suất 200.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Trung Đông. Ông Đoàn Nguyên Đức cũng cho biết, năm 2019, doanh nghiệp này đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây tươi và đạt con số 1 triệu tấn vào năm 2021.

 

 ĐẠI DƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp cần nghiên cứu quy định về cơ chế giá, phí truyền tải

Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp cần nghiên cứu quy định về cơ chế giá, phí truyền tải

(GLO)- Thường trực Chính phủ yêu cầu trong quá trình xây dựng nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác.
Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.