HAGL của bầu Đức điển hình cho DN lớn lên nhờ đất đai, tài nguyên địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là điển hình của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế đất đai, tài nguyên của địa phương để trở thành công ty đa ngành nghề.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.
Trân trọng sự hợp tác giữa ông Đoàn Nguyên Đức và Trần Bá Dương
Sáng 19/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, tính từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời tới nay, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những phát triển nhanh chóng. Song phải tới năm 2010, nền kinh tế Việt Nam mới bắt đầu có một số tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn.
Đặc biệt, các tập đoàn từ chủ yếu làm giàu nhờ BĐS, thương mại, chuyển sang làm giàu bằng công nghệ và dịch vụ chất lượng cao, coi trọng chất lượng, hiệu quả và thương hiệu. Một số tập đoàn từ kinh doanh chủ yếu ở trong nước đã đầu tư ra nước ngoài.  
 GS. TSKH Nguyễn Mại phát biểu tại Diễn đàn.
Trong đó, GS. Nguyễn Mại nêu tên Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) như một điển hình của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế đất đai, tài nguyên của địa phương để trở thành công ty đa ngành nghề.
“Từ một nhà sản xuất nội thất nhỏ, HAGL đã mở rộng kinh doanh sang các ngành khác như cao su, tài chính và bóng đá, có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010 và nhanh thứ nhì năm 2011. HAGL còn là tập đoàn tư nhân đi tiên phong trong đầu tư ra nước ngoài khoảng 1 tỷ USD tại Lào, hàng trăm triệu USD tại Myanmar, 100 triệu USD tại Campuchia và hàng chục triệu USD tại Thái Lan”, GS. Nguyễn Mại nói.
HAGL đã trải qua giai đoạn khó khăn do đầu tư quá dàn trải, nợ phải trả lên đến 32.900 tỷ đồng (2015). Năm 2018, HAGL đã cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh thông qua việc hợp tác với Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), được đánh dấu bằng cái bắt tay giữa ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Trần Bá Dương.
Tất cả để tận dụng thế mạnh của hai bên, khi HAGL có quỹ đất 80.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Đồng thời sở hữu đội ngũ cán bộ kỹ sư nông nghiệp hàng nghìn người được đào tạo bài bản. Trong khi đó, Thaco mạnh về tài chính, cơ khí, tự động hoá và quản trị doanh nghiệp.
“Đây là sự hợp tác giữa hai tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam rất đáng được trân trọng”, GS. Nguyễn Mại nhận xét.
Ông Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức.
Tiếp tục nhắc tới Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương. Ông Mại cho rằng, Thaco là điển hình của quá trình phát triển từ một công ty công nghiệp quy mô nhỏ thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành chế tạo, thành lập năm 1997 tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay, Thaco là công ty sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam với Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) gần 600 ha, 23 công ty, nhà máy trực thuộc, cảng biển và Trường Cao đẳng Nghề, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động tại địa phương, đóng góp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho tỉnh Quảng Nam.
Thaco sản xuất - lắp ráp - phân phối, cung ứng dịch vụ bảo trì sửa chữa và phụ tùng ôtô gồm xe thương mại (xe tải và xe bus); xe du lịch các thương hiệu Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), BMW (Đức) với tỉ lệ nội địa hóa từ 16% - 50%, . Hệ thống phân phối gồm 93 showroom và 59 đại lý trên toàn quốc. Số cán bộ, nhân viên của công ty gần 18.000 người (2018).
“Thaco đang mở rộng thị trường trong khu vực ASEAN, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm lựa chọn công nghệ phù hợp, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nền tảng để phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành,  chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp với nguyên tắc 8 chữ T: Tận tâm - Trung Thực - Trí Tuệ - Tự Tin - Tôn Trọng - Trung Tín - Tận Tình - Thuận Tiện”, GS. Nguyễn Mại cung cấp thông tin.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Một doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam khác cũng được ông Mại nhắc tới là VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
“Chỉ sau hơn một năm xây dựng đã cơ bản hoàn thành, đưa vào vận hành vào tháng 2/2019. Một kỹ sư người Đức nhận xét: Một năm trước đây chỉ là bãi bùn lầy, thật không thể tin nhà máy này có thể được xây dựng nhanh chóng như vậy”, GS Nguyễn Mại kể lại.
Đối với cá nhân ông Phạm Nhật Vượng, đây là điển hình của người Việt Nam kinh doanh thành công ở nước ngoài trở về nước đầu tư.
Gần đây, cùng với chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, Vingroup đã ký kết hợp tác với hơn 50 trường Đại học ở Việt Nam với nội dung tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; giảng dạy và chia sẻ tri thức; Vingroup sẽ tiếp nhận khoảng 100 nghìn sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong 10 năm tới.
Ông Mại phân tích: “Hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động thương mại dịch vụ, không chỉ là chỗ dựa tài chính mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp”.
Tuy nhiên, GS. Nguyễn Mại vẫn cho rằng, để các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển, cần chú trọng vào một số vấn đề. Thứ nhất, là hình thành mô hình tập đoàn kinh tế, tập hợp nhiều thành viên, công ty mẹ là hạt nhân liên kết các công ty con. Để tập đoàn mới hình thành nên có cấu trúc đa dạng, cần học tập kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam để khuyến khích phát triển, có chiến lược kinh doanh toàn cầu, có quy mô, có khả năng cạnh tranh.
Thứ hai, tập đoàn kinh tế có thể tạo ra sự độc quyền, Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn, luật chống độc quyền của Mỹ.
Thứ ba, cần phát triển chiến lược thương hiệu để hình thành nhiều tập đoàn có uy tín trong nước và quốc tế.
Thứ tư, cần hỗ trợ tập đoàn tích lũy vốn, cần có nhiều phương thức để huy động vốn, nhà nước cần hoàn thiện thể chế để các doanh nghiệp tư nhân huy động vốn.
Thứ năm, đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực. Tập đoàn kinh tế cần đầu tư cho phát triển công nghệ và nguồn nhân lực để mở rông quy mô và uy tín của doanh nghiệp. Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Áp dụng các chính sách đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ. Xây dựng nhiều trường đào tạo về quản trị để đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thứ sáu, hình thành kinh tế chuỗi. Chuỗi cung ứng xanh thay đổi cách làm việc của các doanh nghiệp, hướng tới công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Đảng và Nhà nước luôn đồng hành, lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Diễn đàn nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện triển khai Cuộc vận động, đồng thời thể hiện quan điểm của Đảng xác định vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như đã nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Đảng và Nhà nước luôn đồng hành, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh khó khăn, vướng mắc và ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân về hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng trên tinh thần mọi cơ chế, chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.
PV (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm