Hỗ trợ người lao động và hộ kinh doanh khó khăn do Covid-19: Khẩn trương, đúng đối tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 8-8 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 
Tiền hỗ trợ đúng lúc
Suốt 15 năm qua, nguồn sống của gia đình bà Nguyễn Thị Thảo (thị trấn Phúc Túc, huyện Krông Pa) phụ thuộc vào quán bún ở vỉa hè đường Hùng Vương. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, địa phương 2 lần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 nên bà phải tạm dừng việc buôn bán. Nguồn thu nhập chính bị gián đoạn khiến cuộc sống gia đình vô cùng chật vật. Ngày 9-8 vừa qua, gia đình bà được nhận số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. “Số tiền trợ cấp này giúp gia đình tôi xoay xở được một thời gian. Lúc này, chỉ có thể cố gắng gói ghém, tằn tiện chi tiêu. Tôi mong dịch bệnh chóng qua để cuộc sống trở lại bình thường”-bà Thảo chia sẻ.
Lao động tự do tại TP. Pleiku trực tiếp đến UBND các xã, phường để nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Đinh Yến
Lao động tự do tại TP. Pleiku trực tiếp đến UBND các xã, phường để nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Đinh Yến
Cầm trên tay số tiền 1,5 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Mỹ (thị xã Ayun Pa) đã ghé vào tiệm tạp hóa mua ngay một bao gạo lớn. Bà nói: “Có gạo là chắc bụng rồi. Nhà có 4 lao động phải nghỉ việc vì dịch bệnh”. Nhiều năm nay, bà Mỹ bán vé số để mưu sinh. Khi bùng phát dịch Covid-19, bà phải ở nhà. Con trai bà cũng tạm nghỉ việc do công ty gặp khó khăn vì dịch bệnh. Hai cô con gái đang làm công nhân ở tỉnh Bình Dương cũng phải trở về nhà để tránh dịch. “Ở nhà không có nguồn thu mà các khoản chi phí thiết yếu hàng ngày vẫn phải có nên chúng tôi lo lắm”-bà Mỹ bộc bạch.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Túc (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng phải ngưng kinh doanh nhà hàng ăn uống. “Thời gian qua, gia đình tôi không có nguồn thu nào. Mới đây, cán bộ đến làm thủ tục hỗ trợ 3 triệu đồng, tôi mừng lắm! Mong dịch bệnh qua mau để cuộc sống trở lại bình thường”-anh Túc cho biết. 
Gấp rút hoàn thành việc hỗ trợ
Đến sáng 12-8, 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có báo cáo tình hình hỗ trợ cho lao động tự do theo Quyết định số 441 của UBND tỉnh. Các đối tượng hỗ trợ đã được các sở, ngành, địa phương lập danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt và có trên 1.300 người nhận được tiền hỗ trợ với tổng số 2,7 tỷ đồng. 
Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa-cho biết: “Từ khi có Quyết định số 441 của UBND tỉnh, đơn vị đã nhanh chóng rà soát, cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với địa phương hướng dẫn người lao động tự do, các chủ hộ kinh doanh làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh. Với phương châm “Hỗ trợ đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng”, tính đến ngày 11-8, huyện Krông Pa đã hỗ trợ cho 451 lao động tự do (1,5 triệu đồng/người) và 29 hộ kinh doanh (3 triệu đồng/hộ)”. Theo ông Hường, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện tiếp tục rà soát và thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời. Đối tượng nào đủ điều kiện theo quy định, sau khi hoàn thiện hồ sơ thì sẽ hỗ trợ ngay.
Cũng đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Lê Phương Minh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku-thông tin: “Đến ngày 10-8, thành phố đã phê duyệt danh sách 147 hộ kinh doanh được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 với tổng số tiền trên 441 triệu đồng. Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp cùng các xã, phường, tổ dân phố lập danh sách, đảm bảo người trong diện được hỗ trợ đều nhận được tiền”. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về một số nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh. Đinh Yến
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì buổi làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về một số nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Đinh Yến
Còn tại thị xã Ayun Pa, tính đến ngày 11-8, địa phương cũng đã có 26 lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh được nhận tiền hỗ trợ theo quy định. Qua thống kê, thị xã có hơn 2.000 người trong diện được hỗ trợ. Thị xã phấn đấu hoàn thành vào ngày 20-8.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người làm nghề tự do, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19 cần được hỗ trợ. “Sở phân công cán bộ hướng dẫn các địa phương làm thủ tục, hồ sơ cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định để hỗ trợ theo hình thức cuốn chiếu. Hồ sơ nào đủ điều kiện là tiến hành hỗ trợ ngay. Chủ trương giao nhóm hỗ trợ, nhất là lao động tự do cho các địa phương triển khai, cân đối ngân sách để tiến hành hỗ trợ là đúng đắn, kịp thời tháo gỡ giúp người dân lúc ngặt nghèo. Các địa phương cam kết hoàn thành việc hỗ trợ vào cuối tháng 8-2021”-bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).