“Hạ hỏa” tiểu thương chợ Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 1-6, huyện Chư Sê tiến hành di dời các quầy bán mặt hàng tươi sống từ chợ trung tâm xuống chợ phía Nam. Trong quá trình di dời đã gặp sự phản ứng từ các hộ kinh doanh, nhất là các hộ có hợp đồng 30 năm tại chợ trung tâm. Lý do chính là họ bị thất thu hơn so với trước.

Tiểu thương không chịu dời chợ vì thua lỗ

Tiểu thương Mai Thị Thu, bán hàng cá tại chợ trung tâm phản ánh: “Người dân chúng tôi sẵn sàng chấp hành việc dãn chợ, nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu cho các hộ kinh doanh có lô, sạp ổn định tại chợ trung tâm tiếp tục ở lại buôn bán. Có dãn chợ thì di dời những hộ bán rong, không có lô, sạp ổn định, những hộ phát sinh mới chứ không nên di dời hết.

 

Một góc chợ phía Nam. Ảnh: H.S
Một góc chợ phía Nam. Ảnh: H.S

Hiện tại, tất cả các hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống đều dời xuống chợ phía Nam, trong những ngày xuống chợ mới hầu hết bị lỗ, có nhiều tiểu thương sau khi xuống chợ phía Nam đã trở lại chợ trung tâm tiếp tục buôn bán”. Cùng ý kiến, tiểu thương Nguyễn Thị Dư, bán hàng cá cho hay: “Tôi là hộ buôn bán tại chợ trung tâm gần 20 năm. Những ngày qua khi xuống chợ phía Nam, mỗi ngày tôi lỗ gần 1 triệu đồng. Mặc dù sạp cá, khu nhà lồng bị dỡ bỏ, xung quanh ngổn ngang rác, thế nhưng vì cuộc sống nên tôi về lại chợ trung tâm kê tạm trên nền sạp cũ tiếp tục bán”.

Phản ứng quyết liệt nhất là những tiểu thương có hợp đồng 30 năm được tiếp tục ở lại chợ trung tâm. Tâm lý e ngại việc di dời chợ sẽ giảm số lượng người đi chợ, việc buôn bán vì thế trở nên ế ẩm, cho nên hầu hết các hộ có hợp đồng 30 năm đã phản đối việc di dời tất cả các hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống xuống chợ phía Nam.

Tiểu thương Nguyễn Văn Thọ, hộ hợp đồng 30 năm phản ánh: “Việc dãn chợ đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc buôn bán của chúng tôi. Trước đây mỗi ngày tôi bán có thể lên đến vài chục triệu đồng thế nhưng từ lúc tiến hành dãn chợ mỗi ngày tôi chỉ bán được vài triệu đồng. Đã là chợ thì phải có tất cả các mặt hàng thì mới có thể buôn bán, giờ tại chợ trung tâm chỉ có mỗi mặt hàng khô, quần áo, giày dép vì thế tất cả các hộ có hợp đồng 30 năm mới phản đối việc di dời tất cả các hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống về chợ phía Nam. Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền cần có chính sách xem xét giải quyết để có điều kiện kinh doanh trong thời gian tới”.

Giải pháp của chính quyền

Hiện tại, chợ trung tâm Chư Sê đã trở nên quá tải, cơ sở hạ tầng xuống cấp, rất dễ xảy ra cháy, nổ (chợ trung tâm xây dựng năm 1992 và đã 3 lần xảy ra cháy-P.V), hệ thống thoát nước tắc nghẽn, vệ sinh môi trường không đảm bảo, hệ thống nhà lồng xuống cấp trầm trọng, nhiều tiểu thương bán tràn ra đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông…

Vì thế, UBND huyện xin chủ trương dãn chợ và đã được UBND tỉnh đồng ý. Công văn ngày 25-4 UBND tỉnh chỉ đạo, UBND huyện cần triển khai công tác tuyên truyền trong việc dãn chợ, các ngành, cơ quan chức năng cần tiến hành các biện pháp để tiến hành dãn chợ vào ngày 1-6.

Trước khi tiến hành dãn chợ, UBND huyện đã họp các hộ kinh doanh để phổ biến chủ trương. Theo đó, đối với các hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống sẽ di dời xuống chợ phía Nam, các hộ có hợp đồng 30 năm tại chợ trung tâm, đã xây dựng ki ốt kiên cố tiếp tục buôn bán tại chợ trung tâm. Chủ trương xây dựng chợ phía Nam thành chợ đầu mối, chợ trung tâm thành chợ bán lẻ. Việc di dời các hộ kinh doanh hàng tươi sống nhằm tạo điều kiện để cải tạo chợ trung tâm, dự kiến sau 2 năm sẽ hoàn thành việc cải tạo chợ, sau đó tất cả các mặt hàng sẽ tái buôn bán tại chợ trung tâm.

Để giải quyết yêu cầu các hộ có hợp đồng 30 năm, UBND huyện đã tiến hành 2 đợt đối thoại với dân vào ngày 1-6 và 8-6. Theo đó, UBND huyện nhất quán chủ trương dãn chợ. UBND huyện cũng đưa ra chính sách: Sau thời gian 2 năm cải tạo sẽ bố trí lại tất cả các mặt hàng tại chợ trung tâm. Những hộ có hợp đồng 30 năm đang bán tại chợ trung tâm sẽ được huyện tạo điều kiện bố trí một lô tại chợ phía Nam để tiến hành buôn bán song song cả hai chợ.

Nếu các hộ hợp đồng 30 năm có nhu cầu có thể trình lên UBND huyện về việc chuyển đổi kinh doanh hoặc cấp phép bổ sung kinh doanh một số mặt hàng mới. Những hộ nào buôn bán thua lỗ có thể làm đơn gửi lên Chi cục Thuế xem xét việc miễn giảm thuế theo quy định pháp luật.

Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Nhóm bất động sản trở thành “công thần” giúp VN-Index đảo chiều, đóng cửa phiên hôm 24/7 lấy lại sắc xanh. Các mã nhỏ, vừa có mức hồi phục tốt hơn nhóm bluechip (vốn hoá lớn). Tuy nhiên, QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo, bước sang phiên thứ 4 liên tiếp giảm sàn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

(GLO)- Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD). Trong đó, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.