Gia Lai: Ưu tiên phát triển các nhóm ngành công nghiệp có lợi thế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Để thúc đẩy công nghiệp phát triển, Gia Lai đang ưu tiên các nhóm ngành công nghiệp có lợi thế và hình thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị.

Những kết quả nổi bật

Sau 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 166-KH/TU, ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (theo Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị) về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lĩnh vực công nghiệp của Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc hình thành các vùng cây trồng theo hướng tập trung tạo điều kiện phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến phát triển nhanh.

Tập đoàn Nafood giới thiệu giống chanh dây mới. Ảnh: Hà Duy
Tập đoàn Nafood giới thiệu giống chanh dây mới. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai cũng đón nhận “làn sóng” đầu tư với một số nhà máy mới đi vào hoạt động và các nhà máy cũ mở rộng, nâng công suất, như: Nhà máy đường An Khê; nhà máy chế biến tinh bột sắn la Pa; nhà máy chế biến tinh bột sắn Vạn Phát; nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng và thức ăn thủy sản và nhà máy phân vi sinh Trường Sinh của Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh; nhà máy chế biến rau củ quả của Công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao; nhà máy sản xuất nước ép hoa quả Quicornac; nhà máy đường tinh luyện RE; nhà máy phân vi sinh Thành Thành Công...

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: “Nhà máy đường An Khê vừa nâng công suất 12.000 tấn mía cây/ngày lên 18.000 tấn mía cây/ngày. Hiện Nhà máy đã phát triển vùng nguyên liệu mía lên gần 30.000 ha trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Đông của tỉnh là Kông Chro, Kbang, Đak Pơ, và thị xã An Khê. Riêng niên vụ 2023-2024, Nhà máy dự kiến ép hơn 2 triệu tấn mía”.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư đã phát huy tác dụng, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp và góp phần thực hiện đạt các mục tiêu Kế hoạch 166-KH/TU và các kế hoạch, chương trình mà Gia Lai đã đề ra. Cụ thể, tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng tăng qua từng năm: năm 2018 đạt 24,41%, năm 2022 đạt 28,68%, năm 2023 đạt 27,38% (riêng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh năm 2018 đạt 18,58%, năm 2022 đạt 22,18%, năm 2023 đạt 21,58%). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 đạt 19.693 tỷ đồng, năm 2022 đạt 28.890 tỷ đồng, năm 2023 đạt 31.620 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2018-2023 tăng 9,76%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2018 đạt 12.659 tỷ đồng; năm 2022 đạt 17.356 tỷ đồng và năm 2023 đạt 19.751,6 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2018-2023 đạt 9,66%. Đối với, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt năm 2018 đạt 6.769 tỷ đồng, năm 2022 đạt 11.236 tỷ đồng, năm 2023 đạt 11.531 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2018-2023 đạt 10,25%.

Việc tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm cho người lao động. Năm 2018, có 885.320 lao động, năm 2022 có 925.241 lao động, năm 2023 có 941.738 lao động; tốc độ tăng bình quân về lao động giai đoạn 2018-2023 đạt 1,24%. Trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2018 có 89.820 lao động, năm 2022 có 112.783 lao động, năm 2023 có 115.251 lao động; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2018-2023 đạt 5,11%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng hàng năm khi năm 2018 chiếm 10,15%, năm 2022 chiếm 12,19% và năm 2023 chiếm 12,24% tổng lao động toàn tỉnh.

Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phúc Plastic (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phúc Plastic (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Anh Quách Công Trung-công nhân Nhà máy sản xuất bao bì Thiên Phúc Plastic (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển của các nhà máy tại Khu Công nghiệp Trà Đa đã giúp rất nhiều công nhân như tôi có việc làm và thu nhập ổn định để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Hiện thu nhập hàng tháng của tôi dao động từ 12-15 triệu đồng, tùy vào công việc có làm tăng ca hay không”.

Thúc đẩy hình thành các cụm công nghiệp

Hiện Gia Lai đã hình thành được 3 khu công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Trà Đa và khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã thu hút 66 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3.622 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.214 lao động, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm đạt hơn 3.318 tỷ đồng. Riêng Khu công nghiệp Nam Pleiku được thành lập năm 2019 với diện tích quy hoạch là 199,55 ha, hiện nhà đầu tư đang triển khai công tác xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích 124 ha để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà máy.

Đối với cụm công nghiệp, Gia Lai có 13 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 466,53 ha; 8 cụm công nghiệp đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng toàn bộ hoặc một phần với tổng vốn đầu tư 184,6 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp trên các địa bàn có điều kiện thuận lợi để thu hút được nhà đầu tư nên có cụm đã được lấp đầy, như: cụm công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku); cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh; cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang; cụm công nghiệp An Khê (thị xã An Khê); cụm công nghiệp Phú An (huyện Đak Pơ); cụm công nghiệp Ia Sao (thị xã Ayun Pa).

Tuyến đường rộng rãi, được đầu tư bài bản vào cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang. Ảnh: Hà Duy

Tuyến đường rộng rãi, được đầu tư bài bản vào cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang. Ảnh: Hà Duy

Đặc biệt, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 20-1-2022 về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030. Để thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 825/CTr-UBND, ngày 28-4-2022 về việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, trong đó, tập trung đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo theo hướng hiện đại, bền vững và ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nguyên-nhiên-vật liệu, thân thiện với môi trường; chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và tự động hóa phục vụ phát triển nông nghiệp tại tỉnh.

Trong 5 năm qua, số lượng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động không ngừng tăng lên, bình quân hằng năm có khoảng 980 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân đạt 8,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Theo ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký Doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư), tốc độ tăng bình quân doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 năm gần đây đạt trên 10%/năm. Thông qua hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng từ 40-45% tổng thu ngân sách nhà nước.

Từ nay đến năm 2045, Gia Lai xác định ngành công nghiệp vẫn là ngành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế của tỉnh. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương nhận định: “Hiện công nghiệp chế biến đang tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, chiếm hơn 61% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, có tác động lan tỏa đến chất lượng và sự ổn định tăng trưởng kinh tế của tỉnh”.

Giám đốc Sở Công thương thông tin thêm, Gia Lai đang có lợi thế rất lớn ở khu vực này, vì vậy, theo kế hoạch, tỉnh đang tiếp tục hình thành các trung tâm phát triển công nghiệp chế biến trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối của vùng, như: khu vực trung tâm (thành phố Pleiku, huyện Đak Đoa, huyện Ia Grai); khu vực phía Đông (thị xã An Khê, huyện Đak Pơ); khu vực phía Đông Nam (thị xã Ayun Pa); khu vực phía Tây (huyện Chư Prông, huyện Đức Cơ) và khu vực huyện Chư Sê là trọng tâm công nghiệp của các huyện trên tuyến Quốc lộ 14.

Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Qua đó hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị trong các lĩnh vực, như: Công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm... theo hướng khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, sinh thái gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu năm 2024 hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Pleiku; đến năm 2030, mở rộng khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh lên 80 ha; hình thành Khu công nghiệp Nam Pleiku 2 với quy mô 150 ha (đến năm 2030 là 70 ha, sau năm 2030 mở rộng 80 ha); hình thành 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.942,16 ha (có 10 cụm công nghiệp theo mô hình cụm công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường).

Đến năm 2030, Gia Lai sẽ mở rộng khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh lên 80 ha. Ảnh: Hà Duy

Đến năm 2030, Gia Lai sẽ mở rộng khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh lên 80 ha. Ảnh: Hà Duy

Đồng thời, phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến, phát triển các vùng chuyên canh tập trung và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; tạo ra các loại hàng hóa có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chú trọng việc xây dựng mã số vùng trồng và quan tâm phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Tiếp tục rà soát, xác định các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo chất lượng, năng suất để phục vụ cho các nhà máy chế biến và đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển năng lượng tái tạo của các địa phương và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng giai đoạn đã được phê duyệt; tổ chức triển khai và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và ổn định sản xuất các dự án hiện có.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.