Gia Lai tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển năng lượng tái tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Gia Lai xác định năng lượng tái tạo là 1 trong 3 mũi nhọn để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng theo hướng bền vững.

Gia Lai có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo rất lớn (thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối). Với vị trí nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, hầu hết các xuất tuyến đường dây 500 kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn nên Gia Lai có vị trí quan trọng của cả nước về truyền tải công suất để hỗ trợ các vùng, miền khi thiếu điện. Đây cũng là yếu tố để Gia Lai thúc đẩy phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Lưới điện nông thôn Gia Lai đang ngày càng hoàn thiện, góp phần hoàn thành tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hà Duy
Lưới điện nông thôn Gia Lai đang ngày càng hoàn thiện, góp phần hoàn thành tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hà Duy

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 88 dự án được quy hoạch, với tổng quy mô công suất 4.332,89 MW và hiện đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 3.250,69 MW (gồm: thủy điện: 2.251,69 MW; điện mặt trời 61 MW; điện gió 808,4 MW; điện sinh khối 129,6 MW). Ngoài ra, Gia Lai có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất là 603,822 MWp.

Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: Việc đầu tư phát triển hệ thống nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Mạng lưới điện truyền tải cũng được đầu tư phát triển đồng bộ, chất lượng điện năng và độ an toàn trong cung cấp điện đều được nâng cao. Đặc biệt, tỷ lệ hộ sử dụng điện, số xã đạt tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới luôn đạt chỉ tiêu đề ra.

Liên quan đến công tác quy hoạch năng lượng trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Quốc Khánh-Trưởng phòng Quản lý Ngành (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: Hiện tỉnh đang tiếp tục rà soát, cập nhật các nội dung của kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII vào trong quy hoạch tỉnh Gia Lai, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Gia Lai nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã có một số “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. Theo ông Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Duy Lộc, một số văn bản quy phạm pháp luật có tính ổn định chưa cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, như quy định về trình tự thủ tục cấp, sửa đổi bổ sung Giấy phép hoạt động điện lực trong giai đoạn 2015-2020 đã thay đổi 6 lần. Các văn bản hướng dẫn dưới luật không quy định cụ thể cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, đầu tư các dự án điện lực, các cơ chế thưởng-phạt về tiến độ và chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ, chất lượng thiết bị công trình không đảm bảo. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc đấu nối vào lưới điện quốc gia, cần có cơ chế để thúc đẩy xã hội hóa.

Dự án Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ảnh: Hà Duy
Dự án Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ảnh: Hà Duy

Liên quan đến các dự án điện mặt trời mái nhà, ông Võ Ngọc Quý-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-chia sẻ: “Hiện các công trình điện mặt trời mái nhà vẫn còn vướng mắc về pháp lý liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, phòng cháy, chữa cháy... Các nội dung quy định về giá bán điện, đấu nối lưới đối với các dự án điện mặt trời tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 1-1-2021 nhưng đến nay chưa có quy định mới, cụ thể về nội dung này”.

Đối với các dự án điện gió, khi triển khai xây dựng và đưa vào vận hành đã phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió. Dù chính quyền địa phương các cấp của tỉnh đã tích cực tổ chức tuyên truyền, giải thích và chủ đầu tư dự án điện gió đã cam kết thực hiện nhưng đến nay vẫn nhưng chưa thể giải quyết, xử lý các vướng mắc trên.

Hệ thống lưới điện tỉnh Gia Lai đa dạng, có khối lượng tương đối lớn với nhiều cấp điện áp khác nhau, trong đó, có 10 xuất tuyến đường dây 500 kV đi qua với tổng chiều dài 352 km; 18 xuất tuyến đường dây 220 kV với chiều dài khoảng 638 km; 12 trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng 2.630 MVA; 24 xuất tuyến đường dây 110 kV với chiều dài khoảng 587 km; 24 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 1.077 MVA; lưới điện nông thôn với 5.242,08 km đường dây trung áp và 5.811 trạm biến áp với tổng công suất 1.579.515 kVA...

Bên cạnh đó, tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, có nêu: “Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh có 435.406 hộ sử dụng điện lưới quốc gia (đạt 99,998%), điều này dẫn đến việc người dân ít có nhu cầu sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Do đó, đến năm 2030 tỉnh Gia Lai sẽ khó hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Được biết, hiện các bộ, ngành Trung ương đang lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan, ngày 22-4-2024, Sở Công Thương đã có văn bản tham gia ý kiến đối với dự thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thăm dự án Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng trong chuyến làm việc tại Gia Lai về Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Hà Duy
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thăm dự án Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng trong chuyến làm việc tại Gia Lai về Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Hà Duy

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến các hạn chế tỉnh đang gặp trong phát triển năng lượng tái tạo thì Gia Lai còn đặc biệt kiến nghị việc nghiên cứu quy định cụ thể đối với nội dung “Việc bồi thường khi thu hồi đất hoặc hỗ trợ khi giảm khả năng sử dụng đất trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn công trình điện được thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai”. Những quy định cụ thể này, nếu được đề ra và thông qua sẽ là cơ sở để Gia Lai triển khai giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.