Gia Lai thành lập 4 tổ công tác tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 270/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách Nhà nước năm 2025.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách Nhà nước năm 2025.

Tổ công tác số 1 do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, kiểm tra các cơ quan: Sở Tài chính, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh; các địa phương: TP. Pleiku, huyện Mang Yang, Đăk Pơ, Kbang và thị xã An Khê.

Tổ công tác số 2 do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, kiểm tra các cơ quan: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trường Cao đẳng Gia Lai; các địa phương: huyện Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ và Đăk Đoa.

1.jpg
Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) kết nối liên vùng giữa các huyện Đak Đoa, Chư Păh với TP. Pleiku. Ảnh: M.P

Tổ công tác số 3 do đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế làm Tổ trưởng, kiểm tra các cơ quan: Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các địa phương: huyện Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện.

Tổ công tác số 4 do đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, kiểm tra các cơ quan: Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Dân tộc và Tôn giáo, các địa phương: huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.

Thành phần tham gia các tổ công tác gồm lãnh đạo các Sở: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Dân tộc và Tôn Giáo và một số cơ quan liên quan. Thành phần cụ thể từng tổ công tác do Tổ trưởng quyết định. Các Giám đốc Sở, thủ trưởng các cơ quan có trách nhiệm tham gia hoặc cử lãnh đạo sở, cán bộ cơ quan tham gia Tổ công tác.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân công Sở Tài chính làm thường trực đoàn công tác số 1, 2; Sở Xây dựng làm thường trực đoàn công tác số 3; Sở Nông nghiệp và Môi trường làm thường trực đoàn công tác số 4. Cơ quan thường trực các Tổ công tác có trách nhiệm giúp Tổ trưởng xây dựng báo cáo chung của Tổ công tác tại buổi kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất, kiến nghị của Tổ công tác sau khi Tổ công tác đã thực hiện kiểm tra.

Các tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra tại một số sở, ban, ngành và địa phương được phân công và có hình thức kiểm tra phù hợp với các sở, địa phương còn lại; xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, làm việc tìm hiểu kỹ thực trạng, xác định rõ các vướng mắc, điểm nghẽn ở cơ sở, thẩm quyền giải quyết; trên cơ sở đó trực tiếp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các vướng mắc hoặc tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Tổ cũng có nhiệm vụ đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Đánh giá việc triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách của từng địa phương, các đơn vị liên quan đánh giá từng khoản thu, sắc thuế; tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công và thu ngân sách Nhà nước tại từng cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.

Các sở, ban, ngành và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo bằng văn bản về tình hình giải ngân, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất (nếu có) trong việc thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 và tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách (đối với các địa phương) trước thứ 5 hàng tuần, gửi các cơ quan Thường trực của tổ công tác và Văn phòng UBND tỉnh. Các cơ quan Thường trực của tổ công tác chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài chính vào thứ 6 hàng tuần.

Các tổ thực hiện báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Chủ tịch UBND tỉnh trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra.

Thời gian kiểm tra từ ngày 10 đến ngày 25 hàng tháng.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B

Gia Lai: Triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B

(GLO)- Sáng 17-4, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khai mạc triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Gia Lai bãi bỏ các quyết định của UBND tỉnh về các chi cục Thủy lợi, Phát triển nông thôn và Bảo vệ Môi trường

Gia Lai bãi bỏ các quyết định của UBND tỉnh về các chi cục Thủy lợi, Phát triển nông thôn và Bảo vệ Môi trường

(GLO)- Ngày 14-4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung ký Quyết định số 196/QĐ-UBND về việc bãi bỏ các quyết định của UBND tỉnh ban hành theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chư Pưh gắn kiểm tra, giám sát với xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chư Pưh gắn kiểm tra, giám sát với xây dựng, chỉnh đốn Đảng

(GLO)- Đảng bộ huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) có 40 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với hơn 1.780 đảng viên. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên.