Gia Lai: Tập trung bình ổn thị trường Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông Phạm Ngọc Dự-Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết: Đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa nhằm phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền. Trên cơ sở dự báo thị trường, ngay từ đầu tháng 11-2018, Sở đã vận động, đôn đốc các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh tham gia dự trữ hàng hóa, đảm bảo về chủng loại, số lượng và chất lượng, không để hiện tượng khan hàng, sốt giá xảy ra...
Ngành Công thương đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bình ổn thị trường giá cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019.
Dự báo sức mua tăng 12-15%
Theo dự báo của Sở Công thương, sức mua hàng hóa trên thị trường dịp Tết Kỷ Hợi sẽ tăng khoảng 12-15% so với các tháng trong năm. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp lại nhận định rằng, thị trường Tết năm nay sẽ không có sự biến động mạnh bởi giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn như: hồ tiêu, cà phê, cao su, chè… liên tục hạ thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, kéo theo sức mua giảm sút so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của Sở Công thương, sức mua dịp Tết sẽ tăng 12-15%. Ảnh: H.T
Theo dự báo của Sở Công thương, sức mua dịp Tết sẽ tăng 12-15%. Ảnh: H.T
Ông Phạm Ngọc Dự-Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết: Đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa nhằm phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền. Trên cơ sở dự báo thị trường, ngay từ đầu tháng 11-2018, Sở đã vận động, đôn đốc các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh tham gia dự trữ hàng hóa, đảm bảo về chủng loại, số lượng và chất lượng, không để hiện tượng khan hàng, sốt giá xảy ra; đồng thời mở rộng mạng lưới kinh doanh, cung ứng nguồn hàng đầy đủ cho các đại lý, đẩy mạnh và gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thị trường phát triển; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại thuộc diện tham gia chương trình dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thuận lợi trong việc tích trữ hàng hóa phục vụ Tết.
Cùng với đó, Sở cũng thường xuyên tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về việc quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán 2019 đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền về tình hình giá cả thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng và định hướng tiêu dùng cho nhân dân. “Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, đầu cơ và nâng giá tùy tiện các mặt hàng thiết yếu, gian lận về chất lượng và số lượng hàng hóa kinh doanh trên thị trường dịp Tết”-ông Dự thông tin thêm.
Tuy nhiên, công tác bình ổn thị trường cũng gặp phải một số khó khăn khi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, khả năng tài chính có hạn nên việc dự trữ hàng hóa bị hạn chế. Một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn phân bổ cho công tác dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương chủ yếu nhập về từ các tỉnh, thành với cự ly vận chuyển khá xa nên làm tăng chi phí và giá thành sản phẩm, giảm lợi thế cạnh tranh.
Hơn 7.400 tỷ đồng dự trữ hàng Tết
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị một lượng hàng khá dồi dào để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; ổn định giá bán các mặt hàng, đồng thời tăng cường khuyến mại, giảm giá trong dịp cao điểm kinh doanh Tết để kích cầu tiêu dùng. Theo thống kê của Sở Công thương, tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 7.410 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp đầu mối khoảng 1.211,5 tỷ đồng, các chủ thể kinh doanh khác 5.834 tỷ đồng, hệ thống siêu thị chủ lực và cửa hàng tiện lợi 364,5 tỷ đồng.
Siêu thị Co.op Mart Pleiku tăng lượng trái cây nhập về để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết. Ảnh: H.T
Siêu thị Co.op Mart Pleiku tăng lượng trái cây nhập về để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết. Ảnh: H.T
Một số đơn vị có nguồn hàng dự trữ lớn phục vụ Tết như: Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên 140 tỷ đồng, PV Oil-Chi nhánh Gia Lai 144 tỷ đồng, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi 12 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xuất-Nhập khẩu Y tế Gia Lai 16 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên 190 tỷ đồng, Công ty cổ phần Gia Lai CTC 8 tỷ đồng, Nhà máy Đường An Khê 250 tỷ đồng, Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Tín 36 tỷ đồng, Công ty TNHH Đức Dung 34 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại Chư Sê 4,5 tỷ đồng, Vin Mart 23 tỷ đồng, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim 26 tỷ đồng…

Là một trong những đơn vị chủ lực cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai (Comexim Gia Lai) hiện đã sẵn sàng hàng hóa để phục vụ Tết với giá trị tồn kho bình quân dao động ở mức 85-90 tỷ đồng. Thêm vào đó, để tránh rơi vào tình trạng khan hàng dịp Tết, đơn vị cũng nhập thêm khoảng 60 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu gồm: dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, bánh kẹo, nước ngọt, sữa tươi, sữa đặc, bột giặt, mì gói… “Doanh thu trung bình mỗi tháng của Công ty khoảng 65-70 tỷ đồng, riêng tháng cận Tết dự kiến tăng 35-40%. Từ đầu tháng 12-2018, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu để phục vụ Tết Nguyên đán 2019, hạn chế tăng giá, góp phần bình ổn thị trường”-bà Nguyễn Thị Bích Ngọc-Phó Trưởng phòng Kinh doanh Comexim Gia Lai-chia sẻ.
Siêu thị Co.op Mart Pleiku cũng chuẩn bị lượng hàng hóa hơn 106 tỷ đồng để phục vụ Tết, tăng hơn 10% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng 5-30%, các mặt hàng còn lại tăng 10-30% và dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm thực phẩm được ưa chuộng dịp Tết như: rau củ quả, trái cây, các loại thịt và đậu, hạt, nước giải khát, bia… Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: “Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, từ giữa năm, Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên 2-4 lần. Song song với đó, chúng tôi còn tăng cường nhiều mặt hàng chuyên biệt phục vụ Tết như: bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món… và một số mặt hàng đặc sản truyền thống khác”.
Ngoài ra, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng được các siêu thị, doanh nghiệp tích cực tham gia, chủ yếu là các ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hàng may mặc, hàng điện tử… nhằm phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân vùng sâu, vùng xa. Phương thức chủ yếu là bán hàng lưu động và phân phối cho các hệ thống bán lẻ. Riêng các doanh nghiệp được tỉnh giao nhiệm vụ cung ứng các mặt hàng chính sách (muối iốt, dầu hỏa) cũng sẽ tiến hành cung ứng sớm và đầy đủ trước Tết Nguyên đán.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Ram 1500 Laramie: Khẳng định đẳng cấp xe bán tải

Ram 1500 Laramie: Khẳng định đẳng cấp xe bán tải

(GLO)- Ram 1500 Laramie là phiên bản cao cấp trong dòng bán tải Ram 1500, mang đến sự kết hợp giữa sức mạnh vượt trội và nội thất sang trọng. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu công việc, Ram 1500 Laramie còn là lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích sự tiện nghi và phong cách. 

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

(GLO)- Honda ICON e là mẫu xe máy điện hướng đến đối tượng học sinh với thiết kế cao cấp nhưng nhỏ gọn. Xe có mức giá dưới 30 triệu đồng, được phân phối tại thị trường Việt Nam với 3 phiên bản thể thao, đặc biệt và cao cấp cùng 6 lựa chọn màu sắc gồm xám, xanh, bạc, đen, đỏ xám và trắng xám.