Gia Lai: Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp vừa ký ban hành công văn số 254/UBND-NL ngày 31-1, về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.
Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Nam

Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Nam

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch số 3128/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống hạn hán, thiếu nước giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tiến hành kiểm tra các công trình thuỷ lợi địa phương, rà soát hệ thống kênh mương, xây dựng phương án cấp nước để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 cho từng công trình; chủ động tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy. Tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024. Theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết khí hậu và trên cơ sở khả năng cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất, xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp để tránh hạn, hướng dẫn Nhân dân bố trí cơ cấu giống cây trồng hợp lý; các vùng thường xuyên thiếu nước tưới xem xét khuyến cáo người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn để bảo đảm hiệu quả sản xuất. Chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện, UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện tăng cường các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2023-2024, đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác PCCCR ở địa phương. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường vận động Nhân dân sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp và làm mới các công trình thuỷ lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn theo kế hoạch vốn năm 2024 để kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân trong vụ Đông Xuân 2023-2024. Chủ động sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước phân cấp theo quy định để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước hiệu quả; trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT) để tổng hợp, đề xuất bộ, ngành trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo quy định.

Người dân xã Uar, huyện Krông Pa chủ động nạo vét kênh mương để đưa nước về sản xuất. Ảnh: Lê Nam

Người dân xã Uar, huyện Krông Pa chủ động nạo vét kênh mương để đưa nước về sản xuất. Ảnh: Lê Nam

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi kiểm tra, đánh giá trữ lượng nước và khả năng tưới của từng công trình thuỷ lợi do đơn vị quản lý; tổ chức nạo vét kênh mương đảm bảo dẫn nước; lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng một cách hợp lý. Giám đốc các đơn vị khai thác vận hành đập, hồ chứa thuỷ điện trên địa bàn tỉnh có kế hoạch xả nước hợp lý kết hợp phát điện và ưu tiên tưới chống hạn trong mùa khô năm 2023-2024.

Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh triển khai các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước theo Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Kế hoạch số 3128/KH-UBND của UBND tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh để báo cáo, đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời; chủ trì, phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) lập kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, các đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp an toàn PCCCR.

Nước tại hồ thủy lợi Ia Mlah có năng lực tưới thiết kế hơn 5.150 ha. Ảnh: Lê Nam

Nước tại hồ thủy lợi Ia Mlah có năng lực tưới thiết kế hơn 5.150 ha. Ảnh: Lê Nam

UBND tỉnh cũng đề nghị Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc có quản lý, khai thác hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi theo đúng quy trình vận hành đã được cấp thẩm quyền ban hành; thường xuyên đánh giá trữ lượng nước và khả năng tưới của từng công trình để điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho phù hợp, tiết kiệm; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác sửa chữa, bảo trì các hạng mục công trình, khẩn trương nạo vét kênh mương, cửa vào cống lấy nước để đảm bảo dẫn nước; xây dựng phương án phòng, chống hạn cụ thể cho từng công trình.

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.