Gia Lai hướng đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng lên đáng kể. Nếu năm 2009, tỷ lệ bao phủ BHYT/dân số chỉ đạt 69,36% thì năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên 91%.

Chung tay thực hiện chính sách BHYT

15 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường. Chất lượng khám-chữa bệnh (KCB) BHYT được nâng lên. Người dân từng bước nhận thức rõ quyền lợi khi tham gia BHYT, được chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu tốt hơn.

Theo đó, số người tham gia BHYT tăng qua từng năm. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp trong thực hiện công tác BHYT có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay trong công tác tuyên truyền, vận động đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Ảnh: N.N

Các cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay trong công tác tuyên truyền, vận động đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Ảnh: N.N

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các địa phương trong tỉnh đã đạt những kết quả rõ rệt trong việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Ông Tống Thới Mốc-Bí thư Huyện ủy Ia Grai-cho biết: Trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, Huyện ủy Ia Grai đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể triển khai quán triệt, tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT; trong đó có Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện ban hành các văn bản triển khai thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn; đưa việc thực hiện chỉ tiêu BHYT vào Nghị quyết và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT của huyện; xây dựng lộ trình tiến tới BHYT toàn dân qua từng giai đoạn.

“Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, điều kiện thực hiện chính sách về BHYT được triển khai thường xuyên. Qua đó, nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đoàn viên, đảng viên và người dân về ý nghĩa, lợi ích thiết thực của việc tham gia BHYT được nâng lên; tỷ lệ bao phủ BHYT tăng qua các năm. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có trên 93.600 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 83,9% trên tổng dân số.

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38, số người tham gia BHYT tăng lên 39.069 người (tăng 71,6% so với năm 2009). Huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân; trước mắt phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 90% dân số”-Bí thư Huyện ủy Ia Grai thông tin.

Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng có nhiều sáng kiến trong việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia BHYT. Bà Rơ Chăm H'Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh-cho hay: Chúng tôi phối hợp với BHXH tỉnh ký kết Quy chế phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Song song đó, các cấp Hội còn phối hợp với ngành BHXH tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền, đối thoại trực tiếp, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến BHXH, những điểm mới của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung và Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, nhất là các quy định về tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao trình độ tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho nhân viên, cộng tác viên đại lý thu BHXH, BHYT; giới thiệu hội viên là người có uy tín, người có đủ điều kiện tham gia làm đại lý thu BHXH tự nguyện tại cơ sở để phục vụ công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT là hội viên phụ nữ.

“Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ thành lập các câu lạc bộ, mô hình hoạt động theo hình thức vận động chị em hội viên, phụ nữ góp tiền tiết kiệm để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các thành viên trong gia đình, giúp có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã thành lập và duy trì 43 mô hình tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mua BHXH, BHYT với 891 thành viên; trong đó đã xây dựng được 21 mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình” với 296 thành viên”-bà Rơ Chăm H'Hồng cho biết.

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT

Ông Nãi (làng Tơ Leo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) kể: Gia đình ông có 5 người và đều mua BHYT hộ gia đình. Người dân trong làng cũng tích cực tham gia vì nhận thấy lợi ích thiết thực của việc mua BHYT. Khi mua BHYT hộ gia đình, các thành viên được giảm trừ mức đóng theo quy định, khi ốm đau được chia sẻ chi phí KCB.

“Bản thân tôi bị bệnh đại tràng và một số bệnh khác. Nhờ có BHYT mà chi phí được giảm nhiều. Trạm Y tế xã khang trang, bác sĩ thăm khám tận tình, thuốc men đầy đủ nên rất thuận lợi cho người dân”-ông Nãi chia sẻ.

Còn chị Phạm Thị Thương (thôn Cầu Vàng, xã Kdang) thì cho hay: Gia đình chị có 4 người đều đã mua BHYT. “Càng là người có hoàn cảnh khó khăn thì càng nên tham gia BHYT. Vì nếu không có BHYT thì chi phí chi trả điều trị bệnh rất lớn, gánh nặng tài chính có thể khiến gia đình kiệt quệ”-chị Thương nói.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh tăng từ 69,36% lên 91%. Ảnh: N.N

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh tăng từ 69,36% lên 91%. Ảnh: N.N

Theo ông Trần Văn Lực-Giám đốc BHXH tỉnh: Nếu năm 2009, toàn tỉnh chỉ có trên 69% người dân có thẻ BHYT thì đến năm 2023 đã tăng lên 91%. Số lượt người KCB BHYT của năm 2009 chỉ trên 600 ngàn lượt, đến năm 2023 là 1,7 triệu lượt. Cách đây 15 năm, quỹ BHYT chi trả khoảng 122 tỷ đồng cho việc KCB BHYT thì đến năm 2023 đã là trên 880 tỷ đồng.

Từ kết quả đạt được, BHXH tỉnh xác định tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai chính sách BHYT. Năm 2024, tỉnh phấn đấu có 93,75% người dân có thẻ BHYT, đến năm 2025, tỷ lệ này phải đạt 95%. Hiện BHXH đang tham mưu giúp UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho người dân vùng dân tộc thiểu số ra khỏi vùng II, vùng III theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai chính sách BHYT, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHXH, BHYT.

Đánh giá về kết quả công tác BHYT theo Chỉ thị số 38, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhìn nhận: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 1 chỉ thị, 2 chương trình để triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Qua 15 năm tổ chức thực hiện, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và người dân có những chuyển biến tích cực. Các nhóm đối tượng tham gia chính sách BHYT ngày càng mở rộng và phát triển. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 69,36% (năm 2009) lên 91% (năm 2023). Quyền lợi trong việc KCB của người tham gia BHYT không ngừng được cải thiện, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường; chất lượng KCB BHYT từng bước được nâng lên, người dân được chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu tốt hơn. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp thực hiện công tác BHYT có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho người tham gia BHYT.

Toàn tỉnh hiện còn khoảng 18% người dân tộc thiểu số chưa tham gia BHYT, tương ứng với khoảng 130.000 người chưa có thẻ BHYT. “Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách về BHYT trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai, quán triệt để mỗi người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình, các đơn vị sử dụng lao động nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT, nhận thấy rõ quyền lợi thiết thân khi tham gia BHYT, từ đó tự giác tham gia.

Cùng với đó, chỉ đạo xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT trong nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nhiệm kỳ và hàng năm của địa phương; gắn việc thực hiện chỉ tiêu về BHYT với thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 95% dân số tham gia BHYT; trong đó 98% là người dân tộc thiểu số như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Các cấp, ngành tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định, chính sách về BHYT; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách BHYT; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng KCB, nhất là ở tuyến cơ sở, góp phần khuyến khích người dân tham gia BHYT”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.