Gia Lai: Hội nghị góp ý Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 212

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 1-10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 212-QĐ/TW, ngày 30-12-2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. Hội nghị kết nối đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

z5885718624243-b3166e8912b2c78994386fbc0d89738c-1668.jpg
Các đại biểu nghe Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương quán triệt nội dung của hội nghị. Ảnh: P.D

Đồng chí Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; đại diện thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; tập thể lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và trưởng, phó các phòng chuyên môn thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Báo cáo kết quả thực hiện Quy định số 212 nêu rõ: Các nội dung của Quy định số 212 cơ bản đồng bộ với các quy định, hướng dẫn của Đảng, Điều lệ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, cơ bản xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo; là căn cứ quan trọng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Quy định bình quân lãnh đạo cấp phó chuyên trách của cơ quan Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện còn thấp, dẫn đến khó khăn trong việc phân công lãnh đạo, điều hành lĩnh vực phụ trách. Quy định về cơ cấu biên chế cơ quan hội cựu chiến binh còn có cách hiểu khác nhau, khó khăn trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức do thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật. Chưa có quy định về mối quan hệ công tác của cơ quan chuyên trách của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện với các cơ quan có liên quan nên công tác phối hợp có lúc chưa kịp thời.

Theo đó, 25 ý kiến tại hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Quy định số 212 nhằm làm rõ hơn, bảo đảm chặt chẽ hơn, cụ thể, bố cục hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định vẫn giữ nguyên 11 Điều thuộc 3 chương, gồm: Quy định chung; Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; Tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, ở mỗi Điều đều có bổ sung thêm các từ, cụm từ làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy biên chế của các cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện để phù hợp với tình hình thực tiễn.

z5885722876538-c5cba42005b02b43979fcbc65de4302f-3406.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: P.D

Đặc biệt, ở dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 212 có bổ sung Điều 10 về Mối quan hệ công tác; trong đó nêu rõ mối quan hệ công tác cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, việc phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, các ý kiến của đại biểu tại hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để sớm hoàn thiện Dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung một cách tốt nhất, trước khi trình Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến.

Có thể bạn quan tâm