Căn cứ nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên về diễn biến thời tiết, khí hậu năm 2023, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ động thực hiện tốt công tác phòng-chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khó lường.
Người dân bơm nước tưới để giải hạn cho cây trồng. Ảnh: Mộc Trà |
Theo đó, có 9 nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung thực hiện, gồm: kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng-chống thiên tai; xây dựng kế hoạch, phương án, văn bản chỉ đạo, điều hành về phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin tuyên truyền; đầu tư, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của các công trình phòng-chống thiên tai; tập huấn nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng; chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”; làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ; tiếp tục thực hiện kế hoạch thu, nộp, phân bổ quỹ phòng-chống thiên tai và thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban, thông tin báo cáo.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng phân giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan thường trực và các thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng một số sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác phòng-chống thiên tai trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 gắn với nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Được biết, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của một số cơn bão, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, mưa dông, lốc, sét và nắng hạn. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động phòng-chống thiên tai từ cấp tỉnh đến cơ sở, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra giảm nhiều so với các năm trước đó. Tổng giá trị thiệt hại rơi vào khoảng trên 104,9 tỷ đồng (giảm 84,1% so với năm 2020 và 59,4% so với năm 2021).