Đức Cơ đa dạng chính sách hỗ trợ hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo được đảm bảo đúng địa chỉ nên đã phát huy tính bền vững, hạn chế tái nghèo. Đây là “chìa khóa” giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đa dạng mô hình sinh kế

Xã Ia Lang có 1.106 hộ với 4.706 khẩu. Theo kết quả rà soát, toàn xã còn 176 hộ nghèo, chiếm 15,91%, giảm 55 hộ nghèo so với năm 2023.

Dẫn chúng tôi đến thăm làng Gào, ông Lưu Văn Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lang phấn khởi giới thiệu về mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình chị Ngô Thị Được. Ông Thanh cho hay: Gia đình chị Được vốn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2023, xã hỗ trợ gia đình chị 2 con bò sinh sản và cử cán bộ hướng dẫn cách làm chuồng trại cũng như kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Được vui mừng chia sẻ: “Đầu năm 2023, gia đình tôi được xã hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Sau khi nhận bò, tôi còn được hướng dẫn cách chăm sóc, trồng cỏ. Cuối năm 2023, bò đẻ được 2 con bê. Hiện nay, 2 con bò mẹ lại sắp đẻ bê con”.

ong-luu-van-thanh-thu-nhat-bia-phai-pho-chu-tich-ubnd-xa-ia-lang-huyen-duc-co-huong-dan-gia-dinh-chi-ngo-thi-duoc-lang-gao-cham-soc-bo-anh-yen-hoai.jpg
Ông Lưu Văn Thanh (thứ nhất bìa phải)-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) hướng dẫn gia đình chị Ngô Thị Được (làng Gào) chăm sóc bò. Ảnh: Yến Hoài

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lang cho biết thêm: Thời gian qua, xã đã triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi; dạy nghề cho người nghèo; kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ hộ nghèo... Đối với những hộ nghèo thiếu đất sản xuất, ngoài hỗ trợ cây-con giống và nhà ở, xã còn kêu gọi sự chung tay giúp sức của các nhà hảo tâm.

“Năm 2023, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) đã hỗ trợ 132 con bò sinh sản cho hộ nghèo trên địa bàn xã. Đầu năm 2024, Huyện Đoàn phối hợp cùng Dự án Sức mạnh 2000 (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia) đã xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cũng trong năm 2024, UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện và Trường Cao đẳng Gia Lai mở 2 lớp dạy nghề trồng cà phê và nghề hàn cho 60 học viên”-ông Thanh dẫn chứng.

Năm 2024, xã Ia Krêl đã triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho 39 hộ nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bà Nguyễn Thị Thúy Loan-Chủ tịch UBND xã-cho hay: “Ngay sau khi công bố số hộ thoát nghèo trong năm, xã tiến hành họp bàn, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo.

Theo đó, xã tập trung giúp hộ nghèo theo địa chỉ. Mỗi hộ nghèo có những khó khăn khác nhau. Vì vậy, chúng tôi phân công cán bộ trực tiếp đến từng hộ tìm hiểu kỹ nguyên nhân cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con rồi phân loại để có hướng hỗ trợ. Nhờ đó, cuối năm 2024, toàn xã có 45 hộ thoát nghèo”.

Năm 2023, gia đình bà Rơ Mah Lố (làng Krol, xã Ia Krêl) được xác định là hộ nghèo, thiếu hụt 2 tiêu chí gồm nhà ở và phương tiện sản xuất. Nhằm giúp gia đình bà thoát nghèo, xã đã hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tổng kinh phí xây dựng nhà là gần 100 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 40 triệu đồng, còn lại vay mượn thêm họ hàng. Sau hơn 1 tháng thi công, cùng với sự giúp đỡ ngày công của bà con trong làng, căn nhà đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

gia-dinh-ba-ro-mah-lo-lang-krol-xa-ia-krel-thuong-xuyen-duoc-chinh-quyen-dia-phuong-quan-tam-ho-tro-ve-chinh-sach-giam-ngheo-anh-yen-hoai.jpg
Gia đình bà Rơ Mah Lố (làng Krol, xã Ia Krêl) thường xuyên được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để sớm vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Y.H

Lúc chúng tôi đến thăm, bà Rơ Mah Lố phấn khởi cho hay: “Căn nhà là niềm mơ ước từ lâu của gia đình. Từ ngày có nhà mới, các thành viên trong gia đình ai cũng vui, chịu khó lau chùi thường xuyên để nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Đầu năm 2024, xã tiếp tục hỗ trợ gia đình 200 cây cà phê giống để trồng trong vườn nhà. Đây là cơ hội giúp gia đình vươn lên thoát nghèo”.

Gia đình chị Rơ Châm H’Tec (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom) cũng thuộc diện hộ nghèo. Chị chia sẻ: Chị làm mẹ đơn thân, hiện đang chăm sóc con nhỏ cùng người mẹ già. Cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2023, gia đình chị được Hội Liên hiệp phụ nữ xã tặng 1 con bò sinh sản. Đây là động lực giúp chị tự tin vươn lên, gầy dựng cuộc sống.

chi-siu-h-phunh-ngoi-chu-tich-hoi-lhpn-nu-ia-dom-dong-vien-hoi-vien-ngheo-ro-cham-htec-lang-mook-den-i-xa-ia-dom-anh-yen-hoai.jpg
Nhờ sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Dom, chị Rơ Châm H’Tec (làng Mook Đen 1) đã tự tin vươn lên, gầy dựng cuộc sống. Ảnh: Y.H

Chị Siu H’Phưng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Dom-cho hay: Hàng năm, các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã đều triển khai nhiều phần việc cụ thể để giúp đỡ hộ hội viên nghèo. Ngoài hỗ trợ bò giống, cây giống, làm nhà ở, các chi hội còn đẩy mạnh tuyên truyền để chị em thay đổi nhận thức và phương thức làm ăn đạt hiệu quả.

Thay đổi nhận thức, tư duy

Ông Huỳnh Xuân Thạnh-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ-cho biết: Xác định việc hỗ trợ sinh kế là giải pháp giúp người dân giảm nghèo bền vững, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã làm việc với các xã, thị trấn và các ban, ngành liên quan để tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch Đề án hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, năm 2024, huyện đã triển khai mô hình nuôi bò sinh sản cho 11 hộ nghèo với tổng số tiền 120 triệu đồng. Theo đó, mỗi hộ được tặng 2 con bò sinh sản.

“Việc triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn”-ông Thạnh nói.

huyen-duc-co-trao-nha-tinh-nghia-cho-ho-ngheo-anh-thanh-tinh.jpg
Huyện Đức Cơ trao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo. Ảnh: Thanh Tịnh

Cũng theo ông Thạnh, việc triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ triển khai hiệu quả các mô hình sinh kế, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

Năm 2024, huyện Đức Cơ có 431 hộ thoát nghèo. Hiện toàn huyện còn 1.570 hộ nghèo. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Siu Luynh nhấn mạnh: Các mô hình sinh kế có tác động tích cực đến đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Với tinh thần “trao cần câu, không trao con cá”, các mô hình sinh kế như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, giống cây trồng, hỗ trợ xây dựng nhà ở đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điều này đã tạo ra những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã đưa những mô hình hay, phù hợp vào thực tiễn cuộc sống, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của huyện. Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế hiệu quả đã được hình thành, tạo ra những cơ hội mới cho người dân thoát nghèo.

Có thể bạn quan tâm

Những tấm gương nỗ lực vượt qua “bóng tối”

Những tấm gương nỗ lực vượt qua “bóng tối”

(GLO)- Dù không có được đôi mắt sáng như bao người khác nhưng những người bị mù ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) lại làm cho cuộc đời mình sáng lên bằng chính tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường. Điều đó đã giúp họ vượt qua “bóng tối” của số phận, tìm được ánh sáng cho đời mình.

Thành viên Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Ia Sao phối hợp với điều tra viên tiến hành rà soát hộ nghèo tại buôn H’Liếp. Ảnh: V.C

Ia Sao công khai, minh bạch trong điều tra, rà soát hộ nghèo

(GLO)- Hiện nay, các thôn, buôn thuộc xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) đã hoàn tất công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Các quy trình đều được thực hiện công khai, minh bạch trên cơ sở đánh giá chi tiết đến từng hộ dân để có hướng hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phòng không 234 giúp xây dựng nhà cho gia đình bà A Nưnh (làng Đăk Pơ Nan, xã Kon Thụp). Ảnh: T.N

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

(GLO)- Năm 2024, huyện Mang Yang được Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Gia Lai phân bổ 750 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 15 căn nhà (50 triệu đồng/căn) cho các hộ nghèo và cận nghèo. Huyện ủy đã thống nhất ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo, cận nghèo xã Kon Thụp.

Các đảng viên, cán bộ, công chức xã Phú Cần sinh hoạt định kỳ hàng tuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nam

Phú Cần áp dụng công nghệ số trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(GLO)- Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, Đảng uỷ xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đã áp dụng công nghệ thông qua phần mềm Kahoot (Phần mềm trắc nghiệm online miễn phí) và đã được đội ngũ cán bộ, công chức của xã đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Chuyện gùi hàng về căn cứ

Chuyện gùi hàng về căn cứ

(GLO)- Dốc An Toàn, dốc Ông Hương, đường Ông Dũng, dốc Thò Lò... là những địa danh mà ai đã từng tham gia gùi hàng từ Bình Định, Quảng Ngãi về căn cứ tỉnh Gia Lai trong kháng chiến đều không thể nào quên.

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.