Ia Rbol tranh thủ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ nhà ở, vật nuôi cho các hộ nghèo. Việc được thụ hưởng nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã tạo điều kiện để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Đòn bẩy” cho người nghèo vươn lên

Nghe tiếng xe máy của chồng từ đầu ngõ, bà Nay H’Đer (buôn Krái) vội vã xuống nhà để phụ giúp mở bao cỏ mà ông mới cắt về để cho bò ăn. Vừa xong công việc, bà H’Đer kể: Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng bà có 5 người con thì 3 người đã lập gia đình, 2 còn đi học. Cả nhà chỉ trông chờ vào 1 sào lúa nước và 2 sào mì.

Tuy được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà ở cách đây 3 năm nhưng gia đình bà vẫn chưa thể thoát nghèo. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi 2 năm trở lại đây, mắt bà mờ dần, không thể phụ giúp chồng làm nương rẫy.

ia-rbol-tranh-thu-nguon-von-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-de-giam-ngheo-bg-7421.jpg
Bà Nay H’Đer (buôn Krái) chăm sóc con bò được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: V.C

Sau khi rà soát hộ nghèo trên địa bàn, UBND xã hỗ trợ gia đình bà Nay H’Đer 1 con bò sinh sản trị giá 17 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Ngày nhận bò, bà mừng rơi nước mắt. Có bò rồi, bà không còn là người vô dụng nữa. Chồng đi làm cũng chở bà đi cùng, chỉ chỗ cỏ tốt để bà cắt về cho bò ăn. Để có thêm nguồn thức ăn cho bò, sau khi thu hoạch lúa, vợ chồng bà tích trữ rơm khô làm thức ăn trong những ngày mưa.

“Nghe cán bộ xã nói bò đã được tiêm phòng đầy đủ nên gia đình không lo lắng. Chỉ mong bò mau lớn và sinh sản để gia đình sớm thoát nghèo”-bà H’Đer bộc bạch.

Cách đó không xa, gia đình chị Nay H’Đoanh (cùng buôn) cũng là đối tượng thụ hưởng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia với việc được hỗ trợ nhà ở. Đó là ngôi nhà cấp 4 khang trang được xây dựng và bàn giao từ tháng 12-2023.

Chị H’Đoanh chia sẻ: Vì hoàn cảnh 2 bên gia đình đều khó khăn nên khi ra ở riêng, cuộc sống vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn. Với 500 m2 đất trồng lúa và 2 sào rẫy trồng bắp, vợ chồng chị chỉ đủ kinh phí để dựng căn nhà tạm che mưa nắng. 3 đứa con lần lượt ra đời, căn nhà trở nên chật chội, ngột ngạt và xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi lần trời đổ mưa lớn, cả nhà lại cuống cuồng thu dọn đồ đạc rồi sang nhà ngoại ngủ nhờ.

Năm 2023, gia đình chị được chính quyền địa phương thông báo sẽ hỗ trợ xây dựng căn nhà mới. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ 44 triệu đồng, vợ chồng chị vay thêm 35 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để làm nhà ở. Để giảm bớt chi phí, bà con họ hàng đã luân phiên nhau hỗ trợ ngày công. Sau hơn 1 tháng thi công, căn nhà đã hoàn thành, kịp để gia đình vui xuân, đón Tết.

“Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã có căn nhà mới để ở. Sau khi có nhà mới, vợ chồng tôi yên tâm tập trung làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Cuối năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo. Bây giờ, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm lụng kiếm tiền chăm lo cho các con học hành”-chị H’Đoanh phấn khởi nói.

Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2022 đến nay, buôn Krái được hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà và cấp 12 con bò sinh sản cho hộ nghèo. Đây là động lực giúp các hộ khó khăn vươn lên.

Bà Nay H’Yach-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho biết: Để nguồn vốn hỗ trợ đến đúng đối tượng, ngay khi UBND xã thông báo kế hoạch, chúng tôi tiến hành rà soát để bình chọn đối tượng cần được giúp đỡ. Cùng với tiêu chí nhà ở thì phần lớn hộ nghèo và cận nghèo không có đất sản xuất nên lựa chọn hỗ trợ bò sinh sản để tạo sinh kế bền vững là cách làm phù hợp.

Tôi được bà con chọn làm trưởng nhóm cộng đồng chăn nuôi bò sinh sản để giúp các hộ nghèo, cận nghèo biết cách chăm sóc bò. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đã hướng dẫn bà con cách trồng cỏ, tích trữ thức ăn, cách phòng trừ dịch bệnh để bò phát triển khỏe mạnh.

Hướng đến mục tiêu không còn hộ nghèo

Từ năm 2022 đến nay, 54 hộ nghèo, cận nghèo của xã Ia Rbol nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, với dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất, xã có 9 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng kinh phí 396 triệu đồng. Với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xã lựa chọn phương thức hỗ trợ bò lai sinh sản.

Theo đó, cấp 45 con bò giống với tổng trị giá 779 triệu đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo. Ủy ban nhân dân xã thành lập 3 nhóm cộng đồng chăn nuôi bò sinh sản, trong đó, trưởng nhóm là hộ sản xuất giỏi để gần gũi giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cách chăm sóc. Xã cũng cử cán bộ chuyên môn và trưởng thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo nguồn hỗ trợ sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả.

2vcc-9261.jpg
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rbol đến từng hộ hội viên vận động chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Ảnh: V.C

Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, sinh kế, xã cử cán bộ làm công tác giảm nghèo tham gia các lớp tập huấn, phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền về công tác giảm nghèo thông tin cho người dân; cấp phát báo cho các chi bộ thôn, buôn nhằm nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả.

Ngoài ra, từ năm 2023 đến nay, xã phối hợp mở 3 lớp học nghề cho 95 học viên, trong đó có 2 lớp trồng rau an toàn và 1 lớp lắp đặt, sửa chữa điện sinh hoạt.

Bà Nay H’Bloanh-Công chức Văn hóa-Xã hội xã-cho hay: “Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của người dân, cuối năm 2023, xã chỉ còn 39 hộ nghèo, chiếm 3,75% và 76 hộ cận nghèo, chiếm 7,31%.

Mục tiêu của xã là cuối năm 2024 xóa toàn bộ hộ nghèo và giảm 29 hộ cận nghèo. Xã đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà và cấp 32 con bò giống cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, tất cả thủ tục đã hoàn tất, chỉ chờ có nguồn vốn là triển khai thực hiện ngay”.

Ông Nay Nhơn-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Rưng Ma Nin-cho biết: Nhờ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, buôn có 2 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở và 12 hộ gia đình được hỗ trợ bò sinh sản.

Đổi thay lớn nhất trong các chương trình là xóa bỏ cơ chế cho không, người dân đối ứng thêm vốn, làm chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn, công chăm sóc. Điều này giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Cuối năm 2023, buôn đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 84,5%; cả buôn chỉ còn 3 hộ nghèo, chiếm 1,46%.

Trò chuyện với P.V, ông Trần Trọng Kim-Chủ tịch UBND xã Ia Rbol-cho hay: Để các chương trình hỗ trợ đến với người dân một cách kịp thời, nhanh chóng và đúng đối tượng, trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo và các tiêu chí thiếu hụt, các thôn, buôn tổ chức bình chọn đối tượng thụ hưởng.

Nguồn vốn thường cấp về muộn nên đối với chương trình hỗ trợ nhà ở, xã hợp đồng trước với đơn vị nhận thầu ứng trước kinh phí triển khai xây dựng nhà cho bà con. Với chương trình hỗ trợ bò, các ban, ngành, đoàn thể xã phối hợp với thôn, buôn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bà con chăm sóc tốt vật nuôi; tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.

Ông Trần Trọng Kim-Chủ tịch UBND xã Ia Rbol: “Thời gian tới, xã tiếp tục tranh thủ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân cây-con giống, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức vươn lên của người dân, phấn đấu không còn hộ nghèo vào năm 2025”.

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

(GLO)- Sau gần 6 năm chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng ổi Ruby, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã có thu nhập ổn định. Với việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm ổi của chị cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những chuyển biến tích cực khi không để xảy ra cháy rừng và xuất hiện điểm “nóng” hay những vụ việc nổi cộm.

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

đoàn công tác do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh Hà Duy

Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ

(GLO)- Chiều 26-3, đoàn công tác do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung làm trưởng đoàn làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ về công tác quản lý, bảo vệ rừng; khảo sát núi Chư Nâm và thăm cán bộ cùng người dân làng Xóa (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh).

Hồ Ku Tong (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) đã gần cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: Q.T

Gồng mình ứng phó với nắng hạn

(GLO)- Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua khiến mực nước tại các sông, suối, ao, hồ, đập dâng trong tỉnh Gia Lai giảm mạnh, nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng là rất lớn.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.