Đón công dân từ vùng dịch về: Nghĩa tình, trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 18-10, tỉnh Gia Lai đã tổ chức đón 296 công dân gồm thai phụ, trẻ em, người đi khám-chữa bệnh bị mắc kẹt tại 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh trở về địa phương an toàn. Ai cũng vui mừng bởi sau nhiều tháng mắc kẹt tại vùng dịch đã được về quê.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong số 296 công dân về đợt này có 40 công dân đăng ký cách ly tập trung tại khách sạn, còn lại đưa về cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Gia Lai (cơ sở 2). Trước đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiến hành khảo sát, chọn địa điểm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để công dân về có chỗ cách ly đảm bảo yêu cầu.

Khám sàng lọc cho công dân trước khi đưa về khu cách ly tập trung. Ảnh: Huy Bắc
Khám sàng lọc cho công dân trước khi đưa về khu cách ly tập trung. Ảnh: Huy Bắc


Sau 5 tháng mắc kẹt tại Bình Dương, bà Nguyễn Thị Mai (SN 1963, tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã được đón về trong đợt này. Bà Mai cho biết: “Tôi vào Bình Dương để khám-chữa bệnh nhưng rồi dịch bệnh bùng phát nên bị kẹt lại. Phần nhớ nhà, phần lo lắng dịch bệnh phức tạp nên tôi rất muốn về lại Gia Lai. Nay được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện đón về, bố trí chỗ cách ly sạch sẽ, thoáng mát và chăm lo bữa ăn hàng ngày chu đáo nên tôi rất biết ơn”.

Với gia đình chị Võ Thị Trúc Nhi (tổ 8, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thì niềm vui nhân đôi vì chuyến này cả chồng và con đều được về nhà. Chị Nhi thổ lộ: Vợ chồng chị vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn được 3 năm nay. Chị làm công nhân còn chồng buôn bán nhỏ. Dịch bệnh bùng phát, chị thất nghiệp, chồng bán buôn đình trệ, thu nhập không có nên đời sống rất khó khăn. “Tôi lại đang mang thai sắp đến kỳ sinh nên vô cùng lo lắng, tinh thần bất an, chỉ mong được về Gia Lai. May mắn được tỉnh hỗ trợ đón về an toàn, gia đình tôi rất mừng và biết ơn nhiều lắm”-chị Nhi nói.

Cùng về đợt này, chị Rah Lan Liêm (làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) chia sẻ: Hai vợ chồng vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Chị đang mang thai mà dịch bệnh bùng phát mạnh. “Dù công ty bố trí chỗ ở nhưng không có việc làm nên tôi rất bối rối. Nay được đón về và được hỗ trợ cách ly, chăm lo ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, tinh thần thoải mái nên sức khỏe tốt lên”-chị Liêm xúc động bày tỏ.

Theo Đại tá Huỳnh Việt Dũng-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong đợt này, ngoài phụ nữ mang thai và trẻ em thì còn có người dân đi khám-chữa bệnh mắc kẹt tại vùng dịch về. Vì vậy, việc khảo sát chọn địa điểm tổ chức làm khu cách ly tập trung phải rộng rãi, thoáng mát để phòng-chống lây nhiễm chéo. “Ngoài ra, vì đối tượng thuộc nhiều thành phần nên chúng tôi chú trọng lên thực đơn hàng ngày phù hợp đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho công dân trong thời gian cách ly tập trung”-Đại tá Dũng thông tin.

Theo Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, từ ngày 28-5 đến nay, tỉnh đã tổ chức 4 đợt đón 765 công dân, trong đó có gần 300 phụ nữ mang thai ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Công tác đón nhận chu đáo, an toàn, bố trí lực lượng y tế đi cùng để chăm sóc người về và sẵn sàng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu xảy ra.

Các công dân đón về vào rạng sáng 18-10 vừa qua tiến hành làm thủ tục để về nơi cách ly tập trung. Ảnh: Huy Bắc
Các công dân về tỉnh vào rạng sáng 18-10 tiến hành làm thủ tục để về nơi cách ly tập trung. Ảnh: Huy Bắc


Đón công dân về tỉnh là nhiệm vụ cấp thiết nhưng phải tính toán kỹ khả năng tiếp nhận để thực hiện việc cách ly tập trung, đảm bảo các điều kiện để không lây nhiễm chéo; khả năng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng... Ngoài ra, còn có sự phối hợp, thống nhất giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh miền Nam. Do đó, yêu cầu đặt ra là triển khai đón công dân về tỉnh theo thứ tự ưu tiên, trước tiên là những người thật sự khó khăn, có nhu cầu cấp bách như: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, lao động mất việc làm, học sinh, sinh viên không có nơi lưu trú, người đi khám-chữa bệnh bị giãn cách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số...

Đối với những người dân Gia Lai ở vùng dịch các tỉnh phía Nam còn chưa về được, tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho 573 đối tượng thực sự khó khăn. Đối với học sinh, sinh viên chưa trở lại các tỉnh khác để học tập thì được tạo điều kiện để tham gia học tập tại tỉnh.

 Được biết, từ ngày 25 đến 26-10-2021, tỉnh tiếp tục tổ chức đón công dân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về địa phương. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Đối tượng đón về trong đợt tới là học sinh mầm non, tiểu học và phụ huynh đi cùng bị mắc kẹt tại 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Sở phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đón công dân một cách chu đáo, an toàn theo quy định.

 

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.