
Ông Zelensky khẳng định: “Có, tôi sẵn sàng nếu điều đó là vì hòa bình cho Ukraine. Kịch bản thứ 2 là tôi có thể từ chức để đổi lấy tư cách thành viên NATO cho Ukraine, nếu có những điều kiện như vậy... Tôi đang tập trung cho an ninh của Ukraine vào thời điểm này chứ không phải trong 20 năm nữa và tôi không có ý định nắm quyền trong nhiều thập kỷ".
Theo Tổng thống Zelensky, sự đảm bảo an ninh mà Kiev thực sự muốn là tư cách thành viên NATO và trong trường hợp điều này là không thể, Ukraine có thể cần hơn 100.000 quân của châu Âu hiện diện ở nước này để đảm bảo giao tranh không tái diễn sau bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.
Ông cũng bày tỏ mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành đối tác của Ukraine, chứ không đơn thuần là người trung gian giữa Kiev và Moscow.
Về khoản nợ nần, Tổng thống Zelensky khẳng định, Ukraine từ chối thừa nhận khoản nợ 500 tỷ USD với Mỹ và cho rằng không nên coi các khoản viện trợ là các khoản vay.
Trong thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, Tổng thống Zelensky tiết lộ, dự thảo thỏa thuận yêu cầu Ukraine phải hoàn trả 2 USD cho mỗi USD viện trợ mà Mỹ đã cung cấp và hiện các cuộc đàm phán về vấn đề này đang tiến triển và "mọi thứ đều ổn".
Những tuyên bố ông Zelensky đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi ông là "kẻ độc tài không bầu cử" hồi đầu tuần này.
Luật cấm bầu cử trong thời gian thiết quân luật của Ukraine có hiệu lực kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Cũng trong cuộc họp báo, khi đề cập tới các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột, ông Zelensky cho hay, chủ đề gia nhập NATO sẽ được đưa ra thảo luận nhưng ông không biết nó sẽ kết thúc ra sao.
Liên quan, ngày 23/2, theo Washington Post, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Ukraine rút dự thảo nghị quyết trình Liên Hợp Quốc lên án chiến dịch quân sự của Nga.
Động thái này đã khiến Kiev bị sốc và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lệnh cho Bộ Ngoại giao nước này không rút lại nghị quyết hiện tại, vốn đã được Kiev thống nhất với các quốc gia đối tác khác.
Đổi lại nghị quyết Kiev đã chuẩn bị, một dự thảo nghị quyết rất ngắn được Mỹ đưa ra bày tỏ sự đau buồn về những thương vong xảy ra trong suốt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và yêu cầu chấm dứt xung đột nhanh chóng, thúc giục hòa bình lâu dài giữa Moscow và Kiev.
Dự thảo không đề cập tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, phần lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát, hành vi của Nga mà Ukraine coi là vi phạm luật quốc tế.