Đi tìm Trạm Lập và Tổng kho Mo-nít

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trạm Lập là đầu mối của đường hành lang Trung ương, nằm bên một dòng suối lớn, tạo ra dòng thác kỳ vĩ, đẹp đến nao lòng là thác K50, thuộc xã Kon Hà Nừng (nay là xã Sơn Lang, huyện Kbang).

Tôi đã nhiều lần dừng chân nghỉ qua đêm ở Trạm Lập khi có chuyến công tác trên tuyến đường hành lang này trong những năm kháng chiến.

Lan man chuyện cũ

Trạm Lập có nhiệm vụ tiếp nhận mọi thông tin, thư từ, đưa đón cán bộ, chiến sĩ, hàng hóa... từ các “hòm thư” địa phương để chuyển đi ra Bắc, vào Nam và các tỉnh lân cận như: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên. Một lần, tôi lưu lại qua đêm ở Trạm Lập. Đó là một đêm tháng 1-1973, sau Hiệp định Paris, tôi theo chân đoàn gùi cõng hàng phục vụ cho một cuộc họp cấp tỉnh tổ chức ở thị trấn Dân Chủ (nay là xã Krong, huyện Kbang).

Rừng nguyên sinh trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Đ.M.P

Rừng nguyên sinh trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Đ.M.P

Trên đường đi ra, chúng tôi dừng chân ở Trạm Lập 1 đêm nghỉ ngơi lấy sức sau gần 1 ngày đi bộ trên con đường dành cho xe đạp thồ vận tải, xuất phát từ căn cứ Krong để đến Tổng kho Mo-nít nhận hàng. Đây là cụm kho khá lớn trong khu vực căn cứ, nơi tập kết hàng hóa, phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ cho công binh, hậu cần và sẽ được phân phối về các đơn vị lực lượng vũ trang và các cơ quan dân chính Đảng ở các căn cứ của các tỉnh khi có lệnh xuất kho của cấp có thẩm quyền.

Tổng kho Mo-nít nằm dưới những tán rừng già quanh năm ẩm ướt, không một tia nắng xuyên qua, bên một dòng suối lớn. Nói là kho nhưng là những cụm nhà làm bằng gỗ, lợp lá trung quân hoặc tranh, bạt... nền đất hay sàn nứa theo kiểu nhà sàn. Hàng hóa tuy chất ngổn ngang nhưng vẫn theo một trật tự: khu vực chứa xăng dầu, khu vực lương thực, thực phẩm; khu vực dành cho quân trang, quân dụng, vũ khí đạn dược...

Kho có người canh gác ngày đêm, đề phòng chuyện “xuất kho mà không có phiếu/lệnh” của lãnh đạo các đoàn công tác ghé qua. Hàng hóa mà đoàn chúng tôi nhận là thực phẩm các loại như: nước mắm cô đặc, mì chính, đồ hộp, nhiều nhất là mỡ thực vật đóng can, phuy nhập khẩu từ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, lương khô ép bánh nhập từ Trung Quốc...

Trong thời gian lưu lại Tổng kho Mo-nít vài ngày chờ nhận và đóng gói hàng hóa, chúng tôi tranh thủ dạo quanh khu vực này. Những bãi đậu đỗ và giao nhận hàng hóa của những đoàn xe vận tải đi và đến tấp nập, người người vui đùa, ca hát vang cả cánh rừng dù công việc nặng nhọc, mồ hôi đẫm áo. Thương mến nhất là các cô, các chị hậu cần xinh đẹp trong những bộ “quân phục bà ba đen”, các anh lái xe bị các cô các chị “tán” cho mà... phát khiếp.

Đêm ấy, có đoàn văn công biểu diễn phục vụ. Cánh rừng âm u rậm rạp trở nên sôi động, ánh đèn “sân khấu” bừng lên, không phân biệt đơn vị, khách, chủ... mọi người tập trung đến vui như mở hội. Đêm biểu diễn kéo dài cho đến khi con gà rừng cất tiếng gáy gọi bình minh mới dứt.

Dòng thác tuyệt đẹp giữa rừng già Kbang. Ảnh: Đ.M.P

Dòng thác tuyệt đẹp giữa rừng già Kbang. Ảnh: Đ.M.P

Ở cụm kho Mo-nít có một loài cây bụi thấp, mọc xen kẽ dưới tán rừng già dọc theo 2 bên bờ suối, có mùi thơm như mùi cơm nếp khi vò lá ra, nhưng mọi người bảo không thể ăn được vì rất độc. Trong rừng già, nhất là rừng hỗn giao có nhiều loại lâm sản phụ rất quý như các loài sâm, các loại quả, các loài song mây, tre nứa, rau củ quả... nhưng không phải rau củ quả nào cũng dùng được. Những người trong căn cứ luôn được các thế hệ truyền cho nhau kỹ năng nhận biết các loài rau củ quả có thể nuôi sống mình khi bị lạc rừng, xa đơn vị.

Trở lại chuyện về Trạm Lập. Trong lần dừng lại ở Trạm lần đầu tiên đó, tôi được tận mắt nhìn, tận tay sờ những chiếc ô tô vận tải hạng nặng như các loại xe zin, zin ba cầu của các nước xã hội chủ nghĩa. Thấy tôi có vẻ... nhóc con, một anh tài xế còn khá trẻ bắt chuyện. Đêm ngủ cùng anh trên cabin chiếc xe zin 3 cầu do anh lái, tôi nghe anh tâm sự chuyện nhà. Anh bảo anh tên Hùng, quê ở Hoài Ân (Bình Định), theo cha tập kết ra Bắc khi còn nhỏ, học chữ rồi học lái xe và vào Trường Sơn trong biên chế một đơn vị vận tải thuộc Đoàn 559.

Nghe anh kể bao chuyện quê hương và chuyện miền Bắc, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Tôi thương về miền quê xứ mình đang bị chiến tranh tàn phá, dân làng, dòng họ ly tán và ước mơ một lần ra thăm Thủ đô Hà Nội, thăm miền Bắc ruột thịt yêu thương. Chia tay tôi, anh Hùng nói: “Hẹn ngày giải phóng gặp lại”.

Đi tìm Trạm Lập và Tổng kho Mo-nít

Vào những năm 1990-1991, tôi cũng đã có nhiều lần đi cùng với Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn) trong những chuyến công tác về vùng căn cứ cũ của những cơ quan H16, H29 (nay là huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những lần đó, chúng tôi từ Măng Đen xuôi theo đường 24 tới xã Hiếu, xã giáp ranh với vùng Đông Bắc Gia Lai trước khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum cuối năm 1975. Tôi suy đoán, bà con ở đây sẽ biết khu Tổng kho Mo-nít, nhưng mọi cố gắng tìm kiếm thông tin của tôi khi đó đều không có kết quả.

Tôi nhớ lại khi xưa, nếu đi bộ theo đường dành cho xe đạp thồ hoặc theo đường giao liên thì cũng mất 1 ngày tính từ Trạm Lập ở vùng Hà Nừng (Sơn Lang, Kbang ngày nay) mới tới Mo-nít. Con đường quanh co dưới rừng già bạt ngàn cả ngày không có ánh nắng và những con sông, suối, thác ghềnh ấy ước chừng 40 cây số.

Người dân trong vùng có thể sẽ không biết nơi này, bởi công tác giữ gìn bí mật con đường hành lang vận tải và kho tàng cất chứa hàng trăm tấn hàng hóa, phương tiện chiến tranh rất quan trọng. Sau này, khi đường Trường Sơn Đông thông xe, cũng vài lần tôi trở lại tìm về Tổng kho Mo-nít, nhưng vẫn là... công dã tràng xe cát.

Suối nước trong xanh, mát lành chảy quanh năm giữa rừng nguyên sinh Kbang. Ảnh: Phương Vi

Suối nước trong xanh, mát lành chảy quanh năm giữa rừng nguyên sinh Kbang. Ảnh: Phương Vi

Với Trạm Lập, chắc chắn nằm trên địa bàn xã Sơn Lang, có thể trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Thế nhưng, rất nhiều lần tôi về lại Sơn Lang, nhất là trong những đợt đi tìm “cây trắc xây Lăng Bác Hồ”, trong các làng thuộc Kon Hà Nừng xưa, cùng uống rượu cần, cùng trò chuyện bao điều xưa cũ của một thời kháng chiến, bà con, lớp người lớn tuổi đều nhớ lại nhiều sự kiện trong chiến khu, nhưng khi hỏi về Trạm Lập ở vị trí cụ thể nào thì không ai biết.

Ông Đinh Đoàn ở làng Hà Nừng bảo: Hồi đó, ông còn thanh niên khỏe mạnh được phân công đi đào hầm trong một khu rừng già, nghe bộ đội nói đó là Trạm Lập. Vậy nhưng giờ đây, ông cũng không thể định hình được ở đâu.

Trong chuyến đến thác K50 mới đây, mỗi một đoạn đường anh “xe ôm” chở tôi qua quanh co trong rừng rậm Kon Chư Răng, đâu đâu tôi cũng để ý, sao mà giống con đường tới Trạm Lập ngày xưa đến vậy. Và bao ký ức lại hiện về. Đồng chí, đồng đội tôi, những nam thanh, nữ tú gác lại phía sau gia đình, làng xóm, ruộng đồng, bút nghiên để đi cứu nước, những đoàn quân dân chính Đảng với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã đi qua nơi này trước khi vào chiến dịch, chiến trường phía Đông Nam của khu Trung Trung Bộ. Và trong số họ có bao nhiêu người được trở về sau cuộc chiến?

Tôi cho rằng, tìm được những “địa chỉ đỏ” ngày xưa ấy, dù chuyện đã thuộc về quá khứ, nhưng có một “chút gì để nhớ” để người mai sau còn biết đến, chẳng hạn như một tấm bia ghi lại sự tích, đánh dấu một “địa chỉ đỏ”, một nhà lưu niệm, một cuốn sách nhỏ kể chuyện “ngày xưa”...

Đặc biệt là với Kbang, vùng đất được mệnh danh là... xứ sở của ngành “công nghiệp không khói”, vùng đất của “Đất nước đứng lên”! Hơn thế nữa, “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” vốn là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam bao đời là vậy.

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.